Đình Trà Cổ: Cột mốc văn hóa miền biên ải

GD&TĐ - Trải qua gần 600 năm hình thành và tồn tại, ngôi đình gắn liền với lịch sử hình thành và phát triển của vùng đất Trà Cổ (TP Móng Cái, tỉnh Quảng Ninh) với truyền thuyết “Người Trà Cổ, tổ Đồ Sơn”. Với lối kiến trúc thuần Việt, đình Trà Cổ thường được nhắc đến như một cột mốc văn hóa miền biên ải.

Đình Trà Cổ thể hiện đậm chất văn hóa Việt.
Đình Trà Cổ thể hiện đậm chất văn hóa Việt.

“Người Trà Cổ, tổ Đồ Sơn”

Đình Trà Cổ hiện tọa lạc trên phần diện tích rộng hơn 1000 m2, có kiến trúc kiểu chữ đinh, gồm 5 gian 2 trái bái đường và 3 gian hậu cung với kết cấu kiến trúc gỗ cổ truyền. Ngôi đình có lối kiến trúc cổ được dựng lên bằng sự liên kết các khung gỗ, chốt mộc. Mái đình được lợp ngói vẩy, bốn góc đao cong vút như một con thuyền rẽ sóng lướt tới, tạo nên dáng vẻ thanh thoát. 

Cụ Đoàn Văn Bình (80 tuổi, một người dân Trà Cổ) kể, đình Trà Cổ được xây dựng từ thời Hậu Lê (năm 1461). Quá trình hình thành và tồn tại của đình gắn liền với lịch sử hình thành và phát triển của vùng đất Trà Cổ ngày nay.

Theo truyền thuyết, vào thời Hậu Lê, để kiếm kế sinh nhai, nhiều ngư dân từ đất Đồ Sơn (thuộc TP Hải Phòng ngày nay) thường mang cả gia đình đến những vùng biển xa, về cả miền cửa biển (khu vực Trà Cổ - TP Móng Cái) để đánh bắt cá.Trong một lần sóng to gió lớn, mười hai gia đình đã trôi dạt vào một bán đảo hoang vu chỉ có sú vẹt và lau sậy. 

Không chịu nổi sự vất vả, sáu gia đình đã tìm cách để quay về quê cũ. Sáu gia đình còn lại quyết tâm bám đất, xây dựng một vùng quê mới. Ngày ngày họ cùng nhau khai phá đất mới, vừa đánh cá, vừa khai hoang. Ban đầu chỉ là 6 ngôi nhà đơn sơ, dần đã trở thành một xóm làng trù phú. 

Tên gọi Trà Cổ được giải thích là tên ghép của hai làng Trà Phương và Cổ Trai (nay thuộc huyện Kiến Thụy, Hải Phòng) - là đất phát tích của nhà Mạc vào đầu thế kỷ 16. Người Trà Cổ có câu “Người Trà Cổ, tổ Đồ Sơn” lưu truyền qua các thế hệ chính là răn dạy con cháu nhớ đến gốc gác tổ tiên của mình.

Để có nơi sinh hoạt văn hóa cộng đồng, như bao làng quê khác, đình Trà Cổ đã được nhân dân góp công, góp của xây dựng. Sau khi xây dựng đình, nhân dân địa phương đã trở về quê cũ để xin chân hương các vị thành hoàng làng về thờ tại Đình. Nơi đây cũng là chỗ thờ 6 vị tiên công đã có công khai khẩn, lập nên vùng đất Trà Cổ xưa.

Trải qua thăng trầm lịch sử, đến nay đình Trà Cổ được trùng tu nhiều lần. Trong đó lần trùng tu gần đây nhất là vào năm 2012. Đình còn lưu giữ được nhiều hiện vật có giá trị như 3 đỉnh hương đồng, 2 hạc cưỡi đầu rùa bằng gỗ sơn son thiếp vàng, 8 long ngai bằng gỗ của thời Nguyễn, 12 sắc phong chất liệu giấy.

Được xây dựng tại vùng biên giới giáp Trung Quốc, đình Trà Cổ như một cột mốc khẳng định chủ quyền văn hóa với phong cách kiến trúc thuần Việt.

Lễ hội đình Trà Cổ.
Lễ hội đình Trà Cổ.

Nét đẹp truyền đời

Hàng năm, từ ngày 30/5 - 3/6 âm lịch, tại đình Trà Cổ diễn ra nhiều hoạt động lễ hội truyền thống, có quy mô lớn, tiêu biểu cho loại hình lễ hội dân gian trên địa bàn thành phố Móng Cái nói riêng và của cả nước nói chung. Nét độc đáo của lễ hội đình Trà Cổ là lễ rước thần trên biển và hội thi “Ông voi”. Nghi lễ chính này được duy trì thường niên, trở thành nét riêng có của vùng đất biên ải Móng Cái

Theo tục lệ, trước khi vào lễ hội, làng Trà Cổ họp làng để chọn ra 12 người “cai đám”, để chuẩn bị cho lễ hội năm sau. Đáng chú ý, cho dù hoàn thành tốt nhiệm vụ thì mỗi người chỉ được vinh dự làm cai đám một lần trong đời. Từ đầu năm, mỗi cai đám sẽ nuôi một chú lợn. Sau khi mua về nhà, chú lợn này được gọi là “Ông Voi”, được coi là linh vật của thần. “Ông Voi” được chăm sóc chu đáo, ăn ngon, ngủ màn để tránh muỗi, được thăm khám đầy đủ và chăm sóc, nâng niu, trân trọng.  

Chiều 30/5 âm lịch, sau lễ tế gia tiên, 12 “cai đám” sẽ dùng cũi sơn đỏ có mái che mưa nắng rước “Ông Voi” đã được tắm rửa sạch sẽ ra xếp thành hai hàng trước sân đình để chầu thần. Sau lễ tế cáo yết thần, Ban tổ chức lễ hội sẽ dùng thước đo từ đầu đến đuôi, đo vòng cổ, cân nặng từng “ông”. “Ông” nào thân dài, vòng cổ to, đẹp và nặng nhất sẽ giành giải nhất; đồng thời được giữ lại để mổ tế thần. Trong mâm lễ, ngoài phần thủ không thể thiếu túm lông đuôi của “Ông Voi” này.

Lễ trao thưởng cho cai đám có “Ông Voi” giải nhất sẽ được tổ chức vào sáng ngày chính hội (1/6 âm lịch). Trong suốt những ngày hội đình, các “cai đám” sẽ phải túc trực ở đình, cùng Ban tổ chức lo việc cúng lễ, đèn nhang cho đến khi xong hội. Họ được dân làng kính trọng gọi là “ông đám”. Tục thi Ông Voi mang nét độc đáo, thể hiện sâu sắc ước nguyện về cuộc sống no ấm, đủ đầy của người dân Trà Cổ.  

Năm 1974, đình Trà Cổ đã được Bộ Văn hóa Thông tin (nay là Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) xếp hạng là di tích kiến trúc - nghệ thuật cấp quốc gia. Năm 2005, Lễ hội đình Trà Cổ đã được Sở Văn hóa Thông tin (nay là Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Quảng Ninh) chọn giới thiệu tại “Ngày hội văn hóa các dân tộc vùng Đông Bắc”.

Ngày 20/12/2019, Lễ hội đình Trà Cổ được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đưa vào Danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Cùng với bãi biển Trà Cổ, chùa Nam Thọ, chùa Vạn Linh Khánh, nhà thờ Trà Cổ, di tích nhà bia lưu niệm sự kiện Bác Hồ về thăm Trà Cổ năm 1961, cụm thông tin cổ động biên giới Sa Vĩ, đình Trà Cổ đã tạo nên một dấu ấn văn hóa đậm nét, thu hút khách du lịch thập phương.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ