Di tích ngàn năm mòn mỏi chờ... "danh phận"

Di tích ngàn năm mòn mỏi chờ... "danh phận"

10 năm chưa có một danh hiệu

Trở lại di tích Chăm Phong Lệ hồi tháng 4 vừa qua, đập vào mắt chúng tôi là cảnh các hố khai quật chìm trong quạnh quẽ. Ngoại trừ “hố thiêng” được lợp tạm mái tôn, còn lại các hiện vật vẫn để lăn lóc trên bãi đất. Sau nhiều trận mưa, các hố thám sát đã bị sụt trượt, một số vị trí bị vùi lấp. Các hộ dân sinh sống lân cận phế tích còn đào bới các rặng tre, cuốc đất trồng hoa màu ở những vạt đất trống.

Khó ai có thể hình dung, đây chính là di tích được đánh giá có giá trị tiêu biểu trong các di tích Chăm tại Đà Nẵng. Đây cũng là di tích duy nhất cho đến nay trong toàn bộ hệ thống đền tháp Chăm có điều kiện để nghiên cứu và giới thiệu về phần nền móng kiến trúc.

Tháng 8.2018, sau 1 tháng khai quật, nhóm chuyên gia Trường đại học KHXH-NV Hà Nội và Sở VH-TT TP.Đà Nẵng lần nữa khẳng định, khu di tích đền tháp Phong Lệ là một tổ hợp kiến trúc phân bố trên một gò đất cao, được bao quanh bởi một dòng chảy thuộc sông Cẩm Lệ. Di tích này có khả năng được quy hoạch với các cấp nền khác nhau với một đền tháp chính ở cấp nền trung tâm cao nhất, vây quanh là hệ thống tường bao ngăn cách khu vực trung tâm với vùng ngoại vi. Căn cứ các hoa văn trang trí trên gạch di tích, các nhà nghiên cứu xếp niên đại vào khoảng thế kỷ thứ 10.

Ông Huỳnh Văn Hùng, Giám đốc Sở VH-TT TP.Đà Nẵng, cho hay các nhà nghiên cứu đã phát hiện nền móng một tháp Chăm lớn nhất miền Trung. Tuy phần trên đã bị tàn phá hết nhưng bên dưới lòng đất còn tồn tại một “hố thiêng” rất độc đáo. “Mặc dù khu di tích Chăm Phong Lệ đã được khai quật gần 10 năm nhưng thời gian qua có sự chậm trễ”, ông Hùng nhìn nhận. Theo ông Hùng, bên cạnh việc điều chỉnh quy hoạch, nguyên nhân của việc chậm trễ là do công tác giải tỏa đền bù cho các hộ dân bị ách tắc. Hiện xung quanh di tích này còn một số hộ dân chưa giải tỏa. Sở VH-TT TP đã nhiều lần làm việc với Q.Cẩm Lệ để tháo gỡ vấn đề này.

Di tích ngàn năm mòn mỏi chờ... "danh phận" ảnh 1
Tháng 8.2018, các nhà nghiên cứu đã công bố những phát hiện mới về khu di tích Chăm Phong Lệ, trong đó có tượng đá sư tử độc đáo và nguyên vẹn

Ông Phan Văn Hoàng, hộ có nhà sát khu di tích này, cho biết gia đình ông mong muốn được đền bù và chuyển khỏi khu di tích để nhường đất tu bổ di tích. “Quy hoạch kéo dài nhiều năm qua nhưng nhà tôi vẫn chưa giải tỏa. Tôi ở với mẹ đã già yếu, mong muốn được di dời để ổn định cuộc sống”, ông Hoàng nói.

Tuy đã gần 10 năm với 3 lần khai quật (vào các năm 2011, 2012, 2018) cùng những kết luận nhấn mạnh tính độc đáo nhưng khu nền móng Chăm Phong Lệ chưa có một danh hiệu xứng đáng, dù là di tích cấp thành phố.

Nâng tầm thành cơ sở 2 bảo tàng Chăm

Tháng 9.2013, UBND TP.Đà Nẵng lần đầu có quyết định phê duyệt sơ đồ ranh giới bảo vệ khu di tích khảo cổ Phong Lệ với diện tích 2.653 m2. 4 năm liền sau đó, di tích Phong Lệ lại chìm vào... quên lãng. Mãi đến tháng 11.2017, UBND TP.Đà Nẵng mới có quyết định phê duyệt đề án khảo cổ và phát huy giá trị di tích. Tiếp đó, ngành văn hóa triển khai cuộc khai quật vào tháng 8.2018. Trên cơ sở này, thời gian qua, Sở VH-TT TP đã nỗ lực thực hiện quy hoạch các khu vực nhằm bảo vệ tốt hơn khu vực 1 và xây dựng các khu vực để phát huy giá trị di tích. Ông Huỳnh Văn Hùng, Giám đốc Sở VH-TT TP, cho biết trong thời gian qua TP đã quy hoạch xong di tích với diện tích khoảng 20.000 m2, mở rộng thêm 2 khu vực.

Cụ thể, khu vực 2 - khu vực bảo vệ di tích, diện tích 1.626 m2 và khu vực phát huy giá trị di tích, với 15.461 m2 đất trống, dành để kết nối ra đường Thăng Long, kết nối tour du lịch đường sông. Theo quyết định này, trong giai đoạn 2017 - 2018, hồ sơ đăng ký xếp hạng di tích cho khu di tích Chăm Phong Lệ sẽ được thực hiện xong. Đến năm 2020, một số dự án về bảo tồn di tích, như: mái che, lối đi, trùng tu Miếu Bà, xây dựng nhà trưng bày di tích Chăm... cũng sẽ được thực hiện. Thế nhưng, đến nay, di tích này vẫn chưa được xếp hạng chứ chưa nói tới việc triển khai các hạng mục.

Một cán bộ ngành Sở VH-TT TP tiết lộ, cuối tháng 3 vừa qua, lãnh đạo TP đã làm việc với lãnh đạo Q.Cẩm Lệ và thống nhất chủ trương làm Bảo tàng Điêu khắc Chăm cơ sở 2 tại khu di tích. Trao đổi với PV Thanh Niên về thông tin này, ông Huỳnh Văn Hùng cho biết: “Bảo tàng Điêu khắc Chăm đã có 3 lần trùng tu lớn. Tuy nhiên, khu bày hiện vật vẫn còn rất hạn chế, không đảm bảo là không gian trưng bày hiện vật, nên ngành văn hóa đã nảy ra ý tưởng biến khu di tích Chăm Phong Lệ thành cơ sở 2 của Bảo tàng Điêu khắc Chăm. Qua đó, sẽ trưng bày hiện vật trong không gian mở”.

“Trong năm 2020 sẽ xếp hạng di tích cấp thành phố, tiến tới làm hồ sơ di tích cấp quốc gia”, ông Hùng nói thêm.

Theo thanhnien

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ