Tạo thuận lợi cho học sinh ở các vùng miền
Bí thư thứ nhất T.Ư Đoàn Nguyễn Anh Tuấn cho biết, với các hoạt động hỗ trợ học sinh, sinh viên học tập, sáng tạo, nghiên cứu khoa học, các cấp bộ Đoàn, Hội triển khai đa dạng, hiệu quả.
Toàn Đoàn đã chú trọng tham gia xây dựng môi trường thuận lợi để khuyến khích, phát huy đoàn viên, thanh niên đề xuất các sáng kiến, sáng tạo trong đổi mới phương pháp dạy và học, nâng cao chất lượng học tập, nghiên cứu và tập sự nghiên cứu khoa học.
Nhiều công trình nghiên cứu khoa học, hội nghị, hội thảo khoa học cho thanh niên, sinh viên, giảng viên trẻ được thực hiện với kết quả cao và ứng dụng trong thực tiễn.
Trong thời gian tới, toàn đoàn sẽ tiếp tục triển khai các giải pháp tham gia xây dựng xã hội học tập thông qua việc thực hiện hiệu quả Đề án xây dựng xã hội học tập giai đoạn 2021 - 2030. Triển khai hiệu quả và tôn vinh học sinh - sinh viên, giáo viên, giảng viên trẻ qua các danh hiệu Sinh viên 5 tốt, Học sinh 3 tốt, Học sinh 3 rèn luyện, Nhà giáo trẻ tiêu biểu…
Tích cực nhân rộng các mô hình, hoạt động hỗ trợ học sinh, sinh viên, giáo viên, giảng viên trẻ học tập, nghiên cứu khoa học. Tăng cường ứng dụng công nghệ số và dạy học trực tuyến. Đồng thời xây dựng kênh thông tin chia sẻ học liệu mở dùng chung cho học sinh, sinh viên. Phát triển các quỹ, học bổng, giải thưởng về học tập, nghiên cứu khoa học….
Bí thư thứ nhất T.Ư Đoàn Nguyễn Anh Tuấn cũng cho biết, với lĩnh vực khởi nghiệp, các hoạt động của Đoàn trong đồng hành với thanh niên khởi nghiệp có nhiều hiệu quả, thiết thực. Các hoạt động hỗ trợ khởi nghiệp được triển khai đồng bộ, đều khắp từ TƯ đến cơ sở với nhiều hình thức đa dạng, thu hút được đông đảo thanh niên. Trong đó có học sinh, sinh viên tham gia.
Bên cạnh đó, các hoạt động đào tạo, tập huấn, cung cấp kiến thức cho thanh niên, học sinh, sinh viên khởi nghiệp được TƯ Đoàn, TƯ Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam, T.Ư Hội Sinh viên tích cực triển khai tạo điều kiện để sinh viên giao lưu, học hỏi, trau dồi kiến thức về khởi nghiệp. Ngoài ra, một số đơn vị đã có sự chủ động trong tiếp cận và phối hợp với các ngành, các doanh nghiệp triển khai các chương trình, đề án, cuộc thi hỗ trợ thanh niên khởi nghiệp.
Trong thời gian tới, TƯ Đoàn TNCS Hồ Chí Minh tiếp tục nghiên cứu, xây dựng quỹ hỗ trợ thanh niên khởi nghiệp theo phương thức xã hội hóa. Đồng thời vận động, kết nối các nguồn vốn xã hội hóa để hỗ trợ trực tiếp cho các dự án khởi nghiệp tiềm năng của thanh niên, sinh viên thông qua các chương trình, hoạt động của các cấp bộ Đoàn.
Bí thư thứ nhất Nguyễn Anh Tuấn cho biết, T.Ư Đoàn luôn có sự phối hợp với ngành GD-ĐT, LĐ-TB&XH kiến lập môi trường thuận lợi nhất cho việc học, sáng tạo, nâng cao chuyên môn nghiệp vụ. Đây là giải pháp để hỗ trợ đoàn viên thanh niên trong các nhà trường tham gia nghiên cứu khoa học, mở rộng không gian sáng tạo.
Bên cạnh đó, T.Ư Đoàn sẽ tạo thuận lợi hơn việc học tập của học sinh ở các vùng miền. Theo anh Tuấn, nhiều em có điều kiện khó khăn cần được chăm lo. Như vừa qua, dịch Covid-19 có những câu chuyện hết sức xúc động mà 3 ngành Thanh niên, GD-ĐT và LĐ-TB&XH đã làm như “Sóng máy tính cho em”. Hay trang bị thư viện, không gian đọc, hỗ trợ học bổng, các chương trình về data, sách học liệu…
Bên cạnh đó, anh Tuấn cũng thông tin, các cấp Đoàn cũng đã có kiến nghị đổi mới nội dung phương pháp dạy trong nhà trường. Ngành Giáo dục có tiếp nhận theo hướng người học là trung tâm. Đây là điều quan trọng nhất trong bối cảnh đổi mới toàn diện giáo dục theo hướng phát huy năng lực người học.
“Ba năm vừa qua rất nhiều không gian sáng tạo được tổ chức trong trường học cho các em tiểu học. Từ đó trang bị cho các em phương pháp kỹ năng sáng tạo và nghiên cứu khoa học”, anh Tuấn nói.
Đẩy mạnh hướng nghiệp cho học sinh cuối cấp
Theo anh Tuấn, T.Ư Đoàn đã phối hợp với các ngành tổ chức giải thưởng, tôn vinh, sân chơi khoa học sáng tạo. Kết nối các ý tưởng sáng tạo với các cơ quan hữu quan, tổ chức kinh tế biến ý tưởng thành sản phẩm áp dụng trong thực tiễn, cổ vũ nuôi dưỡng đam mê.
Bên cạnh đó, tổ chức Đoàn tạo cơ chế đồng hành cùng các bạn đưa kết quả nghiên cứu, sáng tạo được tình bày, phô diễn thông qua quá trình chuyển đổi số.
“Chúng tôi đã có app Thanh niên Việt Nam, diễn đàn chuyển đổi số để tất cả ý tưởng từng cấp được đưa lên và có cơ chế kết nối để trưng bày, kết nối với các tổ chức, cá nhân liên quan. Đây cũng là các hoạt động sáng tạo, nghiên cứu khoa học hội nhập với khu vực và thế giới”, anh Tuấn nhấn mạnh.
Nhiều bạn trẻ hiện nay còn băn khoăn về giải pháp giúp học sinh hướng nghiệp ngay từ đầu để có thể chọn đúng ngành nghề và có việc làm đúng ngành được đào tạo.
Theo anh Tuấn, vào năm 2008 đây đúng là vấn đề của cả xã hội khi nhiều bạn chọn nghề ngẫu nhiên, định hướng nghề nghiệp không cao, phân luồng giữa cao đẳng nghề, trung cấp nghề rất yếu.
“Đa số muốn đổ xô vào học đại học mà chưa biết có được làm đúng nghề, đúng ngành không. Rồi không vào đại học thì không học nghề mà đi làm lao động phổ thông. Điều này khiến tỉ lệ lao động qua đào tạo của nước ta khi đó rất thấp, chỉ 18,5%”, anh Tuấn thông tin.
Tuy nhiên, theo anh Tuấn, khi có Luật Giáo dục nghề nghiệp, tỉ lệ phân luồng hiện nay đã hơn 90%. Việc chọn nghề nghiệp của học sinh phổ thông đã tốt hơn nhiều. Nhiều đơn vị của Đoàn, các trường cũng có định hướng cho các em rất sớm, từ cuối lớp 11. Trong 2 năm vừa qua, việc định hướng nghề nghiệp đã hướng tới đối tượng lớp 8, lớp 9.
Trong thời gian tới, anh Tuấn cho biết, T.Ư Đoàn đang tiếp tục hoàn thiện phần mềm trợ lý ảo test về xu hướng nghề nghiệp. Những bạn học sinh cuối cấp THCS và THPT sử dụng có thể biết được sự phù hợp nghề nghiệp. Bên cạnh đó, T.Ư Đoàn cũng sẽ đẩy mạnh tư vấn hướng nghiệp cho học sinh cuối cấp theo phối hợp với ngành GD-ĐT và LĐ-TB&XH.
Bí thư thứ nhất cũng cho biết, T.Ư Đoàn cũng sẽ làm tốt hơn công tác giới thiệu việc làm và kỹ năng nghề cho các bạn thanh niên. Theo anh Tuấn, đây không chỉ là vấn đề của Việt Nam mà nhiều nước khi nhiều người tốt nghiệp xong, làm đúng nghề nhưng kỹ năng nghề không tốt rồi các kỹ năng mềm…