Đây cũng là một cách để HS hình dung được mức độ yêu cầu của đề thi chính thức.
“Điểm tựa” của cả thầy và trò
Trên cơ sở nghiên cứu kỹ đề minh họa, Ban Giám hiệu Trường THPT Hoàng Hoa Thám (Đà Nẵng) yêu cầu các tổ bộ môn đi sâu phân tích chi tiết từng nội dung chuyên đề kiến thức, phân loại xem bao nhiêu phần trăm kiến thức thuộc chương trình lớp 10, lớp 11 có bao nhiêu phần trăm, các kiến thức ở mức độ vận dụng, vận dụng cao sẽ “rơi” vào những chương nào…, từ đó điều chỉnh, biên soạn lại nội dung ôn tập cho phù hợp.
Thầy Phan Văn Tánh cho biết: “Chúng tôi yêu cầu tổ chuyên môn nhận xét đề trên cơ sở so sánh với mặt bằng chung của HS nhà trường.
Theo đó, với đề minh họa môn Sử và Địa, đa số HS có khả năng đạt ở mức điểm 7 - 8 điểm; đề thi minh họa môn Ngữ văn và Anh văn thì HS có học lực trung bình để đạt được điểm 5 là khó, điểm 9 - 10 ở môn Anh văn vì vậy sẽ rất ít.
HS khá, giỏi thật sự và đúng theo khối thi thì mới có thể đạt được 8,5 điểm ở đề minh họa môn Toán; HS trung bình phải có phương pháp học và ôn tập phù hợp mới có thể đạt ở mức điểm 5. Với dung lượng kiến thức trong đề minh họa thì HS học ban cơ bản hay nâng cao đều làm được.
Độ phân hóa của đề minh họa của các môn thi, theo chúng tôi là vừa đủ để xét tốt nghiệp vừa có cơ sở tin cậy, đạt đủ độ khó để xét tuyển CĐ, ĐH”.
Cô Trần Thị Kim Vân – Hiệu trưởng Trường THPT Tôn Thất Tùng (Đà Nẵng) - nhận xét: “Đối với những HS nắm vững kiến thức chuẩn, đã có quá trình luyện thi từ trước thì với mức độ như đề minh họa, không quá khó để đạt mức điểm từ 6 - 7 điểm.
Nhưng với những HS học dàn trải thì mức độ kiến thức của đề minh họa là không dễ. Qua khảo sát, trường chúng tôi có khoảng 45% HS đạt mức điểm từ trung bình trở lên. Chính vì vậy, việc công bố đề minh họa của Bộ giúp cho cả HS và giáo viên có định hướng rõ ràng hơn trong quá trình ôn tập”.
Theo như phân tích của cô Trần Thị Kim Vân thì đề minh họa có tính phân hóa cao, thế nhưng, ở những câu hỏi dễ thì lại quá dễ. “Chẳng hạn như câu hỏi nguyên tố nào thuộc nhóm halogen, đây là nội dung của kiến thức Hóa học lớp 10 và HS đương nhiên phải nắm được. Câu hỏi này tuy dễ nhưng không phải HS nào cũng lấy được điểm bởi dù dễ quá nhưng HS không ôn tập, không để ý thì lại không biết.
Chính vì vậy, trong thời gian ôn tập còn lại, chúng tôi chủ trương phải làm sao để HS nắm chắc những kiến thức căn bản trong SGK, bám sát chuẩn kiến thức để HS không bị mất điểm ở những câu hỏi dễ”.
Trên cơ sở phân tích ma trận đề, các tổ chuyên môn của Trường THPT Hoàng Hoa Thám đã biên soạn lại đề cương ôn tập theo hướng bổ sung thêm phần vận dụng và vận dụng cao, tăng cường luyện tập cho HS trong quá trình ôn tập, củng cố kiến thức cần nâng cao tính tự học của các em.
Ngoài biên soạn lại nội dung ôn tập, Trường THPT Đắkrông (huyện Hướng Hóa, Quảng Trị) đã tổ chức cho các tổ bộ môn, với kinh nghiệm giảng dạy của mình, xây dựng các đề thi với cấu trúc tương tự như đề minh họa để HS làm quen với nhiều dạng đề khác nhau. Đây cũng là cách làm của Trường THPT Phạm Phú Thứ.
Nhiều trường THPT đã dùng ngay đề minh họa của Bộ GD&ĐT để làm đề thi thử của trường mình nhằm lượng sức học của HS để điều chỉnh hướng ôn tập trong thời gian đến.
Qua việc HS làm thử đề thi minh họa, BGH Trường THPT Lê Thế Hiếu (Cam Lộ, Quảng Trị) đã phát hiện ra “lỗ hổng” của HS, đó là kỹ năng phân tích đề.
Thầy Thái Quốc Khánh - Hiệu trưởng - nhận xét: “Do không có kỹ năng phân tích đề nên HS rất lúng túng, mất quá nhiều thời gian vào những câu hỏi khó”.
Chính vì vậy, trong lịch ôn tập của nhà trường, BGH nhà trường còn dành một khoảng thời gian để HS ôn tập dưới dạng các đề thi theo đúng cấu trúc đề minh họa mà Bộ đã công bố.
Theo giải thích của thầy Khánh thì nếu HS không rèn kỹ năng làm bài cho HS, từ cách phân tích đề thi, trình bày bài làm, kỹ thuật làm bài trắc nghiệm… thì những nỗ lực của cả GV lẫn HS trong quá trình ôn thi đều không mang lại hiệu quả cao.
HS định hướng rõ hơn về sự lựa chọn cho tương lai
Theo thầy Nguyễn Ngọc Ý - Hiệu trưởng Trường THPT Cửa Tùng (huyện Vĩnh Linh, Quảng Trị), có khoảng 40% HS khối 12 của trường đạt mức điểm từ trung bình trở lên khi làm bài theo đề minh họa các môn tự nhiên, tỷ lệ này ở các môn xã hội cao hơn, đạt từ 55 - 60%.
Tuy đến 30/4 mới chốt danh sách HS đăng ký cụm thi, nhưng qua thăm dò, Trường THPT Cửa Tùng có khoảng 40% HS đăng ký tại cụm thi địa phương để lấy kết quả xét tốt nghiệp. Thầy Ý cho biết, nhà trường đã họp phụ huynh HS khối 12 để tư vấn, phân tích kết quả học tập cũng như kết quả bài làm trên cơ sở đề minh họa để phụ huynh, HS có cơ sở định hướng nghề nghiệp cho con em mình.
“Những ngày này là cao điểm để HS chốt việc đăng ký cụm thi, chúng tôi dự đoán tỷ lệ HS chọn thi tại cụm thi địa phương có thể sẽ đạt khoảng 45 – 50%”.
Trường THPT Đắkrông cũng có 115 em/195 HS khối 12 đăng ký thi tại cụm thi địa phương; con số này còn có thể thay đổi do vẫn chưa hết hạn đăng ký. Theo thầy Lê Chí Thông - Hiệu trưởng, thì đây là kết quả của việc truyền thông, định hướng nghề nghiệp của nhà trường đến HS và phụ huynh dựa trên năng lực học tập và nhu cầu, nguyện vọng của HS.
HS Trường THPT Lê Thế Hiếu cũng đã bắt đầu có sự dịch chuyển cụm thi, từ cụm thi liên tỉnh sang cụm thi địa phương sau khi tiếp cận với bộ đề minh họa của Bộ GD&ĐT.
“Thú thật là trước đó, em vẫn hy vọng sẽ có sự “may mắn” trong khi thi. Nhưng sau khi nghe các thầy cô phổ biến quy chế thi, sự cạnh tranh quyết liệt vì kết quả thi còn được sử dụng để xét tuyển CĐ, ĐH, làm thử đề minh họa thì em chỉ đạt ở mức điểm dưới trung bình nên em sẽ tập trung ôn tập cho mục tiêu xét tốt nghiệp rồi đi học nghề” - Một HS Trường THPT Lê Thế Hiếu cho biết lý do khi mình chuyển đổi cụm thi.