Dinh dưỡng phù hợp theo độ tuổi

0:00 / 0:00
0:00

GD&TĐ - Mùa Hè, thời tiết nóng bức, cơ thể trẻ sẽ dễ mệt mỏi. Từ đó, dẫn đến tình trạng trẻ có thể biếng ăn, sức khỏe giảm, nhiều nguy cơ mắc bệnh.

Dinh dưỡng từ thịt, trái cây, rau, hạt ngũ cốc… đều cần thiết cho trẻ. Ảnh minh họa
Dinh dưỡng từ thịt, trái cây, rau, hạt ngũ cốc… đều cần thiết cho trẻ. Ảnh minh họa

Vì vậy, một chế độ dinh dưỡng hợp lý cho bé là điều mà cha mẹ cần quan tâm.

Nhu cầu dinh dưỡng thay đổi theo tuổi

Theo Viện Y học Ứng dụng, chế độ dinh dưỡng cho trẻ em cũng dựa trên các nguyên tắc dinh dưỡng dành cho người lớn. Bữa ăn của trẻ cần được cung cấp đủ protein, chất béo, chất xơ, vitamin và khoáng chất.

Ở mỗi giai đoạn phát triển khác nhau, nhu cầu về dinh dưỡng của trẻ cũng thay đổi. Trong giai đoạn từ 0 - 6 tháng tuổi, trẻ có thể sử dụng kết hợp sữa mẹ hoặc sữa công thức cho nhu cầu dinh dưỡng hằng ngày. Tuy nhiên, sữa mẹ vẫn là nguồn chính và phù hợp nhất vì giúp tăng cường hệ miễn dịch và dễ dàng tiêu hóa hơn.

Đối với trường hợp bú mẹ, trẻ sơ sinh cần được bú từ 8 - 12 lần/ngày hoặc tùy theo nhu cầu của mỗi bé. Khi bé 4 tháng tuổi, số lần bú trong ngày sẽ giảm đi còn khoảng 6 - 8 lần/ngày.

Tuy nhiên, trẻ sẽ cần lượng sữa nhiều hơn. Đối với trường hợp sử dụng sữa thay thế, trẻ cần được uống khoảng 6 - 8 lần/ngày. Trẻ sơ sinh nên bắt đầu từ 57 - 85g sữa bột/lần. Cũng giống như trường hợp uống sữa mẹ, lượng sữa sẽ tăng lên khi bé lớn hơn.

Từ 4 - 6 tháng tuổi, bé đã có thể bắt đầu tập ăn dặm kết hợp cùng sữa. Tuy nhiên, cha mẹ cần lưu ý, thức ăn phải ở dạng rất lỏng. Nếu có dấu hiệu bất thường, phải dừng việc cho trẻ ăn dặm ngay.

Ở giai đoạn trẻ từ 6 - 12 tháng tuổi, phụ huynh cần tập cho bé thích nghi dần với việc kết hợp thức ăn ngoài và uống sữa. Một số loại thức ăn mà cha mẹ có thể cho trẻ ăn bao gồm: Khoai lang, cà rốt, đậu xanh… được nấu chín và nghiền nát.

Ở giai đoạn đầu của thời kỳ tập ăn, cha mẹ cần cho bé thử từng muỗng nhỏ, sau đó tăng lượng thức ăn tùy theo nhu cầu của trẻ. Từ 8 - 12 tháng tuổi, tần suất trẻ uống sữa mẹ hoặc sữa thay thế sẽ giảm xuống còn 3 - 4 lần/ngày.

Ở giai đoạn này, trong thực đơn cần bổ sung thêm thịt được xay nhuyễn để cung cấp chất sắt. Cha mẹ cần đưa lượng nhỏ thịt để trẻ tập quen dần và chỉ cho ăn 1 loại thịt/tuần.

Khi bé đã đủ 1 tuổi, lượng ăn dặm nên được điều chỉnh tăng lên phù hợp. Bởi, lúc này, trẻ sẽ bú ít sữa hơn trước. Các chất dinh dưỡng từ thịt, trái cây, rau, hạt ngũ cốc… sẽ cần thiết cho bé để bảo đảm đủ vitamin và khoáng chất.

Bên cạnh đó, bé vẫn cần duy trì lượng sữa mẹ hoặc sữa công thức chứ không thể thay thế hoàn toàn bằng bữa ăn. Trong khi đó, giai đoạn từ 2 - 5 tuổi được xem là thời điểm quan trọng của trẻ vì chuyển sang độ tuổi học đường. Bé dần có xu hướng làm chủ trong bữa ăn của bản thân.

Để đáp ứng nhu cầu dinh dưỡng cho trẻ em trong độ tuổi này, cần bổ sung các nhóm dinh dưỡng quan trọng. Trước hết, cần bao gồm chất đạm. Nhóm chất này có trong thịt bò, thịt heo hoặc thịt gà (ưu tiên thịt nạc), trứng, phô mai (tần suất 2 ngày/tuần).

Đồng thời, cha mẹ nên cho trẻ ăn các loại cá có chất béo Omega-3 tốt (ít nhất 2 lần/tuần) như cá thu, cá chép… Mỗi ngày, trẻ nên tiêu thụ 80 - 100g thịt cá. Ngoài ra, trẻ cần sử dụng thực phẩm bổ sung lợi khuẩn như các loại nước, sữa chua (duy trì tối thiểu 2 – 3 ngày/tuần). Phụ huynh cũng cần bổ sung đa dạng các loại rau củ quả cho bé.

Phòng tránh dị ứng thực phẩm

Cách phòng ngừa dị ứng thức ăn tốt nhất ở trẻ sơ sinh là nên cho bé bú sữa mẹ trong tối thiểu 4 - 6 tháng đầu (không dùng thêm sữa bột). Điều đó làm giảm tối đa việc tiếp xúc với các protein lạ, giúp hoàn chỉnh lớp bảo vệ ở ruột, giảm nguy cơ nhiễm trùng (nhiễm trùng làm dị ứng dễ bùng phát). Ở những trẻ này, nên bắt đầu cho ăn thức ăn đặc sau 6 tháng và khởi đầu bằng: Gạo, thịt heo, thịt gà, chuối, lê, rau quả và các loại dầu tinh chế (không còn protein để gây dị ứng).

Bác sĩ CKII Nguyễn Minh Tiến - Bệnh viện Nhi đồng Thành phố (TPHCM) cho biết, vào những ngày hè, trẻ được ăn nhiều loại thức ăn phong phú từ gia đình cho đến nhà hàng, quán ăn.

Tuy nhiên, thức ăn có thể gây dị ứng, nhất là các bé có cơ địa dị ứng. Chuyên gia giải thích, dị ứng thức ăn là triệu chứng khi hệ miễn dịch phản ứng với những thực phẩm không hợp với cơ thể.

Trẻ có cơ địa dị ứng thường có nồng độ kháng thể IgE trong máu cao hơn bình thường. Các kháng thể IgE còn gọi là kháng thể gây dị ứng, bám trên bề mặt tế bào bạch cầu mastocyte (dưỡng bào), chứa nhiều túi nhỏ bên trong có nhiều hóa chất trung gian như histamine, serotonin…

Trong thức ăn có những protein “lạ” là các dị nguyên khi hấp thu vào máu, gắn vào kháng thể IgE kích thích dưỡng bào phóng thích các túi chứa histamin, serotonin… đi vào trong máu.

Các triệu chứng của dị ứng thức ăn thường bao gồm sổ mũi (có chảy mũi), chảy nước mắt, hắt hơi và khò khè, ho nhiều (ho mạn tính), sưng phù quầng mắt. Trẻ cũng sẽ thường xuyên bị nhiễm lạnh hoặc viêm thanh quản.

Ngoài ra, trẻ dị ứng cũng có thể nổi mề đay ở da khu trú hay toàn thân, thường xuyên phát ban trên da (chàm bội nhiễm, nổi ban, lác sữa ở trẻ nhũ nhi), ho vào ban đêm và nghẹt mũi vào buổi sáng. Một số triệu chứng phổ biến khác gồm: Tiêu chảy, đau bụng, tiêu phân nhầy máu; Đầy bụng; Mệt mỏi, đau đầu.

Theo bác sĩ Tiến, những loại thực phẩm thường gây dị ứng là: Trứng, lòng trắng trứng; Cá, tôm, cua, ghẹ, trai, điệp, hào sò, vẹm (đồ biển); Các loại hạt; Ngũ cốc có chứa gluten (lúa mì, mạch đen, yến mạch và lúa mạch); Dioxyde lưu huỳnh và sulphit (các chất bảo quản thường sử dụng trong một số thức ăn và đồ uống). Ngoài ra, một số trẻ nhũ nhi có tình trạng dị ứng với sữa.

“Khi nghi trẻ bị dị ứng thức ăn, cần đưa bé đi bác sĩ để chẩn đoán bệnh và có được lời khuyên hợp lý. Mỗi sản phẩm ăn uống đều có dán nhãn thành phần thức ăn, nên phụ huynh dễ dàng hơn khi quyết định có thể và không cho con ăn gì”, chuyên gia khuyến cáo.

Cũng theo bác sĩ Tiến, tình trạng dị ứng hoặc không dung nạp thức ăn có thể kéo dài hay tái phát. Phụ huynh cần để ý tới thực phẩm trẻ ăn trong thời gian gần, nếu bé bị dị ứng. Từ đó, “cắt nguồn dị nguyên” có thể để trẻ không bị tái phát dị ứng.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Cờ Nga được nhìn thấy kéo lên ở khu vực Kotlyarovka thuộc Kharkov

Cờ Nga tung bay ở Kharkov

GD&TĐ - Lá cờ của Liên bang Nga được nhìn thấy kéo lên ở khu vực Kotlyarovka thuộc vùng Kharkov hôm 4/5/2024.
Công cụ trí tuệ nhân tạo giải quyết nhu cầu học tập đa dạng của sinh viên.

Singapore thận trọng sử dụng AI

GD&TĐ - Các trường đại học Singapore áp dụng cởi mở nhưng thận trọng với việc sử dụng trí tuệ nhân tạo (AI) trong giảng dạy và thực hành.
Chùm ảnh sự hỗn loạn ở Haiti

Chùm ảnh sự hỗn loạn ở Haiti

GD&TĐ - An ninh trật tự Haiti liên tục phải chịu những biến cố, từ vụ ám sát tổng thống đến động đất và tình trạng bạo lực từ các băng đảng.