- Này bác, bác có biết “Chị đẹp đạp gió, rẽ sóng” mới sôi động trên truyền hình không?
- Lạ chưa, dạo này bác cũng quan tâm đến “chị đẹp”, “chị xinh” cơ à?
- Mấy nay nổi rần rần thế, em không muốn cũng phải ghé mắt. Mà cũng “nóng bỏng” lắm đấy, những 30 “chị đẹp” đều là người nổi tiếng trong giải trí tham gia. Dịp này, công chúng tha hồ gặp các idol của mình, có thể nhắc đến những cái tên như: H’Hen Niê, Hồng Nhung, Mỹ Linh, Thu Phương, Vân Hugo, Lệ Quyên, Bảo Anh, Uyên Linh, Ninh Dương Lan Ngọc…
Họ lập nhóm nhạc theo số lượng 3 hoặc 5 hoặc 7 thành viên để “vượt ra khỏi những hình ảnh quen thuộc” và “truyền tải thông điệp tích cực về những phụ nữ vượt qua mọi giới hạn bản thân để tiếp tục sáng tạo, cống hiến; được sống lại với ước mơ thanh xuân của mình”.
Ấy là, em nhắc theo thông tin của ban tổ chức vì thấy thông điệp của game show này ý nghĩa và nếu làm tốt còn có thể truyền cảm hứng tốt đẹp đến công chúng...
- Vâng bác, thêm một game show truyền hình là khán giả có thêm sự lựa chọn “món ăn” tinh thần phù hợp với khẩu vị của mình. Có lẽ “Chị đẹp đạp gió, rẽ sóng” sẽ thu hút sự chú ý không chỉ người trẻ mà cả khán giả trung niên. Vì trong 30 “chị đẹp” không chỉ có gương mặt trẻ, mà còn có cả gương mặt thành danh từ cuối những năm 90 của thế kỷ trước.
Hoan hỉ là thế, nhưng, nói thật với bác lòng em có mối băn khoăn. Em trộm điểm các “món ăn” trên “bàn tiệc” giải trí game show truyền hình bấy nay thì thấy, có lẽ gần như đều từ Việt hóa bản quyền mua từ nước ngoài chứ nào có chương trình nào do chính người Việt tạo ra đâu?
Ví như “Ai là triệu phú”, “Người bí ẩn”, “Thần tượng âm nhạc Việt Nam”, “Tìm kiếm tài năng Việt Nam”… là từ Anh; “Running Man Vietnam - Chơi là chạy”, “Ca sĩ mặt nạ”, “Bố ơi! mình đi đâu thế?”… từ Hàn Quốc; “Không giới hạn - Sasuke Việt Nam” từ Nhật Bản; “Người mẫu Việt Nam: Vietnam’s Next Top Model” từ Mỹ; “Người ấy là ai?” từ Thái Lan; “Siêu trí tuệ Việt Nam” từ Đức…
Ngay cả “Street Dance Việt Nam” hay “Chị đẹp đạp gió, rẽ sóng” mới tinh này cũng đều Việt hóa từ bản gốc của Trung Quốc.
Có lẽ, chỉ game show “Đường lên đỉnh Olympia” bền bỉ suốt 24 năm qua là thuần Việt nhất, do Bộ Giáo dục&Đào tạo và Đài Truyền hình Việt Nam đồng tổ chức từ năm 1999 đến nay.
Việc du nhập, giao thoa văn hóa, giải trí là điều bình thường, nhất là trong thời đại thế giới phẳng này. Nhưng em vẫn thấy tiếc khi sân chơi giải trí màu mỡ đó vắng bóng sự sáng tạo của người Việt trong suốt mấy chục năm qua.
Nước nhà không hiếm nhân tài. Vậy nên, em ước ao đến ngày không xa sẽ có một rồi hai và thật nhiều game show do người Việt thiết kế không chỉ nổi đình, nổi đám trong nước, mà còn được thế giới mua bản quyền khai thác.
Đó cũng chính là cách người Việt khẳng định tầm vóc của mình bằng chương trình bản địa chứ không phải chỉ chờ người sáng tạo rồi mua lại mà khai thác, thụ hưởng. Và đó cũng là cách thể hiện trách nhiệm góp phần làm đa dạng sắc màu văn hóa của các “món ăn” trên “bàn tiệc” giải trí toàn cầu, bác nhỉ!