Người Việt không chỉ lười mà còn thiếu kỹ năng đọc sách

GD&TĐ - Không chỉ lười đọc sách, nhiều người còn thiếu kỹ năng đọc khiến chất lượng tiếp nhận tri thức không như mong đợi.

Đa số độc giả cho rằng đọc nhanh hay chậm tuỳ thuộc vào từng thể loại sách.
Đa số độc giả cho rằng đọc nhanh hay chậm tuỳ thuộc vào từng thể loại sách.

Đọc sách nhanh hay đọc sách chậm vẫn là một trong những tranh luận chưa có hồi kết với độc giả Việt Nam. Người thì cho rằng đọc nhanh sẽ khó đem lại kết quả tốt vì khả năng “tiêu hóa” của bộ óc có hạn. Có người thì khẳng định cần phải đọc chậm để tư duy về những điều “sách nói”.

Lười đọc sách nhưng thích đọc nhanh

“Ở nước ta hiện nay phong trào học ngoại ngữ khắp nơi, nhưng sức mạnh từ ngoại ngữ đem lại thì nhỏ bé. Hạn chế ấy nằm trong câu chuyện tưởng giản đơn “học ngoại ngữ để làm gì?”. Trong khoảng 100 năm tới, dịch thuật ở Việt Nam cùng văn hóa đọc sẽ vẫn là một vấn đề chìa khóa”. Nhà nghiên cứu - dịch giả Nguyên Quốc Vương

Nhà nghiên cứu - dịch giả Nguyễn Quốc Vương cho hay, người Việt không chỉ bị mang tiếng lười đọc mà trong thực tế còn thiếu kỹ năng đọc - cụ thể là thích đọc nhanh.

“Khi tôi viết là bao giờ Việt Nam dịch được nhiều sách hay như Nhật Bản đã từng làm trong 50 năm cuối thế kỉ 19, thì nhiều bạn lại đọc và hiểu là “sao không dịch sách từ tiếng Nhật”. Và rồi quay sang chuyện đọc thẳng từ tiếng Anh. Đọc thẳng từ nguyên tác là tốt nhất - đương nhiên, nhưng xin đừng lạc quan vì đọc thẳng từ nguyên tác là câu chuyện của một thiểu số tinh hoa”, ông Vương cho biết.

Cũng theo ông Vương, thử hình dung dân số Việt Nam là 100 triệu người, bao nhiêu người trong số đó có khả năng đọc được sách tiếng Anh - từ sách phổ thông tới sách chuyên ngành, sách khó như triết học, lịch sử, văn học?

Dù chưa có thống kê, nhưng ông Vương cho rằng không nhiều, kể cả người được học ngoại ngữ từ nhỏ. Có nhiều lý do, một là tuy học ngoại ngữ nhưng không có thói quen đọc sách, hai là động cơ học là để lấy bằng, ba là từ tâm lý và môi trường xã hội.

Thực tế này có thể thấy ở cả học sinh, sinh viên và người trưởng thành. Một số có thể đọc được nhưng không đọc. Số còn lại thì không thể đọc do năng lực ngôn ngữ và kiến thức nền tảng không đủ. Số còn lại thì không biết ngoại ngữ hoặc không được học ngoại ngữ.

Thậm chí, nhiều người dạy ngoại ngữ nhưng ít khi đọc sách ngoại văn đúng nghĩa, tức là đọc các tác phẩm lịch sử, văn hóa, văn học, triết học của người bản xứ viết bằng ngôn ngữ của họ.

Từ câu chuyện đọc sách ngoại văn đến việc đọc sách nói chung, người Việt bị xếp hạng và đánh giá ở mức thấp. Lười đọc sách nhưng lại thích đọc nhanh lại cho thấy một thói quen rất lạ ở người Việt, dù việc tranh luận đọc nhanh hay chậm có ích hơn vẫn chưa có hồi kết.

Nhiều người cho rằng, với số lượng đầu sách lớn và được xuất bản liên tục như hiện nay, đọc nhanh là một kĩ năng cần có để đọc được nhiều sách hơn, tiếp thu kiến thức từ sách nhiều hơn. Nhiều người lại khẳng định, đọc nhanh như cưỡi ngựa xem hoa, sẽ không “tiêu hóa” hết nội dung của sách, nên đọc chậm mới là chuẩn chân lý.

Đọc nhanh hay đọc chậm tưởng chừng đơn giản nhưng lại là vấn đề khá phức tạp. Câu chuyện này cũng được tranh luận nhiều trên các hội nhóm mạng xã hội. Tuy việc đọc nhanh hay chậm phụ thuộc vào thói quen tính cách mỗi người, nhưng kết quả đem lại mới là điều quan trọng nhất.

Nên đọc nhanh hay chậm?

Nhiều ý kiến khác nhau trên mạng xã hội về việc đọc sách nhanh hay chậm.

Nhiều ý kiến khác nhau trên mạng xã hội về việc đọc sách nhanh hay chậm.

Trong diễn đàn thảo luận “Nên đọc sách nhanh hay chậm?” của Trạm Đọc - Read Station, có khá nhiều ý kiến khác nhau. Những người ủng hộ đọc nhanh cho rằng, đọc sách nhanh giúp học được nhiều hơn, thay vì một cuốn sách đọc trong 2 tuần sẽ rút ngắn thời gian 1 tuần và tuần còn lại sẽ hoàn thành một cuốn sách khác với những kiến thức mới.

Đồng thời, việc đọc sách nhanh cũng giúp người đọc tập trung hơn. Như Tony Buzan - một diễn giả hàng đầu về não bộ khẳng định: “Bộ não của bạn có thể tiếp thu một lượng thông tin khổng lồ tương đương 20.000 chữ/phút, song điều đáng buồn là đa số mọi người thường đọc với tốc độ 200 chữ/phút”.

Những người ủng hộ đọc chậm lại khẳng định việc đọc nhanh là kỹ năng dở tệ và ví đọc nhanh một cuốn sách giống tua nhanh một bộ phim, sẽ không biết các tình tiết cụ thể. Đọc không phải chỉ là việc của mắt, đọc đòi hỏi sự vận động của cả não bộ và tâm trí. Đọc cũng giống như biến tâm trí và từng câu chữ thành tri kỉ của nhau, đọc chính là sự gắn kết tinh thần với cuộc sống mà sách gửi gắm.

Nhà văn Uông Triều viết rằng: “Đọc chậm còn để suy ngẫm và tư duy. Nếu đọc quá nhanh, chỉ lướt qua, tốc độ của mắt nhanh hơn tốc độ cảm nhận và tư duy thì những gì tác giả viết ra chưa chắc người đọc đã kịp lĩnh hội hoặc lĩnh hội mơ hồ. Quá vội vã hoặc cẩu thả sẽ cho ra những thứ hời hợt, chỉ đủ để biết, còn chiều sâu thì hạn chế. Người ta đã chứng minh được rằng sự đọc bình tĩnh một văn bản sẽ có lợi về mặt tư duy, làm cho bộ não hoạt động tích cực hơn nếu so sánh với việc xem hình ảnh lướt qua…”.

Tuy nhiên, những người ủng hộ đọc nhanh lại khẳng định vẫn có thể tiếp nhận và lĩnh hội tri thức của sách. Vấn đề là đọc nhanh phải có kỹ năng, có phương pháp khoa học và phải được rèn luyện thường xuyên liên tục. Ví dụ câu viết: “Việt Nam chúng ta tiêu tốn thời gian khoảng 1 phút cho 1 trang sách” - người đọc chỉ cần chú ý đến “Việt Nam, 1 phút 1 trang sách” để tiết kiệm 1/2 thời gian.

Trong thảo luận “Nên đọc sách nhanh hay chậm?” của Trạm Đọc - Read Station, đa số độc giả cho rằng, tùy loại sách mà có thể đọc nhanh hoặc đọc chậm. Bạn Lê Anh Phương nêu quan điểm: “Tuỳ cảm nhận với mỗi cuốn sách mà cách đọc, nhịp điệu khác nhau. Có những thứ không thể đọc nhanh, có những điều đọc chậm lại mất hay”.

Bạn Thuỳ Diệu cho rằng: “Đọc nhanh hay chậm phải linh động chứ không thể cuốn nào cũng nhanh hay cuốn nào cũng chậm được. Thậm chí trong một cuốn nhưng có chương đọc rất nhanh, có chương lại đọc chậm”.

Độc giả Yu Trương lại khẳng định, việc đọc nhanh hay chậm tùy mục đích và khả năng mỗi người. Nếu mục đích thu thập kiến thức, thường đọc lướt chứ không chú ý nhiều tới ngôn từ tác giả. Tập trung vào cấu trúc để lọc ra nhanh nhất những thông tin cần thiết và chỉ đọc sâu những phần chưa hiểu.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ