Mang nụ cười đến với trò
Cô Nông Thị Nga, giáo viên Trường PTDT bán trú Tiểu học Lý Thường Kiệt (xã Mô Rai, huyện Sa Thầy, KonTum) có hoàn cảnh gia đình đặc biệt khó khăn. Bản thân cô bị u nang buồng trứng, chồng bị ung thư gan.
Những tưởng khó khăn, bệnh tật dừng lại ở đây, nhưng nỗi vất vả lại chồng chất lên đôi vai của cô giáo trẻ. Người con đầu 8 tuổi của cô mắc căn bệnh tự kỷ, cô con gái thứ hai mới được 9 tháng tuổi bị viêm ruột, cơ thể còi cọc, ốm yếu. Tất cả tiền bạc hai vợ chồng kiếm được đều dồn vào để chữa trị bệnh tật. Sau nhiều năm điều trị, bệnh tình của hai vợ chồng cô Nga đã thuyên giảm, nhưng sức khoẻ bị giảm sút nhiều.
Cô Nga dạy học cách nhà hơn 40km nên mỗi tuần cô đều chạy xe từ xã Mô Rai về xã Sa Bình (huyện Sa Thầy) lo cho chồng con. Mặc dù cuộc sống chồng chất khó khăn, nhưng mỗi ngày đến lớp cô luôn mang đến niềm vui, tiếng cười cho học trò của mình.
Cô Nga tâm sự, các em học sinh ở xã Mô Rai đa phần là đồng bào dân tộc thiểu số, hoàn cảnh khó khăn. Bố mẹ các em chủ yếu làm nông hoặc ai thuê gì làm nấy nên việc lo đủ cái ăn còn khó. Nhà nghèo, một số em học sinh phải nghỉ học đi làm thuê để phụ giúp gia đình. Mặc dù nhà trường, giáo viên đến nhà vận động nhiều lần nhưng các em chỉ đến lớp ít hôm rồi lại nghỉ chỉ vì phải lo “miếng cơm, manh áo”.
Thương học trò, nhà trường và cô Nga thường xuyên vận động, kêu gọi các nhà hảo tâm hỗ trợ, giúp đỡ các em vững bước đến trường. Không chỉ làm giáo viên, những khi rảnh rỗi cô Nga trở thành “thợ cắt tóc” để giúp học sinh của mình gọn gàng hơn khi đến lớp.
Nói về mong ước cho học trò, cô Nga chia sẻ: “Bản thân tôi chỉ mong ước các em đến lớp đầy đủ và có đủ sách vở, bút. Bên cạnh đó, tôi hy vọng có thêm nhiều sách tham khảo, bổ trợ để các em học tập tốt hơn. Các em học sinh nơi đây vẫn đang còn nhiều khó khăn, bản thân tôi, nhà trường chỉ giúp đỡ các em được phần nào đó. Chính vì vậy, tôi mong muốn các nhà hảo tâm hỗ trợ, giúp đỡ để tiếp thêm sức mạnh cho các em đến trường học con chữ.”
Ước mong có bữa cơm trưa cho học trò
Gắn bó với huyện vùng sâu, vùng xa Ea Súp được hơn 10 năm nay, cô Trương Thị Tâm – giáo viên Trường Mầm non Hoa Ban (xã Cư Kbang, huyện Ea Súp, Đắk Lắk) thấu hiểu được nỗi khó khăn, cơ cực của các em nhỏ nơi đây.
Cô Tâm chia sẻ, các em học sinh ở trường đa số là đồng bào dân tộc H’Mông. Đất đai cằn cỗi, nên kinh tế của người dân còn nhiều khó khăn, thiếu thốn. Một số em đến tuổi ra lớp, nhưng bố mẹ làm ở nương rẫy xa nên đưa con theo, các em không thể đến trường. Do đó, nhà trường cùng chính quyền địa phương thường xuyên đến vận động, đưa các em ra lớp.
Cũng theo cô Tâm, trong quá trình giảng dạy, giáo viên cũng gặp nhiều khó khăn trong khi giao tiếp với học sinh, phụ huynh bởi bất đồng ngôn ngữ. Bên cạnh đó, do hoàn cảnh khó khăn nên nhiều em đến lớp không đầy đủ, gia đình ít quan tâm đến con em mình.
Đặc biệt, cuộc sống túng thiếu nên phụ huynh không thể đóng tiền ăn trưa cho con ở trường. Mỗi ngày, trước khi đến lớp, bố mẹ các em đều chuẩn bị cơm từ sáng để trưa học sinh ăn tại trường. Tuy nhiên, hoàn cảnh khó khăn nên bữa trưa của các em chủ yếu là cơm rau. Có những em bố mẹ bận đi làm nên không thể chuẩn bị cơm, bữa trưa của các em chỉ là gói mì tôm và chai nước lọc. Một số em gia đình có điều kiện hơn thì bữa trưa có thêm trứng, miếng thịt gà công nghiệp hoặc con cá hấp.
“Các em học sinh mang đồ ăn theo từ sáng khi đến lớp, tới trưa cơm đã khô. Không có canh nên bữa cơm của các em chỉ lấp đầy được chiếc bụng đói, nhưng không có dưỡng chất. Tôi ước, các em sẽ có bữa cơm trưa đúng nghĩa. Được ăn uống đủ đầy, các em mới có thể phát triển được toàn diện và học tập tốt hơn. Ngoài ra, tôi ước có thêm bàn ghế, dụng cụ học tập. Khi đó các em học sinh có điều kiện tốt hơn để tiếp thu kiến thức.”, cô Tâm chia sẻ.