“Đi xin” cho học sinh vùng khó

GD&TĐ - Chỉ cần nghe thông tin ở đâu có khả năng "xin” được là các cô lại chủ động liên lạc, để xin hỗ trợ. Một lần chưa được thì xin nhiều lần. Chính sự chân thành của các cô đã thuyết phục được nhiều nhà hảo tâm từ khắp mọi nơi. Nhờ vậy, học sinh ở các điểm trường vùng cao Tây Trà (Quảng Ngãi) đã có được nơi học tập, vui chơi tốt hơn.

Cô Ngô Thị Hoa trong lớp học do chính mình vận động xây dựng.
Cô Ngô Thị Hoa trong lớp học do chính mình vận động xây dựng.

Vì học sinh thân yêu

Sinh ra ở huyện miền núi Trà Bồng (tỉnh Quảng Ngãi), tuổi thơ của cô Ngô Thị Hoa sớm chịu bao vất vả, nhọc nhằn. Điều đó như càng bồi đắp thêm tâm hồn cô lẽ sống biết thương yêu, chia sẻ với mọi người.Năm 1996, sau khi tốt nghiệp ngành Sư phạm, cô Hoa trở về quê hương dạy học. Sau 1 năm đứng chân dạy học ở xã vùng khó Trà Bùi (huyện Trà Bồng), đến năm 1997, cô được phân về phụ trách giảng dạy tại các điểm trường vùng sâu, vùng xa xã Trà Nham.

Ngày ngày chứng kiến học trò của mình đến lớp với tà áo mong manh, chân trần lấm bẩn, ngồi học trong căn phòng rách nát đã thôi thúc cô Hoa phải làm một điều gì đó để bù đắp cho các em. "Sau nhiều đêm trăn trở suy nghĩ, tôi quyết định kết nối, liên lạc với những bạn bè, đồng nghiệp khắp nơi trên cả nước về những nỗi nhọc nhằn, thiếu thốn mà con em đồng bào DTTS nơi mình dạy học đang nếm trải để họ thấu hiểu và giúp đỡ các em”, cô Hoa chia sẻ.

Từ tấm lòng chân tình, sự chia sẻ, vận động của cô Hoa những món quà là những tấm áo, chiếc quần, tập vở, trang sách, đến từng gói bánh, cân gạo... được mọi người khắp cả nước san sẻ gửi về. Niềm hạnh phúc lớn nhất của cô trò là năm học 2016 - 2017 nhận được 1,2 tỷ đồng từ Bộ Công an và Thành đoàn Đà Nẵng để xây dựng 7 phòng học mới thay thế các phòng học tạm bợ cho nhà trường.

Có được niềm tin từ những lần vận động, hỗ trợ xây trường, cô Hoa tiếp tục kêu gọi sự quan tâm, hỗ trợ từ các hội từ thiện khác. Theo đó, nhóm từ thiện Phước Hạnh (TP.HCM) và nhóm thiện nguyện Quảng Ngãi đã hỗ trợ 800 triệu đồng để xây dựng hệ thống sân trường, công trình nước sạch, nhà vệ sinh. Ngoài ra, các mạnh thường quân cũng thường xuyên tài trợ áo ấm và một số vật dụng để các em học sinh có điều kiện để tiếp tục đi tìm con chữ.

Ở trường Mầm non Trà Xinh, cô giáo Trần Thị Minh Hiền (1981), Hiệu Trưởng cũng đã dành cả tuổi thanh xuân để chăm lo cho những mầm non ở một trong những nơi còn nghèo nhất nước.Sinh ra và lớn lên ở huyện miền núi Trà Bồng, tuổi thơ của Trần Thị Minh Hiền gắn liền với cuộc sống gian truân, vất vả của người dân ở miền sơn cước.

Năm 2003, sau khi tốt nghiệp ngành sư phạm mầm non, cô Hiền xin về công tác tại Trường Mầm non Trà Xinh (Tây Trà). Sau hơn hai năm công tác, cô Hiền được phân về làm công tác quản lý tại Trường Mầm non Trà Khê, rồi đến Trà Phong. Đến năm 2012, cô được phân công về làm Hiệu trưởng Trường Mầm non Trà Xinh.

Đầu năm 2019, cô Hiền được phân công về Trà Thanh làm hiệu trưởng trường mầm non của xã. Trà Xinh là một xã đặc biệt khó khăn, cái nghèo, cái khó vẫn còn đeo bám người dân. Chứng kiến cảnh gần 60 cháu ở lứa tuổi mầm non hằng ngày phải leo con dốc đầy sỏi đá để đến điểm trường chật chội, nằm tách biệt với khu dân cư, cô Hiền quyết định tiếp tục “làm người đi xin”.

Vận dụng hết mọi mối quen biết gần xa, cô Hiền dò hỏi xin kinh phí từ các mạnh thường quân để lo cho các cháu có nơi học tập, vui chơi tốt hơn. Sự nỗ lực của cô đã được đền đáp khi có nhà hảo tâm hỗ trợ số tiền 450 triệu đồng để xây dựng điểm trường mầm non thôn Trà Kim, xã Trà Xinh.

Tâm huyết với sự nghiệp trồng người

Nhờ sự vân động của cô Ngô Thị Hoa, các em Trường Tiểu học Trà Nham có được ngôi trường khang trang.
 Nhờ sự vân động của cô Ngô Thị Hoa, các em Trường Tiểu học Trà Nham có được ngôi trường khang trang.

Theo cô Ngô Thị Hoa, gần 100% học sinh nơi đây là con em đồng bào dân tộc thiểu số, việc học của các em gần như khoán trắng cho nhà trường. Do vậy, bên cạnh dạy kiến thức thì giáo dục đạo đức, lối sống, nền nếp cho các em là điều hết sức khó khăn đối với cán bộ, giáo viên.

Từ kinh nghiệm giảng dạy, làm công tác quản lý của mình, ngay từ khi được phân công về phụ trách trường Tiểu học Trà Nham, cô Hoa lấy công tác xây dựng nề nếp trường học, tạo dựng các kỹ năng sống, sinh hoạt, giao tiếp cho học sinh làm nền tảng, điều kiện để nâng cao chất lượng giáo dục. “Trên cương vị là người quản lý trường học, tôi luôn tâm niệm, làm sao để trường ra trường, lớp ra lớp, thầy ra thầy, trò ra trò“.

Cô Trần Thị Minh Hiền chia sẻ:Xin hỗ trợ nhiều cũng ngại, nhưng rồi thấy các em còn khó khăn quá nên lại tiếp tục làm. Điều đáng mừng là, có những người dù tôi chưa từng gặp mặt bao giờ, chỉ liên lạc qua điện thoại, nhưng hằng tháng vẫn gửi về từ 6 – 8 triệu đồng để hỗ trợ thêm cho các em.

“Làm gì cũng cần có sự kiên trì. Cốt là làm sao cho những nhà hảo tâm thấy được tâm ý của mình. Đặc biệt, phải biết trân trọng và sử dụng làm sao cho số tiền hỗ trợ phát huy hiệu quả một cách tốt nhất”, cô Hiền chia sẻ thêm.

Dù điều kiện còn nhiều khó khăn nhưng bằng tấm lòng và sự tâm huyết với sự nghiệp giáo dục, các cô tạo cho các em học sinh vùng cao có điều kiện tốt hơn và có một động lực để tiếp tục con đường đi tìm con chữ. Hy vọng rằng, ngày càng có nhiều những cô giáo vùng cao mở lòng “đi xin” và các nhà hảo tâm cũng mở lòng giúp đỡ đểngày càng có nhiều những ngôi trường mới mọc lên, để con chữ nảy mầm trên vùng đất vốn còn nhiều gian khó này.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Bom lượn FAB-3000 của Nga.

Chật vật đối phó bom lượn

GD&TĐ - Bom lượn Nga đang là ám ảnh với hệ thống phòng thủ Ukraine dù lực lượng này đang được trang bị những vũ khí đánh chặn tối tân của phương Tây.