Bác sĩ chuyên khoa II Bùi Lê Phước Thu Thảo - Bác sĩ xạ trị - Trung tâm Ung bướu - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Central Park có bài chia sẻ trên trang của bệnh viện về hóa trị, xạ trị, liệu pháp miễn dịch chữa ung thư ảnh hưởng ra sao tới khả năng mang thai.
Theo đó, bác sĩ chuyên khoa II Bùi Lê Phước Thu Thảo cho biết, các biện pháp điều trị ung thư như xạ trị, hóa trị, liệu pháp miễn dịch có thể ảnh hưởng tới khả năng mang thai của người phụ nữ. Mức độ ảnh hưởng phụ thuộc vào nhiều yếu tố như tuổi tác, liều lượng, loại phương pháp và thể trạng của bệnh nhân. Đó cũng là cơ sở giúp người bệnh đưa ra quyết định bị ung thư có nên sinh con không.
Hóa trị có ảnh hưởng đến sinh sản không?
Hầu hết các loại thuốc hóa trị có thể làm tổn hại trứng của người phụ nữ, từ đó ảnh hưởng đến khả năng sinh sản của bệnh nhân. Truyền hóa chất có sinh con được không phụ thuộc vào độ tuổi của bệnh nhân, loại thuốc bệnh nhân dùng và liều lượng thuốc, cụ thể như sau:
Loại thuốc dùng trong hóa trị: Các loại thuốc hóa trị có khả năng làm tổn thương trứng và gây vô sinh gồm busulfan, carboplatin, chlorambucil, cisplatin, cyclophosphamide, dacarbazine, doxorubicin... Mặt khác, một số loại thuốc hóa trị ít gây ảnh hưởng tới khả năng sinh sản là 5-fluorouracil (5-FU), bleomycin, cytarabine, dactinomycin, daunorubicin, vinblastine, vincristine,...
Tuổi tác: Bệnh nhân càng trẻ sẽ càng có nhiều trứng trong buồng trứng. Điều này mang lại cho bệnh nhân cơ hội cao hơn để bảo tồn khả năng sinh sản. Phụ nữ được điều trị ung thư trước 35 tuổi có cơ hội mang thai khá cao sau khi điều trị. Một số bệnh nhân trẻ tuổi có thể bị ngừng có kinh nguyệt trong khi hóa trị. Nhưng sau khi ngừng điều trị một thời gian, kinh nguyệt của bệnh nhân sẽ bắt đầu trở lại.
Sau khi hóa trị, khả năng sinh sản có thể không kéo dài lâu: Những cô gái đã hóa trị trước tuổi dậy thì hoặc những phụ nữ trẻ bắt đầu có kinh nguyệt trở lại sau khi hóa trị có nguy cơ mãn kinh sớm. Khi một phụ nữ ngừng có kinh nguyệt trước 40 tuổi thì được coi là suy buồng trứng sớm hoặc suy buồng trứng nguyên phát và trở nên vô sinh, vì buồng trứng ngừng sản xuất các hormone cần thiết cho khả năng sinh sản (estrogen và progesterone). Bên cạnh đó, không phải có kinh nguyệt là đồng nghĩa với việc có khả năng mang thai. Vì vậy, bệnh nhân nên tham khảo ý kiến bác sĩ chuyên khoa trước khi có ý định sinh con.
Bệnh nhân sau hóa trị bao lâu mới được mang thai? Theo Bác sĩ chuyên khoa II Bùi Lê Phước Thu Thảo chia sẻ, nếu bệnh nhân mang thai khi đang hóa trị sẽ rất nguy hiểm. Vì nhiều loại thuốc hóa trị có thể làm tổn thương thai nhi, gây dị tật bẩm sinh hoặc tác hại khác. Nếu mang thai quá sớm sau khi hóa trị cũng có thể ảnh hưởng tới thai nhi, vì trứng bị hỏng do hóa trị có thể được thụ tinh dẫn tới nhiều hậu quả như sinh non, sảy thai, dị tật bẩm sinh. Do vậy, bệnh nhân cần sử dụng các biện pháp tránh thai trong giai đoạn hóa trị và không nên mang thai trong vòng 6 tháng đầu sau khi hóa trị.
Xạ trị có ảnh hưởng đến sinh sản không?
Xạ trị là phương pháp sử dụng các tia bức xạ năng lượng cao để tiêu diệt các tế bào ung thư. Các tia bức xạ có thể ảnh hưởng tới khả năng sinh sản của người phụ nữ. Nếu bệnh nhân nữ được xạ trị vùng bụng chậu, khả năng mang thai sẽ phụ thuộc vào lượng phóng xạ mà buồng trứng hấp thụ. Năng lượng bức xạ quá cao có thể phá hủy một số hoặc tất cả trứng trong buồng trứng và có thể gây vô sinh nữ hoặc mãn kinh sớm.
Hầu hết phụ nữ xạ trị vùng chậu sẽ mất khả năng sinh sản, nhưng vẫn có thể bảo tồn chức năng sinh sản với một số kĩ thuật thích hợp để đưa buồng trứng ra khỏi trường chiếu xạ trị.
Về Tác hại của tia bức xạ đến khả năng sinh sản của phụ nữ, theo Bác sĩ chuyên khoa II Bùi Lê Phước Thu Thảo, bức xạ đến tử cung có thể gây ra sẹo, làm giảm lưu lượng máu đến tử cung và cũng làm cho tử cung không thể dãn hết cỡ trong thai kỳ. Phụ nữ đã xạ trị vào tử cung có nguy cơ sảy thai, sinh ra trẻ nhẹ cân và sinh non.
Trong trường hợp xạ trị vùng đầu cổ - hoặc não, tia bức xạ có thể ảnh hưởng đến tuyến yên. Tuyến yên có vai trò quan trọng trong quá trình sinh sản ở nữ giới. Tuyến yên sẽ tiết ra LH, FSH, nhờ đó kích thích buồng trứng tiết hormone sinh dục nữ; ngoài ra FSH còn có vai trò kích thích noãn bào phát triển và gây rụng trứng. Do đó, tác động đến tuyến yên của xạ trị có thể ảnh hưởng đến khả năng sinh sản của bệnh nhân tùy thuộc vào liều lượng của bức xạ.
Bác sĩ chuyên khoa II Bùi Lê Phước Thu Thảo thông tin, liệu pháp miễn dịch và thuốc điều trị ung thư nhóm điều hòa miễn dịch đã được ứng dụng rất nhiều trong những năm gần đây, nhưng ít ai biết về tác dụng của chúng đối với khả năng sinh sản hoặc với thai kỳ. Dưới đây là ảnh hưởng của một số loại thuốc được dùng trong liệu pháp miễn dịch đối với khả năng mang thai:
Bevacizumab: các nghiên cứu đã phát hiện ra rằng loại thuốc này có thể gây suy buồng trứng và một số trường hợp suy buồng trứng không bao giờ hồi phục.
Một số loại thuốc nhóm điều hòa miễn dịch như thalidomide và lenalidomide có nguy cơ gây dị tật bẩm sinh rất cao và bệnh nhân được yêu cầu sử dụng loại biện pháp tránh thai hiệu quả trong khi dùng các loại thuốc này.
Thuốc ức chế tyrosine kinase (TKIs) như imatinib có khả năng gây dị tật bẩm sinh ở động vật thí nghiệm. Hiện nay, các chuyên gia khuyến nghị bệnh nhân nên tham khảo ý kiến bác sĩ trước khi mang thai trong khi dùng TKIs.