Gan nhiễm mỡ là gì?
Gan nhiễm mỡ là lượng mỡ trong gan >5% trọng lượng của gan và trong tế bào gan chứa các không bào mỡ.
Cơ chế của gan nhiễm mỡ
Có 4 cơ chế gây ra sự tích tụ mỡ trong tế bào gan:
- Do chế độ ăn quá nhiều dầu mỡ, đặc biệt là mỡ động vật bão hoà, hoặc tăng sự phân phối mỡ đến các tế bào gan.
- Do tăng sự tổng hợp acid béo, hoặc giảm quá trình oxy hoá mỡ trong tế bào gan.
- Do giảm sự bài xuất mỡ ra khỏi tế bào gan.
- Do sự tăng vận chuyển carbohydrate (thức ăn nguồn gốc tinh bột) đến gan, sau đó do hiện tượng đường phân ở gan đã làm gia tăng acid béo ở gan.
Nguyên nhân gây ra gan nhiễm mỡ
- Rượu : 90% người uống rượu nhiều (đàn ông >80gram/ngày trong 5-10 năm, còn phụ nữ là 40gram/ngày) đều gây ra gan nhiễm mỡ và lâu dài sẽ dẫn đến xơ gan.
- Béo phì : Đây là nguyên nhân gây gan nhiễm mỡ thường gặp ở các nước phương Tây trước đây, nhưng bây giờ béo phì cũng đang gia tăng ở các nước đang phát triển như Việt Nam.
- Đái tháo đường không phụ thuộc insulin : Đây là thể đái tháo đường có tăng trọng lượng và béo phì. Ngoài vai trò béo phì, ở đây còn có vai trò của việc tăng đề kháng insulin làm tăng triglyceride máu, vấn đề thời sự hiện nay là hội chứng chuyển hoá. Kiểm soát tăng đường máu tốt và dùng thuốc để hạ lipid máu trong những trường hợp này sẽ làm giảm nguy cơ gan nhiễm mỡ.
- Do uống thuốc hoặc sử dụng quá nhiều đường : Có nhiều loại thuốc có thể gây ra gan nhiễm mỡ, như : Corticoide (Prednisolon,Dexamethason), Amiodaron (thuốc chống loạn nhịp), Methotrexate (thuốc ức chế miễn dịch dùng trong điều trị ung thư và viêm đa khớp dạng thấp), Estrogen tổng hợp thường dùng trong ngừa thai, Perhexilin(thuốc điều trị cơn đau thắt ngực). Hoặc sử dụng đường và tinh bột quá nhiều cũng gây ra gan nhiễm mỡ do tăng tổng hợp acid béo từ hiện tượng quá đường phân ở gan.
- Gan nhiễm mỡ ở phụ nữ có thai: Thường xảy ra 3 tháng cuối của thai kỳ, kèm theo với vàng da ứ mật. Bệnh thường giảm sau khi sinh 2-4 tuần và có thể tái phát ở những lần mang thai sau.
- Gan nhiễm mỡ trong viêm gan mạn virus C giai đoạn đầu.
Triệu chứng của gan nhiễm mỡ
* Về mặt lâm sàng : Tùy theo nguyên nhân gây ra gan nhiễm mỡ để gây ra những triệu chứng lâm sàng tương ứng. Nói chung các triệu chứng thường gặp trong gan nhiễm mỡ là vàng da ứ mật hoặc suy gan; gan thường lớn vừa phải, vượt quá bờ sườn 2-3cm, gan có tính chất mềm, bờ tù, không đau, chỉ tức nhẹ khi ấn.
* Về mặt xét nghiệm : Chủ yếu là dựa vào nguyên nhân gây ra gan nhiễm mỡ. Nói chung cần chú ý và cho các xét nghiệm sau :
- Xét nghiệm bilan lipid máu để xem sự gia tăng của các thành phần cholesterol, LDL-cholesterol, triglyceride.
- Men transaminase tăng nhất là SGOT và gamma tăng trong các bệnh gan do rượu
- Xét nghiệm chức năng gan như tỉ lệ prothrombin giảm. Bilirubin máu tăng cả trực tiếp và gián tiếp.
- Tìm kháng thể kháng virus C trong viêm gan mạn virus C.
* Siêu âm gan : Đây là một xét nghiệm ghi hình có giá trị trong chẩn đoán gan nhiễm mỡ, nhưng cần máy siêu âm có độ phân giải tốt và người thực hiện giàu kinh nghiệm. Có như vậy sẽ cho hình ảnh gan sáng, đều và mịn, mờ hoặc mất vang âm bờ tĩnh mạch cửa, giảm âm về phía sau. Siêu âm cũng có thể phân biệt gan nhiễm mỡ nốt nhỏ hoặc nốt lớn.
* Để chẩn đoán chính xác gan nhiễm mỡ cần sinh thiết gan để phát hiện sự hiện diện các không bào mỡ trong các tế bào gan, cũng như để giúp phân loại gan nhiễm mỡ hạt nhỏ hay hạt lớn và góp phẩn chẩn đoán nguyên nhân gây ra gan nhiễm mỡ.
Điều trị và phòng bệnh
Điều trị gan nhiễm mỡ chủ yếu là phòng bệnh để dự phòng và làm giảm nguy cơ gây ra gan nhiễm mỡ.
* Điều trị rối loạn lipid máu:
- Tăng cường vận động cơ thể như đi bộ, đi xe đạp, bơi lội, chơi bóng bàn, cầu lông… ít nhất là 30 phút/ngày và ít nhất 5 ngày/tuần. Chơi thể thao làm giảm cholesterol, tăng HDL-c, giảm đông máu.
- Thực hiện chế độ giảm cân
- Không nên hút thuốc lá. Hút thuốc lá làm nhịp tim nhanh, cao huyết áp, xơ vữa động mạch
- Nên ăn cá và các chế phẩm từ đậu tương như đậu phụ, sữa đậu nành, tương… Ăn nhiều rau xanh và hoa quả tươi. Ăn hạn chế phủ tạng động vật, trứng... Hạn chế ăn mỡ và dùng dầu thực vật thay mỡ trong chế biến thực phẩm (dầu ôliu, dầu nành, dầu hướng dương, dầu lạc, dầu vừng). Uống chè xanh thay cho cà phê. Không ăn nhiều đường, bánh kẹo, hoa quả nhiều đường.
- Tránh lao động trí óc quá căng thẳng, lao động chân tay quá sức. Có thời gian làm việc nghỉ ngơi hợp lý. Tránh căng thẳng, lo lắng, giận dữ, buồn phiền. Hình thành nếp sống vui tươi lành mạnh.
- Khi bị rối loạn lipid máu, bệnh nhân cần được theo dõi và điều trị liên tục.
* Đề phòng và loại bỏ các yếu tố nguy cơ gây rối loạn lipid máu và đường máu như phát hiện và điều trị sớm đái tháo đường.
* Tránh các thuốc độc cho gan, nhất là các thuốc gây gan nhiễm mỡ như đã trình bày ở trên.
* Điều trị các bệnh nguyên gây gan nhiễm mỡ như điều trị viêm gan C.
* Các thuốc làm hạ lipid máu cũng góp phần làm giảm gan nhiễm mỡ như nhóm Fibrat (Lipavlon, Lipanthyl, Fenofibrat), nhóm Lovastatin, Simvastatin (Zocor, Lescol). Vitamin E là một chất chống oxy hoá, liều cao giúp tăng HDL và giảm LDL cholesterol.