Điều trị ngộ độc botulinum thế nào nếu không có thuốc giải?

GD&TĐ - Bộ Y tế cho biết, ngộ độc botulinum là ngộ độc nặng, tỷ lệ tử vong cao, thời gian liệt kéo dài.

Một bệnh nhân ngộ độc botulinum tại Bệnh viện Chợ Rẫy. Ảnh: BVCC.
Một bệnh nhân ngộ độc botulinum tại Bệnh viện Chợ Rẫy. Ảnh: BVCC.

Nếu không có thuốc giải độc BAT, các bác sĩ chỉ có thể điều trị hỗ trợ. Điều trị hỗ trợ chủ yếu là nuôi dưỡng và thở máy (thở máy sẽ phải kéo dài và có nhiều biến chứng nguy hiểm).

Chất độc gây tổn thương thần kinh

TS BS Lê Quốc Hùng - Trưởng khoa Bệnh nhiệt đới, Bệnh viện Chợ Rẫy cho biết, những ngày gần đây, đơn vị này đã phối hợp cùng Bệnh viện Nhân dân Gia Định và Bệnh viện Bệnh nhiệt đới TPHCM hội chẩn, phát hiện thêm 3 trường hợp ngộ độc botulinum.

Cả 3 trường hợp ngộ độc botulinum này đều cư ngụ tại TP Thủ Đức và ở 2 gia đình khác nhau. Trong đó, một gia đình có 2 anh em ruột (gồm 1 bệnh nhân nam 18 tuổi và 1 bệnh nhân nam 26 tuổi), người còn lại là nam bệnh nhân 45 tuổi.

Đồng thời, cả 3 bệnh nhân này đều có khởi phát là tiếp xúc với nguồn thức ăn nghi ngờ nhiễm độc vào ngày 13/5. Trong đó, hai anh em ruột ăn bánh mì có kèm với chả lụa của người bán dạo. Bệnh nhân 45 tuổi được cho là đã ăn một loại mắm để lâu ngày.

Đến ngày 14/5, cả 3 bệnh nhân đều có triệu chứng rối loạn tiêu hóa, mệt mỏi, đau đầu choáng váng và đau bụng có biểu hiện bị tiêu chảy. Sau đó, đến ngày 15/5, tình trạng tiến triển xấu hơn và bắt đầu yếu cơ, nhìn đôi, khó nuốt.

Hiện, Bệnh viện Chợ Rẫy điều trị cho 2 anh em ruột (trước đó, người em điều trị ở Bệnh viện Bệnh nhiệt đới TPHCM), còn bệnh nhân 45 tuổi đang điều trị tại Bệnh viện Nhân dân Gia Định.

Hai bệnh nhân 18 tuổi và 45 tuổi đã phải thở máy, sức cơ chỉ có 1/5. Trong khi đó, bệnh nhân 26 tuổi tình trạng sức cơ còn 3/5 - 4/5, tức có thể cử động được và vẫn tự hô hấp. Tuy nhiên, diễn tiến sau đó chưa thể tiên lượng được.

TS.BS Lê Quốc Hùng chia sẻ, hết thuốc BAT giải độc đặc hiệu do ngộ độc botulinum là vấn đề đáng tiếc cho bệnh nhân, cũng như nan giải cho các bác sĩ điều trị.

Chuyên gia này phân tích, một trường hợp ngộ độc botulinum được sử dụng thuốc BAT giải độc đặc hiệu sớm thì chỉ trong vòng 48 đến 72 giờ là có khả năng thoát ra khỏi tình trạng bị liệt. Đồng thời, không phải rơi vào tình trạng phải thở máy.

Hoặc nếu bắt đầu thở máy 1 - 2 ngày, nghĩa là rất sớm sau khi ngộ độc, thì trong khoảng thời gian từ 5 - 7 ngày, bệnh nhân có thể hồi phục và bỏ được máy thở, tập vật lý trị liệu để trở về với cuộc sống bình thường, sức khỏe ổn định trở lại.

Tuy nhiên, nếu không có thuốc giải độc BAT thì các bác sĩ chỉ có thể điều trị hỗ trợ. Điều trị hỗ trợ chủ yếu là nuôi dưỡng và thở máy (thở máy sẽ phải kéo dài và có nhiều biến chứng nguy hiểm). Bởi, với bệnh lý này, chất độc của botulinum gây tổn thương hệ thần kinh, dẫn tới liệt cơ.

Cũng theo TS BS Lê Quốc Hùng, trên thế giới, các ca ngộ độc botulinum không phải hiếm. Đơn cử, theo số liệu tại Mỹ, mỗi năm nước này vẫn ghi nhận dao động từ 150 - 300 ca ngộ độc botulinum. Còn ở Việt Nam, trước đây ít có khả năng để chẩn đoán được bệnh này.

Đến những năm gần đây, đặc biệt năm 2020, khi Bệnh viện Chợ Rẫy lần đầu tiên chẩn đoán được chùm ca bệnh botulinum sau khi liên kết làm xét nghiệm chẩn đoán với Viện Vệ sinh Dịch tễ TPHCM và các đơn vị khác, điều đó giống như hồi chuông báo động để các bác sĩ trên toàn quốc biết và lưu ý đến loại bệnh này.

Vi khuẩn sống trong yếm khí

Để nhanh chóng có được thuốc giải độc cho 3 bệnh nhân còn lại, Cục Quản lý Dược (Bộ Y tế) đã liên hệ với nhà nhập khẩu, nhà cung cấp nước ngoài, đề nghị Bệnh viện Chợ Rẫy liên hệ để mua về. Bộ Y tế cũng đồng thời đề nghị Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) hỗ trợ trong trường hợp không có thuốc.

Năm 2020, trong vụ hàng chục bệnh nhân ngộ độc botulinum do ăn pate chay, WHO cũng điều phối 10 lọ thuốc giải độc từ Thụy Sĩ về Việt Nam cứu chữa.

Nói về nguyên nhân dẫn đến bệnh này, TS.BS Lê Quốc Hùng cho biết, đây là bệnh lý do một loại vi khuẩn botulinum gây ra. Vi khuẩn này sống trong yếm khí.

Điều đó nghĩa là ở môi trường không có không khí nồng độ oxy rất thấp, vi khuẩn này mới hoạt động được. Tất cả các loại thức ăn nào mà chúng ta chế biến, đóng gói, đóng hộp, đóng vào bao kín, không có oxy thì loại vi khuẩn này có khả năng phát triển…

“Như vậy, khả năng mà chúng ta nhiễm độc loại vi khuẩn này vẫn luôn luôn rình rập. Do đó, trong các công đoạn chế biến, bảo quản thực phẩm, đồ ăn, chúng ta cần đảm bảo phải sạch sẽ.

Không nên đóng kín nếu không có kỹ thuật tốt để tránh bị nhiễm loại vi khuẩn này. Ngoài ra, chúng ta cũng không nên ăn uống hay sử dụng các loại thực phẩm, đồ ăn quá hạn sử dụng, ôi thiu...”, TS.BS Lê Quốc Hùng khuyến cáo.

Vừa qua, Bộ Y tế đã đưa ra phác đồ điều trị trong trường hợp có và không có thuốc giải độc BAT. Đây là loại thuốc rất hiếm trên thế giới, Việt Nam không dự trữ do hằng năm chỉ ghi nhận vài ca ngộ độc. Bộ Y tế ban hành Hướng dẫn tạm thời chẩn đoán, điều trị ngộ độc botulinum do ăn uống, áp dụng ở tất cả cơ sở khám chữa bệnh trên cả nước.

Bộ Y tế cho biết, ngộ độc botulinum là ngộ độc nặng, tỷ lệ tử vong cao, thời gian liệt kéo dài. Thời gian thở máy cần trung bình khoảng hai tháng, sau đó mới có thể cai thở máy. Song, bệnh nhân cần nhiều tháng để hồi phục.

Người có triệu chứng nhiễm độc rõ (yếu cơ, liệt cơ), phải nhập viện ngay. Trường hợp triệu chứng nhẹ (mệt mỏi, suy nhược), sau đó tiến triển nặng dần hoặc mới ăn thực phẩm nghi nhiễm độc trong vòng 8 ngày, cũng cần nhập viện theo dõi. Bệnh nhân nhẹ, tình trạng thuyên giảm hoặc không triệu chứng, sẽ được bác sĩ kê đơn than hoạt và thuốc nhuận tràng điều trị tại nhà.

Các bệnh nhân có biến chứng phải được bác sĩ theo dõi sát, đặc biệt khi liệt các cơ và hô hấp. Bệnh nhân suy hô hấp có thể phải thở máy dài ngày.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

MIT miễn học phí cho sinh viên đến từ gia đình thu nhập thấp.

MIT miễn học phí cho sinh viên

GD&TĐ - Từ học kỳ mùa Thu năm 2025, Viện Công nghệ Massachusetts (MIT), sẽ miễn học phí cho sinh viên thuộc gia đình có thu nhập dưới 200 nghìn USD.

Nhà giáo Nhân dân Nguyễn Thị Thu Vân - Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn, TP Điện Biên Phủ (Điện Biên). Ảnh: NVCC

'Trái ngọt' từ tình yêu nghề

GD&TĐ - Hơn 20 năm công tác, cô Nguyễn Thị Thu Vân - giáo viên Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn (Điện Biên) có nhiều đóng góp cho sự nghiệp “trồng người”.

bcaaBệnh viện Emcas với xu hướng ghép mỡ