Điều trị ho khắp nơi không khỏi, cụ bà 68 tuổi bất ngờ phát hiện dị vật mắc kẹt trong đường thở

GD&TĐ - Các bác sĩ Bệnh viện Hữu nghị Việt Tiệp (Hải Phòng) vừa nội soi gắp thành công dị vật là mảnh xương cá nằm trong đường thở một bệnh nhân.

Các y, bác sĩ Bệnh viện Hữu nghị Việt Tiệp, tiến hành nội soi phế quản bằng ống mềm cho người bệnh H.T.L. Ảnh: BV.
Các y, bác sĩ Bệnh viện Hữu nghị Việt Tiệp, tiến hành nội soi phế quản bằng ống mềm cho người bệnh H.T.L. Ảnh: BV.

Người bệnh H.T.L (68 tuổi), địa chỉ Cát Bà, Cát Hải, Hải Phòng xuất hiện đau tức vùng cổ, nuốt đau, nuốt nghẹn, kèm theo ho khạc đờm đục khàn tiếng hơn 1 tháng nay.

Bệnh nhân đã đi khám nhiều nơi đã chụp XQ, nội soi tai mũi họng tuy nhiên chỉ được chẩn đoán viêm họng mạn tính, điều trị không đỡ.

Sau đó, người bệnh đã đến khám và nhập viện tại Khoa Nội Hô Hấp – Bệnh viện Hữu nghị Việt Tiệp.

Trực tiếp thăm khám và điều trị cho người bệnh H.T.L là ThS.BS. Tống Đức Hiếu, Khoa Nội Hô Hấp – Bệnh viện Hữu nghị Việt Tiệp cho biết: “Người bệnh có tiền sử loét dạ dày, nang tuyến giáp, tuyến giáp to độ 3."

Dị vật xương cá được gắp ra khỏi khí quản của người bệnh. Ảnh: BV.
Dị vật xương cá được gắp ra khỏi khí quản của người bệnh. Ảnh: BV.

Theo bác sĩ Hiếu, các kết quả xét nghiệm, chụp CT ngực, nội soi tai mũi họng của người bệnh cho thấy tổn thương theo dõi u dây thanh, không có tổn thương tại phổi.

Bác sĩ cũng cho biết, người bệnh được tiến hành nội soi phế quản bằng ống mềm phát hiện có dị vật tại đoạn 1/3 trên khí quản, cách dây thanh khoảng 3cm.

Dị vật được nghi ngờ là mảnh xương cá kích thước tầm 4 cm, kèm theo thời gian dị vật nằm trong khí quản lâu ngày các tổ chức hạt mọc xung quanh dị vật gây khó khăn cho quá trình bác sĩ tiến hành gắp dị vật ra khỏi đường thở.

Tình trạng sức khỏe của người bệnh H.T.L đã ổn định không còn ho, nuốt nghẹn, đau tức vùng cổ. Ảnh: BV.
Tình trạng sức khỏe của người bệnh H.T.L đã ổn định không còn ho, nuốt nghẹn, đau tức vùng cổ. Ảnh: BV.

Đặc biệt, mảnh dị vật có cạnh sắc nhọn trong quá trình gắp nếu không khéo léo có thể gây rách chảy máu các tổ chức xung quanh, gây tràn khí trung thất. Sau khoảng thời gian 15 phút các y, bác sĩ đã gắp thành công dị vật là mảnh xương cá ra khỏi đường thở của người bệnh mà không xảy ra tai biến gì. Người bệnh sau đó đã hết cảm giác nuốt nghẹn, đau tức vùng cổ.

Cũng theo Ths.Bs Tống Đức Hiếu những trường hợp bị dị vật bỏ quên trong đường hô hấp thời gian dài thường có hai khả năng xảy ra: “Một là người bệnh không biết mình bị dị vật đường hô hấp lúc nào do nó luôn xảy ra bất ngờ và đột ngột; Hai là triệu chứng bệnh giống một số bệnh khác nên dễ bị nhầm lẫn và bỏ qua."

Theo bác sĩ, thông thường, những người bệnh bị dị vật bỏ quên thường có triệu chứng ho, khó thở, khạc đờm,…rất dễ nhầm lẫn với bệnh lý về đường hô hấp trên hay phổi khác. Khi dị vật được lấy ra, tình trạng trên của người bệnh cũng được khắc phục.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ