Điều thú vị về tác giả biểu tượng vui SEA Games 31

GD&TĐ - Họa sĩ Ngô Xuân Khôi gây chú ý khi biểu tượng vui mang hình sao la do anh thiết kế được chọn để xuất hiện ở SEA Game 31 tổ chức tại Việt Nam. Điều thú vị, họa sĩ Ngô Xuân Khôi cũng sinh năm Tân Sửu (1961).

Tác phẩm “Tân Sửu 2021” của họa sĩ Ngô Xuân Khôi.
Tác phẩm “Tân Sửu 2021” của họa sĩ Ngô Xuân Khôi.

Vượt qua hơn 500 mẫu dự thi

Tôi khá bất ngờ khi biết tin họa sĩ Ngô Xuân Khôi được trao giải Nhất trong cuộc thi tìm biểu tượng vui (mascot) cho Đại hội Thể thao Đông Nam Á lần thứ 31 - SEA Games 31.

Bất ngờ là bởi thi thoảng vẫn gặp anh, ngồi cà phê cả buổi, nhưng tịnh không nghe anh nói về việc thiết kế biểu tượng vui gửi đi thi. Trong những lần gặp gỡ ấy, chỉ thấy anh nói về minh họa cho báo này, vẽ bìa sách cho báo kia.

Chuyện vẽ bìa và minh họa cho báo chí là việc làm thường ngày của họa sĩ Ngô Xuân Khôi nên nhiều khi nghe chỉ để biết vậy. Chỉ đôi khi, anh kể về những ca khó, vẽ không như ý, hoặc có những tác phẩm tình cờ thế nào lại được vẽ minh họa tới ba bốn lần, ở ba bốn thời đoạn khác nhau, cho ba bốn cơ quan báo chí khác nhau.

Hay như dạo cuối năm, ngồi cà phê nhưng thấy anh cứ nhấp nhổm, hết nghe điện thoại lại trả lời tin nhắn. Thì ra toàn những nơi nhắc hẹn nộp minh họa báo Xuân báo Tết. Thậm chí có tờ tạp chí ở trong Tây Nguyên năm nào cũng mời anh vẽ bìa cho số Xuân…

Thế nên, hôm thấy các báo điện tử đưa tin và hình ảnh họa sĩ Ngô Xuân Khôi được giải Nhất cuộc thi thiết kế biểu tượng vui SEA Games 31 tôi vội gọi điện cho anh.

Thì ra bấy lâu nay ngồi với anh mà không biết, khi biết Tổng cục Thể dục Thể thao phát động chiến dịch tìm kiếm biểu tượng vui cho Đại hội Thể thao Đông Nam Á lần thứ 31, họa sĩ Ngô Xuân Khôi đã âm thầm, lặng lẽ nghiên cứu để tham gia.

Họa sĩ Ngô Xuân Khôi.
Họa sĩ Ngô Xuân Khôi.

Anh lý giải: “Thế vận hội Bắc Kinh (Trung Quốc) đã chọn gấu trúc làm biểu tượng vui, và nghĩ mình phải tìm một con vật gì đó thật đặc biệt, đặc trưng cho đất nước Việt Nam để làm biểu tượng vui cho SEA Games diễn ra trên đất nước mình trong năm 2021. Và hình ảnh con sao la chợt đến với tôi”.

Năm 1992, thông tin các nhà nghiên cứu lần đầu phát hiện sao la trên dãy Trường Sơn đã làm chấn động giới sinh học thế giới. Bởi sao la còn được gọi là “kỳ lân của châu Á”. Có bố mẹ làm việc trong ngành lâm nghiệp nên họa sĩ Ngô Xuân Khôi rất quan tâm đến tin vui này.

Thấy sao la của Việt Nam rất xứng đáng, ngay lập tức họa sĩ Ngô Xuân Khôi ngồi vào máy tính làm phác thảo. Nhưng cũng phải mất tới hai tuần anh mới có thể hoàn thiện mẫu để kịp gửi dự thi. Ngoài sao la anh còn làm ba bài dự thi các hạng mục khác.

Hành trình để mẫu thiết kế sao la của họa sĩ Ngô Xuân Khôi được chọn làm biểu tượng vui chính thức của SEA Games 31 cũng không hề đơn giản. Bởi tiêu chí mà ban tổ chức đưa ra: Biểu tượng vui là một hoặc nhiều con vật của đất nước Việt Nam, được nhân cách hóa, có hình dáng vui nhộn, được sử dụng tuyên truyền quảng bá sự kiện, làm quà tặng trong đại hội.

Mẫu biểu tượng vui phải bảo đảm tính thẩm mỹ, khoa học, thuận lợi cho việc sử dụng, làm hiện vật bằng vật liệu bông (thú nhồi bông) cũng như việc vẽ cách điệu biểu tượng vui các môn thể thao tại đại hội.

Hơn thế, sau khi phát động cuộc thi, ban tổ chức đã nhận được 557 mẫu của các tác giả gửi về. Qua các vòng chấm chọn, ở vòng chung khảo, Hội đồng Giám khảo đã lựa chọn ba mẫu biểu tượng vui gồm sao la, nghê cười và hổ.

Một số ý kiến, như nhà thiết kế Huy Biển - người từng được mời tham gia dự án thiết kế của UNESCO, thì cho rằng, tạo hình của linh vật nghê cười và hổ ổn hơn, cả về phần đầu và phần thân. Linh vật sao la có phần đầu ổn nhưng phần thân lại không mang tính thể thao lắm do hơi thiếu sự năng động và thanh thoát. Cũng theo ông Biển, con nghê và con hổ để làm quà tặng sẽ đẹp hơn.

Lại có ý kiến cho rằng, nên tiếp tục chọn trâu như chúng ta đã từng chọn ở SEA Games 22 năm 2003 do Việt Nam đăng cai. Người nêu ý kiến này là nhà báo kỳ cựu Nguyễn Lưu. Theo ông Lưu, con trâu vừa thể hiện sức mạnh thể lực, sự chắc chắn mà cũng thể hiện trí tuệ, sự hiền hòa về tính cách.

Thế nhưng, một cuộc thăm dò trên mạng thì lại cho thấy 48% chọn sao la, 25% chọn nghê cười, chỉ 20% chọn hổ. Cuối cùng, hình tượng sao la đã được chọn. Tất nhiên, để được chọn, tác giả của mẫu biểu tượng vui này còn phải nhiều lần sửa đi sửa lại theo các góp ý của giới chuyên gia và ban tổ chức. “Có những lúc nản tưởng như cuộc thi sẽ không có hồi kết”, họa sĩ Ngô Xuân Khôi nhớ lại.

Mẫu thiết khế linh vật SEA Games 31 - hình tượng sao la của họa sĩ Ngô Xuân Khôi.
Mẫu thiết khế linh vật SEA Games 31 - hình tượng sao la của họa sĩ Ngô Xuân Khôi.

Biểu tượng của sự thông minh, vui nhộn

Họa sĩ Ngô Xuân Khôi sinh năm 1961, nguyên quán Hưng Lợi, Hưng Nguyên, Nghệ An. Anh tốt nghiệp ngành Hội họa Hoành tráng, Trường ĐH Mỹ thuật Công nghiệp năm 1991, hiện giữ vị trí họa sĩ trưởng NXB Phụ nữ Việt Nam. Anh tham gia giảng dạy ngành Hội họa Hoành tráng (Khoa Trang trí Nội Ngoại thất, Trường ĐH Mỹ thuật Công nghiệp) từ năm 2002 đến nay.

Là hội viên Hội Mỹ thuật Việt Nam và đã có thâm niên vẽ minh họa cho nhiều báo và tạp chí, họa sĩ Ngô Xuân Khôi từng ẵm nhiều giải thưởng cao: Giải Ba Triển lãm Mỹ thuật Thủ đô (1993); Giải Vàng Bìa sách cho cuốn “Mẫu thượng ngàn” (2007); Giải thưởng Bìa đẹp cho cuốn “Đội gạo lên chùa” (2012)…

Tôi biết họa sĩ Ngô Xuân Khôi đã vẽ một số logo, có cái anh gửi dự thi, có cái sang tác do được nhờ cậy, đặt hàng… Nhưng đây là lần đầu anh chủ động tham gia dự thi logo và biểu tượng vui trong ngành thể thao.

“Đến giờ tôi vẫn xúc động vì kết quả này. Càng xúc động hơn khi con sao la lầm lũi, hiếm hoi trên dãy Trường Sơn hùng vĩ đã được chọn để giới thiệu với bạn bè quốc tế như một biểu tượng của sự trù phú, giàu đẹp, hiền hòa, thông minh, vui nhộn của đất nước Việt Nam”, họa sĩ Ngô Xuân Khôi tâm sự.

Anh cho rằng, sáng tạo logo, vẽ biểu tượng vui đòi hỏi ngôn ngữ đồ họa cô đọng, nhiều chất trí tuệ. Nhưng điều khiến anh bất ngờ là biểu tượng vui sao la đã nhận được sự quan tâm của nhiều người, nhất là giới trẻ.

Sao la đã xuất hiện lên đấu trường khu vực bằng những người yêu quý và hiểu giá trị mà thiên nhiên ban tặng cho đất nước ta.

“Trước khi kết quả cuộc thi được công bố, Tổng cục Thể dục, Thể thao có kết nối để tôi được gặp gỡ với bộ phận truyền thông của Tổ chức Bảo vệ động vật quý hiếm Việt Nam (WWF). Họ nói rằng mấy chục năm truyền thông để nâng cao ý thức cộng đồng nhằm bảo tồn sao la nhưng không hiệu quả, không lan tỏa nhanh, rộng như những ngày gần đây sao la được chọn làm biểu tượng vui cho hai sự kiện thể thao lớn mà Việt Nam là nước chủ nhà vào năm sau”, họa sĩ Ngô Xuân Khôi chia sẻ.

Khi SEA Game 31 diễn ra, chắc chắn sao la còn được nhắc đến nhiều hơn, hình ảnh sẽ xuất hiện liên tục trên các phương tiện truyền thông, trên quà tặng, trên băng rôn, áo phông… Sao la sẽ theo chân các phóng viên, các vận động viên lan tỏa đi khắp khu vực với thông điệp: Việt Nam là đất nước có thiên nhiên tươi đẹp, con người hiền hòa, thân thiện…

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ