Điều quan trọng nhất giúp trẻ tự kỷ hòa nhập cuộc sống

0:00 / 0:00
0:00

GD&TĐ - Theo PGS.TS Nguyễn Hồi Loan (Viện trưởng Viện Nghiên cứu và Thực hành Tâm lý học Lumiere), để trẻ tự kỷ có thể hòa nhập vào cuộc sống, điều quan trọng là sự thông hiểu của toàn bộ xã hội.

Có nhiều phương pháp để điều trị cho trẻ tự kỷ. Ảnh minh họa.
Có nhiều phương pháp để điều trị cho trẻ tự kỷ. Ảnh minh họa.

Bên cạnh đó là sự kiên trì của các thành viên trong gia đình và sự can thiệp tích cực từ các nhà chuyên môn.

Gia tăng do dịch bệnh

- Tình hình trẻ tự kỷ có sự chuyển biến như thế nào về số lượng và độ phức tạp trong đợt dịch Covid-19 vừa rồi, thưa ông?

Đại dịch Covid-19 gây tổn hại đến toàn bộ dân số trên thế giới bởi virus Corona và những biến chủng của nó. Những biện pháp phòng ngừa Covid-19 hiện nay là giống nhau đối với tất cả mọi người, bao gồm người có rối loạn phổ tự kỷ.

Tuy nhiên, chúng ta cần hiểu rằng trẻ tự kỷ có thể có một số nhu cầu được hỗ đặc biệt. Bởi những khó khăn mà trẻ gặp phải trong giao tiếp xã hội, trong các mẫu hành vi định hình và một số đặc trưng khác của rối loạn này.

Một nghiên cứu mới được công bố tháng 1/2022 về các kết quả khảo sát trên trẻ tự kỷ và bố mẹ trẻ ở Rotterdam, Hà Lan cho thấy, đại dịch Covid-19 là một thách thức lớn với tất cả mọi người, mà đặc biệt là với trẻ có rối loạn phổ tự kỷ.

Trong thời gian giãn cách xã hội ở Anh năm 2020, trẻ em và người có rối loạn phát triển thần kinh trải nghiệm nhiều hơn các vấn đề cảm xúc và hành vi, và ít thể hiện các hành vi ủng hộ xã hội.

Các triệu chứng tự kỷ gia tăng mạnh mẽ và gây ra sự căng thẳng lớn trong các gia đình trẻ, do sự gián đoạn tiến trình trị liệu. Các hành vi lặp lại định hình, rối loạn giấc ngủ, lo âu, trầm cảm và sự gây hấn cũng gia tăng theo. Đồng thời, nhóm đối tượng này cũng có thể ít trải nghiệm hơn cảm giác bị vứt bỏ, bị bắt nạt, bị kỳ thị, hay bị đặt ra bên ngoài các chuẩn mực.

Chưa có nhiều nghiên cứu nói về sự gia tăng số lượng trẻ mắc rối loạn phổ tự kỷ trong và sau Covid-19 ở trên thế giới và ở cả Việt Nam. Tuy nhiên, các nghiên cứu đều nhấn mạnh tới sự phức tạp của các triệu chứng và sự gia tăng những vấn đề sức khỏe tâm thần ở nhóm trẻ này.

- Hiện có những phương pháp nào để điều trị cho trẻ tự kỷ?

Về cơ bản, các phương pháp can thiệp cho trẻ tự kỷ đa phần tập trung vào thiết lập lại các hành vi hiệu quả và giáo dục làm thay đổi khả năng nhận thức cũng như trang bị các năng lực tự phục vụ bản thân.

Đó là phương pháp phân tích hành vi ứng dụng ABA, mô hình Denver dành cho trẻ nhỏ ESDM, Floortime, liệu pháp lao động, điều trị phản ứng cốt lõi, phương pháp TEACCH… Một số phương pháp quan tâm đến các vấn đề cảm xúc, phát triển các cảm giác và các mối quan hệ, tương tác cho trẻ (can thiệp phát triển mối quan hệ RDI), trị liệu lời nói...

Hiểu đúng mới phát hiện sớm

Tốt nghiệp Tiến sĩ tại Đại học Tổng hợp Masaryk-Brno, Cộng hoà Séc, PGS.TS Nguyễn Hồi Loan về nước tiếp tục nghiên cứu và là chuyên gia hàng đầu trong lĩnh vực Tâm lý học, Công tác xã hội, Xã hội học… Ông từng đảm nhận vị trí Chủ nhiệm khoa Tâm lý học, Chủ nhiệm bộ môn Công tác xã hội, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn (ĐHQGHN). PGS.TS Nguyễn Hồi Loan cùng đồng nghiệp đã xây dựng các chương trình đào tạo, Phát triển học thuật về Tâm lý học và Công tác xã hội.

- Những khó khăn nào thường gặp nhất khi giáo dục cho trẻ đặc biệt nói chung và trẻ tự kỷ nói riêng, thưa ông?

Khó khăn nhất là việc khiến cho trẻ thiết lập được các tương tác xã hội (nhất là giao tiếp mắt) và những mối quan tâm đến thế giới xung quanh, đến người khác. Can thiệp, trị liệu cho trẻ em tự kỷ là một công việc vô cùng khó khăn và phức tạp ngay cả trong trường hợp được phát hiện sớm.

Trên thế giới, tại các nước phát triển, quan niệm trị liệu thành công cho trẻ tự kỷ là trẻ dừng phát triển bệnh, hoặc phát triển bệnh chậm lại. Trong các trường hợp mà chúng tôi gặp trong quá trình trị liệu thì cũng tương tự như vậy.

Cháu N.T.B (nam, 2 tuổi khi vào trị liệu), sau 3 năm kiên trì với sự tận tâm của các bộ trị liệu và hợp tác có hiệu quả của cha mẹ, đã có chiều hướng phát triển hòa nhập tốt, các biểu hiện của bệnh giảm đáng kể. Tôi cho đó là thành công.

- Để giúp trẻ tự kỷ hoà nhập cuộc sống cần có những yếu tố gì?

Nhiều phụ huynh chưa hiểu đúng về tự kỷ để có thể phát hiện và giáo dục sớm cho con nên khiến cho việc hòa nhập của trẻ với xã hội gặp nhiều khó khăn. Bên cạnh đó, cộng đồng còn cái nhìn e dè về gia đình và trẻ tự kỷ, phân biệt đối xử với các em.

Về mặt xã hội, trẻ có xu hướng chơi một mình, ít quan tâm đến xung quanh. Về ngôn ngữ, trẻ khó khăn trong việc học hỏi và tương tác xã hội nên thường chậm nói và nếu có nói được cũng không chủ động. Khi lớn lên, trẻ sẽ có nhiều đặc điểm rõ ràng hơn ở khía cạnh tương tác một chiều.

Với những khiếm khuyết đó, các em gặp nhiều cản trở khi đến trường, học tập và kết bạn. Nhiều người khó chấp nhận trẻ khi cùng sinh hoạt hoặc chung sống.

Điều này có thể khiến trẻ bị cô lập, gây cho các em cảm xúc tiêu cực hơn. Trẻ tự kỷ không chỉ cần giáo dục ở trường chuyên biệt mà phụ huynh nên biết cách giúp đỡ, đồng hành cùng con, bởi việc chăm sóc và giáo dục trẻ tự kỷ không dễ dàng.

Để trẻ tự kỷ có thể hòa nhập vào cuộc sống bình thường, điều quan trọng là cần sự thông hiểu của toàn bộ xã hội, sự kiên trì của các thành viên trong gia đình và sự can thiệp tích cực từ các nhà chuyên môn.

- Xin trân trọng cảm ơn ông!

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Minh họa/INT

Lửa cháy đổ dầu thêm

GD&TĐ - Tổng giá trị gói viện trợ mới nhất Mỹ dành cho Ukraine được Hạ viện nước này phê chuẩn hôm 20/4 vừa qua là 60,84 tỷ USD.