Điều kiện để ngân hàng được phép môi giới tiền tệ

Điều kiện để ngân hàng được phép môi giới tiền tệ

(GD&TD)-Đó là một trong những nội dung bắt buộc tại dự thảo Thông tư quy định về hoạt động môi giới tiền tệ của Ngân hàng Nhà nước.

Ngân hàng không được đối xử ưu đãi đối với các khách hàng có quan hệ thân thiết (ảnh MH)
Ngân hàng không được đối xử ưu đãi đối với các khách hàng có quan hệ thân thiết (ảnh MH)

Mục đích của việc quy định hoạt động mối giới tiền tệ là để xây dựng khung pháp lý hoàn chỉnh hơn nhằm điều chỉnh hoạt động môi giới tiền tệ, đảm bảo phù hợp với xu thế phát triển của thị trường, hỗ trợ các tổ chức tín dụng (TCTD) và các thành viên thị trường trong việc huy động vốn cũng như sử dụng nguồn vốn nhàn rỗi, đáp ứng nhu cầu khai thác thông tin và quản lý của Ngân hàng Nhà nước.

Theo dự thảo Thông tư, tổ chức thực hiện môi giới tiền tệ bao gồm: ngân hàng thương mại, chi nhánh ngân hàng nước ngoài hoạt động tại Việt Nam theo Luật Các tổ chức tín dụng và công ty môi giới tiền tệ có sự tham gia góp vốn, mua cổ phần của ngân hàng thương mại được NHNN cấp Giấy phép hoạt động môi giới tiền tệ.

Trong hoạt động môi giới tiền tệ, bên môi giới phải bảo đảm thực hiện theo các nguyên tắc: Trung thực, công bằng, vì lợi ích của khách hàng thể hiện trong việc phản ánh đúng, đầy đủ, trung thực các thông tin về giá cả, giá trị giao dịch và các thông tin khác được khách hàng cho phép bên môi giới cung cấp; không đưa ra các thông tin, nhận định có thể làm cho khách hàng hiểu lầm về giá cả thị trường; không được đối xử ưu đãi đối với các khách hàng có quan hệ thân thiết; không được thực hiện các hành vi giao dịch làm ảnh hưởng tới lợi ích của khách hàng; tìm mọi biện pháp và có bằng chứng chứng minh đã tìm mọi biện pháp để mang lại giao dịch với mức giá tối ưu cho khách hàng.

Ngoài ra, bên môi giới cũng không được tiết lộ thông tin về tên, địa chỉ giao dịch và thông tin mật của khách hàng khi chưa được khách hàng đồng ý, trừ trường hợp có yêu cầu của các cơ quan có thẩm quyền của Nhà nước.

Đồng thời, ưu tiên thực hiện lệnh của khách hàng trước khi thực hiện lệnh của ngân hàng thương mại, chi nhánh ngân hàng nước ngoài của bên môi giới hoặc ngân hàng mại góp vốn, mua cổ phần tại bên môi giới.

Về điều kiện cấp Giấy phép, các ngân hàng thương mại, chi nhánh ngân hàng nước ngoài đáp ứng các điều kiện sau mới được NHNN xem xét, cấp Giấy phép hoạt động môi giới tiền tệ: Có nhu cầu hoạt động môi giới tiền tệ; Có bộ phận độc lập thực hiện hoạt động môi giới tiền tệ.

Đặc biệt, các ngân hàng thương mại cũng như chi nhánh ngân hàng nước ngoài phải kinh doanh có lãi trong năm liền kề trước năm xin cấp phép hoạt động môi giới tiền tệ. Đồng thời, không bị xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực tiền tệ và hoạt động ngân hàng trong thời gian một năm đến thời điểm xin cấp phép hoạt động môi giới tiền tệ; Không vi phạm các quy định của NHNN về các tỷ lệ đảm bảo an toàn trong hoạt động ngân hàng tại thời điểm xin cấp phép hoạt động môi giới tiền tệ.

Ngoài ra, các NHTM và chi nhánh ngân hàng nước ngoài cũng phải có phương án thực hiện hoạt động môi giới tiền tệ khả thi; Có hệ thống kiểm soát nội bộ theo quy định của NHNN. Có cơ sở vật chất, hệ thống kỹ thuật tin học và phương tiện thông tin liên lạc (điện thoại, thiết bị ghi âm, máy vi tính và các thiết bị khác) đáp ứng yêu cầu của hoạt động môi giới; Người quản trị, điều hành của bộ phận thực hiện hoạt động môi giới có đầy đủ năng lực pháp luật dân sự, năng lực hành vi nhân sự và có trình độ chuyên môn về kinh tế, tài chính, ngân hàng phù hợp với hoạt động môi giới tiền tệ.

Phương Nguyên

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Truyện ngắn: Mẹ và vợ

Truyện ngắn: Mẹ và vợ

GD&TĐ - Gã thuộc mẫu người hướng ngoại: Ưa bay nhảy, thích gặp gỡ kết giao, trà dư tửu hậu với bạn bè hơn đoàn tụ chuyện trò cùng anh em, cha mẹ, vợ con.