Nhiều người đến với hiệu sách như tìm về một cõi biệt lập với xã hội ồn ào, được sống chậm lại cùng kho tàng tri thức của nhân loại. Một số khác tìm đến hiệu sách chỉ để hít hà mùi giấy mới thơm phức như một liều doping lành mạnh cho tinh thần. Tuy nhiên, với một hiệu sách mà chỉ có... vỏn vẹn một quyển sách thì những người yêu sách biết phải làm sao?
Nhưng không, hiệu sách này vẫn làm nên điều kì diệu tuy có phần khác biệt so với số đông.
Nằm ở khu vực mua sắm đắt đỏ hàng đầu Tokyo - Ginza, hiệu sách be bé, xinh xinh của anh Yoshiyuki Morioka khiến bao người phải tò mò vì... chỉ bán đúng một quyển sách tại một thời điểm nhất định! Kể từ khi chính thức hoạt động từ tháng Năm năm nay, cửa hiệu của anh đã thay liên tục nhiều tựa sách mỗi tuần và vẫn hoạt động rất hiệu quả.
Hiệu sách be bé, xinh xinh của anh Yoshiyuki Morioka ở phố Ginza, Tokyo, Nhật Bản. (Ảnh: Internet)
Có thể bạn sẽ cho rằng cửa hàng của Morioka khó có thể gọi là hiệu sách khi khách hàng không thể đến để dành hàng giờ chọn ra một hoặc vài quyển sách ưng ý trong số hàng trăm quyển. Nhưng Morioka lại không muốn mở một hiệu sách theo kiểu truyền thống như hàng trăm năm nay loài người vẫn thuờng làm. Hiệu sách của anh đóng vai trò như một dịch vụ chọn đầu sách đáng đọc cho khách hàng, nghĩa là bạn chỉ việc đến và mua quyển sách mà chủ cửa hiệu đã chọn - cũng là sản phẩm duy nhất của cửa hiệu. Moriokia chia sẻ rằng anh nảy ra ý tưởng này sau khi tổ chức kha khá sự kiện ra mắt sách tại một vài hiệu sách cũ do anh làm chủ.
Hiệu sách đặc biệt bậc nhất thế giới, bày bán chỉ vỏn vẹn một quyển sách tại một thời điểm nhất định. (Ảnh: Getty Images)
"Trước khi mở hiệu sách này, tôi đã làm chủ một vài cửa hiệu khác ở Kayabacho trong suốt 10 năm. Ở đó, tôi có khoảng 200 đầu sách và tổ chức một vài sự kiện ra mắt sách trong một năm. Trong suốt những sự kiện ấy, rất nhiều người đến hiệu sách chỉ để tìm mua một quyển sách đáng đọc. Theo như kinh nghiệm bản thân, tôi bắt đầu tin rằng có lẽ chỉ với một quyển sách thì công việc quản lí hiệu sách sẽ trở nên dễ dàng hơn" - anh Morioka chia sẻ. Để có tiền đầu tư cho hiệu sách đặc biệt này, anh quyết định bán bộ sưu tập khổng lồ gồm tranh cổ động từ thời chiến tranh.
Hiệu sách nhỏ nhắn, những bức tường và trần nhà đều được sơn một màu trắng dễ chịu, còn sàn nhà thì vẫn giữ nguyên độ sần sùi, thô nhám. Quay mặt ra ngoài cửa là quầy tính tiền với một chiếc tủ gỗ nhiều ngăn kéo kiểu cổ, ở trung tâm cửa hiệu là một chiếc bàn đặt quyển sách duy nhất.
Anh Morioka cho rằng hiệu sách một quyển sẽ thật sự đưa độc giả thâm nhập vào câu chuyện trong sách. (Ảnh: Internet)
Theo anh Morioka, hiệu sách của anh có một lợi thế khác biệt, đó là hoạt động như một buổi triển lãmcho duy nhất một quyển sách, làm cho câu chuyện trong sách trở nên sống động hơn với khách hàng. "Ví dụ, khi bán sách về hoa, trong cửa hàng sẽ điểm tô bằng loài hoa được nhắc đến trong quyển sách. Ngoài ra, tôi còn nhờ tác giả, biên tập viên xuất hiện tại cửa hiệu càng nhiều càng tốt. Điều này sẽ thay đổi phương thức giao tiếp hai chiều - giữa câu chuyện trong sách và độc giả - thành ba chiều: sách - tác giả - độc giả. Tôi tin rằng những khách hàng, hay độc giả, sẽ cảm thấy họ như đang thật sự thâm nhập vào câu chuyện trong sách vậy" - anh Morioka cho biết.
Tuy nhiên, anh Morioka vẫn không tiết lộ cách thức và tiêu chí chọn sách nhưng ý tưởng của anh đã được khách hàng nhiệt tình đón nhận. Kể từ tháng Năm cho đến nay, anh đã bán được hơn 2.000 quyển sách. "Ý tưởng của hiệu sách này hầu như thu hút sự quan tâm của rất nhiều người, và khách hàng của tôi gần như đến từ khắp nơi trên thế giới".
Kể từ tháng Năm cho đến nay, cửa hiệu đã bán được hơn 2.000 quyển sách. (Ảnh: Internet)
Anh Morioka là một trong những người tin rằng sách không bao giờ là lạc hậu mặc cho sách điện tử hiện nay đang ngày một phát triển, thịnh hành và chiếm nhiều ưu thế hơn. "Với tôi, một quyển sách là một cá thể độc lập với sức hút đặc biệt, đã, đang và sẽ luôn giữ được sức hút ấy. Còn rất nhiều người sẽ tiếp tục sử dụng sách như một phương tiện giao tiếp" - Morioka khẳng định chắc nịch.