Ngày càng nhiều trẻ em liên hệ tới Childline (Đường dây tư vấn cho trẻ bị ngược đãi) về vấn đề chúng cảm thấy bị cô lập và cô đơn.
Đây chỉ là dữ liệu của năm thứ hai lưu giữ về cảm giác cô đơn mà giới trẻ đã phải trải qua - dữ liệu này được Hiệp hội NSPCC kỳ vọng sẽ giúp trẻ em giảm những suy nghĩ "tự đánh giá thấp bản thân" hoặc "cảm thấy bất hạnh" - và con số này đã tăng 14% so với năm trước. Năm đầu tiên, chiến dịch này đã giúp 4.063 người trẻ tuổi đấu tranh lại với cảm giác cô lập.
Báo cáo cho rằng gần 80% các buổi tư vấn này được thực hiện cho trẻ em nữ, nhiều ý kiến cho rằng tác hại của các trang mạng và những lời so sánh, dè bỉu trên các mạng xã hội là lí do khiến trẻ em nữ cảm thấy bị cô lập.
Phần lớn những người tìm đến sự giúp đỡ rơi vào độ tuổi thanh thiếu niên, cũng từng có trường hợp một đứa trẻ 10 tuổi tìm sự giúp đỡ, và được cho là độ tuổi còn khá nhỏ để gặp vấn đề như vậy.
Một thiếu niên nói với Childline: “Gần đây tôi cảm thấy sự cô lập và cô đơn đang dần lấn chiếm cơ thể tôi. Tôi luôn cảm thấy khó chịu đan xen thất vọng khi chứng kiến bạn bè mình thoải mái, vui vẻ giao lưu với mọi người hay trên các trang mạng xã hội. Và rồi tự tôi lại cảm thấy như không còn ai quan tâm đến tôi nữa.”
“Tâm trạng của tôi đang trở nên tồi tệ hơn và giờ tôi chỉ cảm thấy khó chịu và không thể ngừng khóc. Nó ảnh hưởng đến việc học và sự thay đổi tâm trạng của tôi, tôi không thể kiểm soát được nó, cảm giác giống như mọi thứ xung quanh tôi đang dần tan vỡ. Tôi thực sự muốn thoát khỏi cảm giác cô đơn đáng sợ này.”
Thường xuyên trò chuyện và trở thành bạn của con là một cách hiệu quả giúp trẻ thoát khỏi cảm giác cô đơn. |
Các số liệu đã được phát hành khi NSPCC ra mắt chiến dịch “Bạn có ở đó không?”, kêu gọi Chính phủ tài trợ cho Childline để giúp trẻ em và thanh thiếu niên đấu tranh với các vấn đề về sức khỏe tâm thần.
“Việc giới trẻ cảm thấy cô đơn, bị cô lập cần được chữa trị tuyệt đối vì nó là nguyên nhân lớn gây tổn hại về sức khỏe cũng như tâm thần của trẻ em và các thanh thiếu niên. Và câu hỏi cốt yếu ở đây là từ đâu và điều gì đã gây ra vấn đề trên?” - người sáng lập Childline, Dame Esther Rantzen phát biểu.
“Chúng ta có quá bận rộn để tạo không gian và thời gian cho con cái của chúng ta không? Có phải chúng ta đã dần mất thói quen sinh hoạt gia đình cùng nhau không? Hay do ảo tưởng được tạo ra bởi các mạng xã hội mà ai cũng yêu thích, nó phổ biến và dần chìm trong cái gọi là tận hưởng cuộc sống trên mạng xã hội để rồi họ lại nhanh chóng cảm thấy cô đơn hơn bao giờ hết? Dù là lý do gì thì điều quan trọng nhất vẫn là các trẻ em, thanh thiếu niên luôn có thể tìm đến và liên lạc với Childline để nói chuyện, chia sẻ về nỗi lòng và cảm nhận từ sâu đáy lòng mình.”
“Việc trẻ em, thanh thiếu niên đang tìm kiếm sự hỗ trợ và giải pháp giải chữa trị vẫn tiếp tục tăng đều.” – Lara Trưởng Ban vận động chính sách của tổ chức NSPCC nói. "Năm nay Thủ tướng Anh đã công bố chiến lược để giải quyết sự cô đơn và cô lập xã hội, và NSPCC sẽ thúc giục những người làm việc như một lực lượng đặc nhiệm này giúp trẻ em, thanh thiếu niên có thể thoát khỏi cái thế giới đáng sợ mà chúng đang phải đối mặt.”
Nếu là một bậc phụ huynh, và bạn lo lắng con bạn có thể cảm thấy cô đơn nhưng lại khó khăn mở lòng tâm sự và chia sẻ với mình, Childline đã cung cấp một số lời khuyên sau đây:
- Hãy chủ động với con hơn và đặc biệt là về mặt thể hiện tình cảm hay những cuộc trò chuyện vui vẻ với con, mở lòng tâm sự với con về chuyện của mình và ngược lại, chúng cũng dần sẽ cảm thấy thoải mái và cởi mở hơn với cha mẹ.
- Cố gắng không phản ứng quá mức nếu con bạn đang chia sẻ những câu chuyện của chúng, hay đơn giản là những câu hỏi khiến bạn cảm thấy khó chịu. Hãy lắng nghe thật kĩ và phân tích mọi chuyện, đưa ra những câu trả lời hay lời khuyên đúng đắn nhất với con.
- Nếu con bạn chưa sẵn sàng để nói chuyện vào thời điểm này, hãy chờ đợi cho đến khi chúng tự cảm thấy đây là thời điểm thích hợp để nói chuyện với cha mẹ.
- Hãy chắc chắn rằng bạn có thể nắm bắt được cảm xúc, tâm trạng cũng như những gì con bạn đang cố nói với bạn - điều đó thể hiện sự tôn trọng của cha mẹ đối với con cái, khiến trẻ cảm thấy chúng được tôn trọng, có thể thoải mái đưa ra những ý kiến và bày tỏ cảm xúc của chúng về sau.