Điệu kèn Chăm trên vùng đất thánh

Điệu kèn Chăm trên vùng đất thánh

Trải qua biết bao thăng trầm lịch sử, kèn Saranai của người Chăm hôm nay vẫn vang vọng, trải dài, ẩn mình sau những tòa tháp cổ với biết bao giai thoại của một vùng đất thánh.

Tìm về di sản qua tiếng kèn Saranai

Khu Di tích Mỹ Sơn, huyện Duy Xuyên (Quảng Nam) sau 20 năm được UNESCO công nhận Di sản Văn hóa Thế giới (1999), nơi đây càng trở về với vẻ cổ xưa vốn có của một vùng đất thánh, ẩn mình đằng sau là những giá trị văn hóa lâu đời.

Song song với việc bảo tồn, trùng tu những tháp Chăm cổ kính, những giá trị văn hóa gắn liền với vùng đất này cũng dần được phục dựng và được giới thiệu rộng rãi đến bạn bè trong và ngoài nước.

Đứng dưới chân của những tòa tháp Chăm cổ, chúng tôi lấy làm lạ bởi một âm thanh vang vọng, một điệu kèn kéo dài, liên hồi mà vẫn chưa thấy dứt.

Trong vùng đất thánh địa ẩn mình là những bí ẩn về văn hóa, điệu kèn Saranai truyền thống của người Chăm càng tôn lên những giá trị lâu đời, thôi thúc chúng tôi “giải mã” về điệu kèn vang vọng ấy!

Kèn Saranai là một loại nhạc cụ truyền thống của người Chăm. Kèn Saranai, trống Paranưng và trống Ghi-năng là những nhạc cụ không thể thiếu trong các lễ hội và điệu kèn ấy cũng chỉ được xuất hiện trong các lễ hội, không phục vụ sinh hoạt đời thường của người dân, đó là những nhạc khí thiêng, gắn kết con người với thế giới thần linh.

Cũng chính vì lẽ đó mà không phải ai cũng thổi được kèn Saranai, và cũng không phải ai tập kèn cũng đều thổi được.

Anh Thiên Thành Vũ (SN 1990) được xem là một trong số ít người còn thổi thành thạo các điệu kèn cổ, cũng như chơi được các loại nhạc cụ truyền thống của người Chăm.

Năm 2010, anh Vũ khăn gói từ Ninh Thuận ra vùng đất thánh, rồi từ đó gắn liền với tiếng kèn gìn giữ văn hóa, biểu diễn phục vụ du khách mỗi khi đến với di sản Mỹ Sơn.

Anh Vũ cho biết, điệu kèn Saranai có điểm đặc biệt ở chỗ kéo dài không dứt, xuyên suốt cả một tiết mục phải thổi điệu kèn sao cho không được đứt quãng. Cũng vì vậy khó nhất ở việc thổi kèn Saranai là cách lấy hơi, mà không phải ai cũng có thể làm được.

Chưa kể, kèn Saranai theo truyền thống chỉ xuất hiện trong các lễ hội, không được phục vụ sinh hoạt đời thường. Theo lời anh Vũ kể, những đứa trẻ muốn học thổi kèn Saranai phải chọn lúc trưa vắng, mang kèn ra một hòn đất bồi cao giữa cánh đồng cách xa làng xóm, sao cho người dân trong làng không nghe thấy tiếng kèn, mới có thể tập những điệu kèn đầu tiên.

Là con trai trong một gia đình có nghề truyền thống sản xuất nhạc cụ, lại được ông, cha truyền lại từ bé, cộng thêm những chỉ dạy từ nghệ nhân Trượng Tốn, anh Vũ nay chơi thành thạo 72 điệu nhạc truyền thống, chơi kèn Saranai, trống Ghi-năng.

Kèn Saranai cổ thường được làm bằng ngà voi, sừng trâu… sau này thì thường được làm bằng gỗ cây me, nhưng phải lấy phần lõi gỗ, có như thế thì âm thanh mới trong, vang đúng chất. Kèn Saranai gồm 3 phần: Phần chuôi làm bằng đồng để thổi, phần thân bằng gỗ và phần loa kèn.

Theo quan niệm của người Chăm, kèn Saranai là đại diện cho cái môi, còn Paranưng đại diện cho bụng, trống Ghi-năng là 2 đầu gối. Các nghệ nhân thường ví kèn Saranai là phần đầu của bộ ba trống Paranưng, kèn Saranai, trống Ghi-năng, bởi tiếng kèn Saranai thường mở đầu cho mỗi điệu thức hay chuyển từ điệu này sang điệu khác.

Đứng giữa vùng đất thánh, nghe van g vọng một điệu kèn hòa tấu trong tiếng trống, thôi thúc những ai đến với di sản Mỹ Sơn càng thêm tò mò về những câu chuyện bí ẩn gắn liền với một nền di sản.

Điệu kèn Saranai đang được những người trẻ phát huy, giới thiệu với du khách mỗi dịp đến Mỹ Sơn.
 Điệu kèn Saranai đang được những người trẻ phát huy, giới thiệu với du khách mỗi dịp đến Mỹ Sơn.

Di sản trên vùng đất thánh

Những nỗ lực trong công tác bảo tồn, phục dựng những di sản văn hóa tại di tích Mỹ Sơn là một câu chuyện chưa bao giờ cũ. Di sản Mỹ Sơn còn là nơi ẩn chứa những bí ẩn, nép mình đằng sau những tòa tháp là cả một câu chuyện dài về đời sống văn hóa, tinh thần của người Chăm.

Ông Phan Hộ, Giám đốc Ban Quản lý Di sản Văn hóa Mỹ Sơn cho biết, khu Đền tháp Mỹ Sơn là một kiệt tác của người Chăm xây dựng hàng chục thế kỉ, có giá trị lớn về văn hóa, nghệ thuật và kiến trúc độc đáo.

“Ngoài những di sản hiện hữu thông qua các kiến trúc đền tháp thì Mỹ Sơn còn có cả di sản phi vật thể, trong đó sinh hoạt nghệ thuật và nghi lễ của người Chăm cần phải được tìm hiểu để bảo tồn, phát huy giá trị di sản cũng như khai thác phát triển du lịch.

Để làm được điều đó, BQL di sản xác định cần có các nghệ nhân người Chăm, rồi tìm vào Ninh Thuận để gặp gỡ và mời các nghệ nhân về làm việc tại Mỹ Sơn” – ông Hộ chia sẻ.

Những ngày đầu phục dựng giá trị di sản, trong lúc còn rất nhiều khó khăn về khoảng cách địa lí, về đời sống vật chất nhưng trước lòng yêu nghề và trách nhiệm của mình với giá trị văn hóa, các nghệ nhân người Chăm đã đến Mỹ Sơn, mang tiếng kèn, tiếng trống… phục vụ du khách, giới thiệu rộng rãi đến bạn bè trong nước và quốc tế.

Để bảo tồn và phát huy giá trị di sản, trong suốt thời gian qua, BQL di sản đã xây dựng nên một chương trình múa Chăm thường xuyên, biểu diễn hằng ngày. Đều đặn mỗi ngày có 6 suất diễn, 4 suất trong nhà biểu diễn và 2 suất được biểu diễn ngay tại chân tháp.

Không những thế, những thế hệ trẻ kế cận cũng đang được ưu tiên, tạo điều kiện tốt nhất để tiếp nối truyền thống. Anh Phú Bình Huyện dù chỉ trạc tuổi đôi mươi, nhưng đã thổi kèn Saranai thành thạo, biểu diễn một cách chuyên nghiệp phục vụ du khách.

Có được như ngày hôm nay cũng một phần nhờ sự hướng dẫn từ anh Thiên Thành Vũ, và khi được hỏi về việc bảo tồn điệu kèn Saranai, anh Phú Bình Huyện cũng mạnh dạn khẳng định, rất sẵn lòng chỉ lại cho lớp trẻ kế cận những điệu kèn truyền thống của người Chăm.

Năm 2019, có hơn 420 nghìn lượt khách đến với di sản Mỹ Sơn, trong đó khách nước ngoài ước đạt 370 nghìn lượt. Để tiếp tục phát huy những giá trị di sản, giới thiệu rộng rãi đến du khách, BQL di sản cũng đã triển khai nhiều phương án, kế hoạch nhằm nâng cao hoạt động phục dựng.

“Chúng tôi còn trực tiếp mời các nhà nghiên cứu cùng một số nghệ nhân ở Ninh Thuận đến Mỹ Sơn phối hợp, tập luyện và lưu giữ di sản múa cổ truyền trong các lễ hội dân gian của người Chăm.

Bên cạnh nghệ thuật múa chăm và nghi thức lễ, BQL còn bố trí cho người Chăm phục hồi nghề dệt thổ cẩm trong khu di sản để phục vụ du khách và qua đó cũng là cách để bảo tồn những giá trị văn hoá” – ông Hộ cho biết thêm.

Qua 20 năm được vinh danh di sản, công tác quản lý, bảo tồn Mỹ Sơn đã đạt được những kết quả khả quan, giúp kiến trúc di tích từng bước, ra khỏi tình trạng đổ nát, sang giai đoạn ổn định, bền vững.

Điểm đến di sản Mỹ Sơn dần khẳng định được vai trò, vị thế của một Di sản Văn hóa Thế giới, mang trên mình những giá trị của một nền văn hóa lâu đời.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ