Điểm sáng phát triển văn hóa đọc ở Thủ đô

GD&TĐ - Sự phát triển vượt bậc của khoa học, công nghệ đã đa dạng hóa các cách thức tiếp cận, khai thác thông tin và kiến thức của người dân.

Quang cảnh phòng đọc cho người trưởng thành tại Thư viện Hà Nội.
Quang cảnh phòng đọc cho người trưởng thành tại Thư viện Hà Nội.

Điều này trở thành thách thức trong việc phát triển văn hóa đọc ở cộng đồng. Làm thế nào khơi dậy thói quen đọc sách là bài toán khó mà Thư viện Hà Nội đang nỗ lực tìm lời giải.

“Bắt mạch” để tìm thuốc hay

Chỉ thị số 42-CT/TW, ngày 25/8/2004 của Ban Bí thư về “Nâng cao chất lượng toàn diện của hoạt động xuất bản”, trong đó đề ra một trong những nhiệm vụ cấp bách là phải “Chăm lo phát triển nhu cầu văn hóa đọc của các tầng lớp nhân dân”, đặc biệt là người dân ở vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa và miền núi.

Xác định được những thách thức phải đối mặt trong thời đại công nghệ số bùng nổ, Thư viện Hà Nội đã triển khai nhiều giải pháp nhằm thúc đẩy văn hóa đọc trong cộng đồng, góp phần xây dựng xã hội học tập, tạo nền tảng vững chắc cho phát triển văn hóa.

Giải pháp đầu tiên được Thư viện Hà Nội triển khai liên tục, xuyên suốt đó là đẩy mạnh tuyên truyền, vận động người dân trên địa bàn thành phố thường xuyên đọc sách, báo. Qua đó, hình thành thói quen đọc và từng bước tạo kỹ năng, phương pháp đọc sách hiệu quả.

Để công tác văn hóa đọc phát triển sâu rộng, đơn vị đã chủ động tổ chức đa dạng các hình thức tuyên truyền và thường xuyên làm mới nội dung quảng bá vận động. Kế hoạch phát triển văn hóa đọc với nhiều hoạt động phong phú, thu hút sự tham gia của đông đảo nhân dân được xây dựng và triển khai thực hiện rốt ráo: Trưng bày sách báo trong và ngoài thư viện; phối hợp với các đơn vị trên địa bàn thành phố triển khai các buổi chuyên đề, bên cạnh đó là tổ chức các cuộc thi như “Gia đình đọc sách”, “Đại sứ văn hóa đọc”, ngày hội đọc sách và luân chuyển lưu động các điểm sách tại các đơn vị trường học, công viên trong khu vực.

Xác định là “địa chỉ đỏ” trong việc thu hút người dân đến đọc sách báo thì kho sách phải phong phú đa dạng và được sắp xếp khoa học. Do đó, hàng năm Thư viện Hà Nội luôn chú trọng phân bổ kinh phí để bổ sung sách, báo mới.

Từ đầu năm đến tháng 9/2024, Thư viện Hà Nội đã chi 1,6 tỷ đồng để bổ sung 8.249 bản sách mới, 12.634 tờ báo và tạp chí, 9.500 trang chữ nổi, 9.679 trang và 160 đĩa CD sách nói cho người khiếm thị. Ngoài ra, đơn vị còn nhận sách tặng từ các nhà xuất bản như: Chính trị Quốc gia, Hội Nhà văn, Y học, Khoa học xã hội, Kim Đồng, Đại học Vinh... cùng các cá nhân gồm 3.072 cuốn và 1.288 tờ báo, tạp chí.

Nhờ đó kho sách của thư viện luôn phong phú với khoảng 650.000 bản sách được tổng hợp bởi tất cả các lĩnh vực như khoa học tự nhiên, văn học, chính trị, pháp luật, y học, ngôn ngữ, thiếu nhi và kỹ năng sống...

diem-sang-phat-trien-van-hoa-doc-o-thu-do-2.jpg
Các bạn nhỏ tham gia đọc sách tại Thư viện Hà Nội.

Không chỉ vậy, Phòng Phong trào của Thư viện Hà Nội đã thực hiện luân chuyển sách xuống tủ sách cơ sở để làm mới các tủ sách cấp huyện, thị xã, các đơn vị hành chính và các điểm trường học trên địa bàn; hướng dẫn từng địa phương cách sắp xếp, trưng bày sách, báo.

Từ đầu năm đến nay, Thư viện Hà Nội đã thực hiện 170 điểm luân chuyển qua 18 đơn vị; một năm luân chuyển sách 2 đợt, 6 tháng một đợt. Nhờ vậy mà tủ sách tại các điểm luân chuyển cũng trở thành điểm đến thu hút của nhiều người dân địa phương.

Ông Nguyễn Minh Quang, người dân ở thị trấn Trạm Trôi, huyện Hoài Đức cho biết: “Trước khi tham gia các hoạt động sinh hoạt văn hóa thường nhật, tôi thường đến tủ sách địa phương từ sớm để đọc sách, báo. Việc đọc sách, báo được tôi luôn duy trì. Điều này giúp tôi nắm bắt được thông tin thời sự và liên tục cập nhật được tri thức mới”.

Chị Nguyễn Quế Anh, thủ thư của Thư viện Hà Nội cho biết: “Để xây dựng nguồn sách phong phú, đa dạng, hàng năm, Thư viện Hà Nội vẫn luôn “lắng nghe” và đáp ứng các đợt sách được xã hội hóa; ngoài ra thư viện vẫn luôn phối hợp với các đơn vị hành chính và tủ sách địa phương để thực hiện luân chuyển sách.

Đặc biệt, để việc luân chuyển sách đạt hiệu quả cao, thủ thư và công chức văn hóa đơn vị đã khảo sát nhu cầu của người dân, luân chuyển những cuốn sách mới, hay thiết thực, phù hợp.

Cùng với đó, thư viện cũng kết hợp với nhiều đơn vị, địa phương để đẩy mạnh tuyên truyền vai trò của việc đọc sách, văn hóa đọc trong các buổi sinh hoạt chuyên đề, hội nhóm và nâng cao nghiệp vụ qua các buổi tập huấn cho cán bộ quận, huyện, thị xã. Mục tiêu là thu hút được nhiều hơn người dân biết và đến đọc, mượn sách tại thư viện, phòng đọc sách báo”.

Không chỉ dừng lại ở việc phát huy hiệu quả văn hóa đọc từ các thư viện, tủ sách ở các địa phương, Thư viện Hà Nội còn mở rộng và phát triển văn hóa đọc tại các trường học một cách hiệu quả.

Hiện trên toàn địa bàn thành phố, 100% các trường đều xây dựng thư viện trường với nguồn tài liệu đáp ứng khá đầy đủ nhu cầu tra cứu, học tập, bổ sung kiến thức cho giáo viên, học sinh.

Hầu hết các trường đều lên lịch cụ thể, khuyến khích giáo viên, học sinh, sinh viên dành thời gian đến thư viện đọc sách, mượn sách để nghiên cứu và giải trí. Từ đó, góp phần xây dựng thói quen đọc sách, kỹ năng đọc, góp phần hình thành văn hóa đọc ngay trong nhà trường.

Sự thành công trong việc “trẻ hóa” độc giả đọc sách tại các trường học là một bằng chứng rõ ràng về tầm quan trọng của việc xây dựng thói quen đọc sách từ sớm, tạo nền tảng vững chắc cho sự phát triển toàn diện của mỗi cá nhân trong tương lai.

Cần nhân rộng và lan tỏa giá trị

Nghị quyết số 29-NQ/TW khóa XI về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo nhấn mạnh đến chủ trương cần phải đa dạng hóa các loại hình giáo dục, đào tạo theo tín chỉ, vừa học vừa làm, đào tạo từ xa, đòi hỏi người học, học sinh, sinh viên phải không ngừng tự học, tự đọc, tự nghiên cứu. Cùng với chủ trương của Đảng, Nhà nước cũng đã ban hành nhiều chính sách kịp thời, tạo hành lang pháp lý cho hoạt động xuất bản, tiêu dùng các ấn phẩm diễn ra thuận lợi, đồng thời huy động các nguồn lực cùng tham gia xây dựng, phát triển văn hóa đọc.

Để phát triển văn hóa đọc một cách rộng rãi trong thời kỳ chuyển đổi số, Thư viện Hà Nội và các cơ quan chức năng, tổ chức xã hội, chính quyền địa phương vẫn đang tích cực trong việc hỗ trợ, tạo điều kiện cho người dân tiếp cận nguồn tri thức dễ dàng hơn.

Chị Bùi Thị Ánh, thủ thư Phòng đọc Tiếng Việt tại Thư viện Hà Nội chia sẻ: Bên cạnh việc đầu tư mạnh mẽ về cơ sở hạ tầng như bàn, ghế, khu vui chơi thông minh và ổ cắm điện thì hiện nay thư viện cũng tăng cường liên kết, vận động nguồn tài trợ thiết bị công nghệ từ Hàn Quốc để mở rộng mô hình khám phá, tra cứu và học tập cho các em thiếu nhi, học sinh, sinh viên thêm đa dạng, phong phú.

Với việc kết hợp thực hiện hiệu quả nhiều giải pháp, Thư viện Hà Nội đã và đang từng bước xây dựng văn hóa đọc trong các tầng lớp nhân dân, khơi dậy niềm đam mê đọc sách, tạo nền tảng quan trọng cho việc tự học, học tập suốt đời của mỗi người, xây dựng xã hội học tập, góp phần tích cực vào sự nghiệp xây dựng và phát triển Thủ đô ngày càng vững mạnh.

diem-sang-phat-trien-van-hoa-doc-o-thu-do-3.jpg
Thanh thiếu niên và nhi đồng hứng khởi bên gian sách mới của thư viện.

Phát triển văn hóa đọc không phải là nhiệm vụ của một cá nhân hay một tổ chức đơn lẻ mà là trách nhiệm chung của cả cộng đồng. Bên cạnh các cơ quan chức năng, đơn vị hành chính, tổ chức thư viện tại trường học và khu vực, mỗi cá nhân là một đại sứ văn hóa đọc góp phần xây dựng xã hội văn minh.

Nhờ thói quen đọc sách, mỗi cá nhân sẽ trở thành một người có khả năng tự học, rèn luyện được tư duy sâu sắc, đủ hiểu biết để có cái nhìn toàn diện hơn về cuộc sống, góp phần xây dựng một xã hội tiến bộ và nhân văn.

Năm 2019, Luật Thư viện đã được Quốc hội thông qua; năm 2017, Đề án phát triển văn hóa đọc trong cộng đồng đến 2020 định hướng 2030 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ