Điều gì xảy ra với một chiếc smartphone bị ăn cắp?

Một sinh viên điện ảnh người Hà Lan quyết định bí mật cài phần mềm theo dõi rồi cố tình để chiếc smartphone của mình bị đánh cắp nhằm tìm hiểu xem kẻ trộm là kiểu người nào.

Điều gì xảy ra với một chiếc smartphone bị ăn cắp?

Bạn đã từng gặp cảnh thò tay vào túi quần áo để rồi phát hiện ra rằng, chiếc smartphone của mình đã bị đánh cắp? Cảm giác lúc đó chắc chắn là rất chán nản và muốn nhanh chóng tìm lại tài sản của mình. Thế nhưng, một khi kẻ kia đã chủ định ăn cắp, ý định của bạn gần như là bất khả thi.

Anthony van der Meer, một sinh viên điện ảnh người Hà Lan phải trải qua cảm giác đó khi anh đang ăn trưa ở Amsterdam. Không hài lòng với phản ứng của cảnh sát ở Amsterdam, thành phố có tới 300 vụ ăn cắp điện thoại mỗi tuần, Meer quyết định tìm hiểu xem kẻ ăn cắp điện thoại là kiểu người nào.

Anh tải về một phần mềm bảo mật tự chế trên một chiếc điện thoại "chim mồi", cố ý để máy bị ăn cắp, sau đó theo dõi được tên trộm trong nhiều tuần liền.

Anh đã ghi lại quá trình điều tra và biến nó thành đoạn phim tài liệu ngắn dài 22 phút với tên gọi "Find My Phone" (Đi tìm chiếc điện thoại của tôi).

Meer đã cài trên chiếc smartphone Android "chim mồi" một ứng dụng chống trộm có tên Cerberus, phần mềm cho phép chủ nhân thiết bị truy cập từ xa bất kỳ file nào trên máy, cũng như bí mật kích hoạt camera và microphone của smartphone.

Tuy nhiên, để chiếc máy "bị ăn cắp" cũng không phải việc dễ làm. Anh từng để hớ hênh chiếc máy 4 ngày nhưng chẳng có tên trộm nào cắn câu. Tuy nhiên, rất "may mắn" là khi Meer sẵn sàng từ bỏ, chiếc điện thoại Android cuối cùng đã bị đánh cắp.

Nhờ vào phần mềm theo dõi, anh có thể biết được mọi hành động của tên trộm với điện thoại, thậm chí chụp hình cận cảnh khuôn mặt hắn. Đây hẳn là một tên trộm rất lười biếng, khi mà hắn chẳng thèm reset máy hay xóa bất kỳ ứng dụng nào cài trên đó.

Tuy nhiên, một chi tiết khá thú vị là sau một thời gian theo dõi, Meer cảm thấy thương cho kẻ ăn cắp điện thoại của mình. Qua những tin nhắn hay qua theo dõi vị trí, Meer nhận thấy hắn là một kẻ vô gia cư, không có tiền.

Với việc chạy phần mềm Cerberus,  anh cũng đang làm tốn dữ liệu di động mà tên trộm phải bỏ tiền để sử dụng. Cuối cùng, Meer quyết định nộp hộ tiền vào tài khoản cho hắn.

Đoạn phim gây được rất nhiều sự chú ý, và chỉ sau ít ngày nó đã có tới hơn 3,5 triệu lượt xem. Nếu quan tâm, bạn có thể theo dõi toàn bộ đoạn phim tài liệu ngắn ở video bên dưới. 

Theo ICT News

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ