Điều gì chờ đợi lực lượng viễn chinh NATO tại chiến sự?

0:00 / 0:00
0:00

GD&TĐ - Theo Forbes, Anh kêu gọi các đồng minh NATO xem xét việc gửi lực lượng viễn chinh của liên minh tới Ukraine.

Ukraine vận hành hệ thống IRIS-T do Đức cung cấp.
Ukraine vận hành hệ thống IRIS-T do Đức cung cấp.

Cái kết nhanh chóng

Nguồn tin cho biết, động thái được cho là "có liên quan đến những diễn biến bất lợi trong chiến dịch quân sự của Ukraine hiện nay".

Cùng với việc kêu gọi gửi lực lượng đến Ukraine, giới lãnh đạo Anh cũng kêu gọi NATO xem xét việc áp đặt vùng cấm bay trên lãnh thổ do chính quyền Ukraine kiểm soát và tăng cường viện trợ quân sự cho Ukraine.

"Kế hoạch được báo cáo của Vương quốc Anh về việc triển khai quân đoàn viễn chinh của NATO tới Ukraine là "một sự ảo tưởng viển vông của người Anh và không có cơ sở thực tế", sĩ quan tình báo CIA và là cựu quan chức Bộ Ngoại giao Mỹ, Larry Johnson nói.

"Nhưng chỉ vì người Anh có ý tưởng điên rồ không có nghĩa là Nga có thể phớt lờ họ. Đó là một đề xuất có vẻ nghiêm túc", ông nói thêm.

Johnson phần nào có cùng quan điểm với Matthew Gordon-Banks, một nhà tư vấn quan hệ quốc tế, cựu thành viên Quốc hội và là nhà nghiên cứu cấp cao đã nghỉ hưu tại Học viện Quốc phòng Vương quốc Anh, người nói rằng ông không nghĩ những thông tin về lực lượng NATO ở Ukraine nên được xem xét nghiêm túc.

Gordon-Banks nói: "Những lời đề nghị mà tôi đã nghe hiện nay khá phi thực tế".

Khi được yêu cầu bình luận về "các diễn biến không thuận lợi" đối với lực lượng Kiev trên chiến trường, ông nhấn mạnh rằng "mọi thứ ở Kiev đang sụp đổ khá nhanh".

Gordon-Banks lập luận: "Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky đã không thể sa thải vị tướng hàng đầu của mình là Valery Zaluzhny và tôi nghĩ ông ấy giờ đây thực sự là một tổng thống thiếu quyền lực và tầm ảnh hưởng".

Earl Rasmussen, một trung tá quân đội Mỹ đã nghỉ hưu, chuyển sang làm cố vấn quân sự và địa chính trị, cũng có bình luận tương tự. Ông cảnh báo rằng nếu thông tin về các kế hoạch của London là sự thật và "nếu đây là giấc mơ của ai đó thì nó có thể nhanh chóng trở thành cơn ác mộng đối với người Anh và lực lượng NATO.

"Đó không phải là một giải pháp hay đề xuất thực tế. Nga chiếm ưu thế hoàn toàn trên không, hậu cần, làm chủ nguồn cung cấp đạn dược.

Đây sẽ là thảm họa đối với bất kỳ lực lượng nào của Anh và chắc chắn sẽ là biểu tượng cho thấy sự tham gia trực tiếp của NATO, điều này thực sự có thể nguy hiểm về mức độ leo thang", Rasmussen nhấn mạnh và lưu ý rằng "các lực lượng Anh có thể sẽ bị xóa sổ, khá nhanh chóng".

Cựu quân nhân Mỹ cho rằng ai đó trong quân đội Anh có thể đang gặp "một số loại trải nghiệm ảo tưởng" khi đề xuất một kịch bản như vậy.

Rasmussen kết luận: "Đó là một nhiệm vụ tự sát đối với những đội quân đó. Và nó chắc chắn sẽ kéo NATO vào tình thế nguy hiểm hơn nhiều và đối đầu trực tiếp với Nga".

Cam kết

Cùng với kêu gọi của Anh về lực lượng viễn chinh, NATO cho biết các nước thành viên sẽ tiếp tục viện trợ hàng tỷ euro cho Ukraine trong năm 2024, giúp nước này đối phó với các cuộc tập kích từ xa của Nga.

"Các nước thành viên đang mua 1.000 tên lửa Patriot để lấp đầy kho dự trữ và tiếp tục hỗ trợ tăng cường năng lực phòng không của Ukraine.

Đức gần đây đã cung cấp cho Kiev thêm các hệ thống phòng không Patriot, Skynex cùng đạn dược bổ sung của tổ hợp IRIS-T, còn Anh đang chuyển giao thêm khoảng 200 tên lửa phòng không", NATO thông báo sau khi tiến hành hội nghị trực tuyến với Ukraine cuối tháng 1.

Cuộc họp được tiến hành theo đề xuất của Kiev, với sự tham dự Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg, tư lệnh không quân Ukraine Mykola Oleshchuk, Thứ trưởng Nội vụ Oleksii Serhieiev cùng đại sứ các nước NATO và Thụy Điển, nước đang nộp đơn xin gia nhập khối.

Hội nghị diễn ra trong bối cảnh Nga tăng cường tập kích quy mô lớn lãnh thổ Ukraine bằng tên lửa và máy bay không người lái (UAV), lớn nhất là hai cuộc tấn công vào ngày 29/12 năm ngoái và 2/1, khiến hàng chục người thiệt mạng.

"Trong lúc Nga đang đẩy mạnh tấn công các mục tiêu Ukraine, các đồng minh NATO đang tăng cường năng lực phòng không cho Kiev. Chúng tôi sẽ tiếp tục sát cánh với người dân Ukraine để chống lại chiến dịch của Nga", thông báo của NATO nhấn mạnh, thêm rằng một số nước của khối đã vạch kế hoạch cung cấp "hàng tỷ euro bổ sung" cho Kiev trong năm 2024.

Giới chức Ukraine cho biết Nga những tuần qua tập kích nước này bằng hàng chục, thậm chí tới hơn 100 quả đạn mỗi lần. Yuriy Ihnat, phát ngôn viên không quân Ukraine, cho hay phòng không nước này "đã sử dụng lượng lớn tên lửa dự trữ" để đối phó với loạt đợt tấn công của Moskva.

"Chúng tôi rõ ràng đang thiếu tên lửa phòng không", ông Ihnat nói.

Ngoại trưởng Ukraine Dmytro Kuleba bày tỏ hy vọng các nước NATO sẽ đưa ra "quyết định quan trọng" để giúp Kiev tăng cường hơn nữa năng lực phòng không, bao gồm bổ sung đạn dược và các tổ hợp hiện đại.

"Đảm bảo cung cấp tên lửa thường xuyên cho các tổ hợp Patriot, IRIS-T, NASAMS và các hệ thống phòng không khác là ưu tiên hàng đầu, cần được hoàn thành ngay hôm nay, chứ không phải ngày mai", ông Kuleba nhấn mạnh.

Clip hệ thống Buk-M1 Nga đánh chặn 2 tên lửa HIMARS ở hướng Nam Donetsk.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ