Điều chỉnh chính sách cử tuyển một cách toàn diện

Đại biểu Cao Thị Giang (Quảng Bình). Ảnh: internet
Đại biểu Cao Thị Giang (Quảng Bình). Ảnh: internet

Theo Đại biểu Cao Thị Giang - Quảng Bình, chính sách cử tuyển là một chủ trương, chính sách của Đảng nhằm góp phần phát triển nguồn nhân lực vùng dân tộc, miền núi, nhất là vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn.

Tuy nhiên, chính sách này đã bộc lộ những bất cập và hạn chế, cụ thể như sau: Một là chất lượng đào tạo thấp, nhiều người phải bỏ học giữa chừng vì không theo kịp chương trình.

Hai là, đào tạo không theo nhu cầu của địa phương, dẫn đến tốt nghiệp không bố trí được việc làm, chỉ tiêu cử tuyển hàng năm chỉ tập trung vào một số ngành nghề như y tế và giáo dục, còn các ngành khác tuy được giao chỉ tiêu nhưng số lượng còn hạn chế.

Thực tế hiện nay đang tồn tại một nghịch lý là phần lớn sinh viên cử tuyển sau khi tốt nghiệp ra trường không có việc làm, trong khi vùng miền núi, dân tộc lại đang thiếu cán bộ có trình độ. Do đó, Đại biểu Cao Thị Giang đề nghị xác định lại mục tiêu của chính sách và điều chỉnh chính sách cử tuyển một cách toàn diện, không chỉ ở nội dung phân công hay ưu tiên tuyển dụng, bảo đảm việc cử tuyển đúng mục đích, hiệu quả.

Khẳng định cử tuyển là một chính sách dân tộc đúng đắn của Đảng và Nhà nước ta, tuy nhiên theo Đại biểu Triệu Thanh Dung (Cao Bằng), thời gian qua việc thực hiện chính sách này bộc lộ một số hạn chế. Hạn chế đó không nằm ở chính sách mà nằm ở cách thực hiện, khi chúng ta cử tuyển ồ ạt, không đúng đối tượng, chất lượng đầu vào thấp, đặc biệt là không theo nhu cầu, không gắn với vị trí việc làm, dẫn đến không bố trí được công việc cho sinh viên sau khi ra trường.

Đại biểu Triệu Thanh Dung đề nghị thu gọn lại chính sách cử tuyển chỉ dành cho những dân tộc ít người, rất ít người. Ví dụ các dân tộc thời gian qua khó tuyển sinh và chưa có người đi học cử tuyển là dân tộc Co, Mảng, Rơmăm, Klao, Brâu, La Hủ.

Cùng với đó, cử tuyển chỉ dành cho những dân tộc miền núi khó khăn, thực sự thiếu cán bộ, cử tuyển phải đúng đối tượng gắn với nhu cầu vị trí việc làm, đồng thời phải nâng cao chất lượng đầu vào cũng như chất lượng đào tạo sinh viên cử tuyển. Nếu thực hiện được đúng như vậy, tôi cho rằng việc phân công công tác cho sinh viên cử tuyển sau khi ra trường là khả thi.

“Vì vậy, tôi đề nghị giữ quy định sinh viên cử tuyển sau khi ra trường có thể được phân công công tác và mở rộng thêm các hình thức khác như xét tuyển đặc cách hoặc ưu tiên tuyển dụng. Quy định mở như vậy để các địa phương có thể linh hoạt lựa chọn cách thức phù hợp trong việc sắp xếp công việc cho sinh viên cử tuyển.

Mặt khác, tôi đề nghị nhà nước cần có chính sách tạo nguồn đào tạo, bồi dưỡng cán bộ người dân tộc thiểu số một cách bài bản, căn cơ mới có thể khắc phục được tình trạng thiếu cán bộ người dân tộc thiểu số, nhất là các dân tộc thiểu số ít người như hiện nay” - Đại biểu Triệu Thanh Dung cho hay.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ