Sửa đổi toàn diện Luật Giáo dục thể hiện tinh thần đổi mới căn bản, toàn diện GD&ĐT

Đại biểu Quốc hội thảo luận tại Hội trường về Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục chiều 11/6
Đại biểu Quốc hội thảo luận tại Hội trường về Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục chiều 11/6

Tại phiên thảo luận, các Đại biểu đều đồng thuận với việc cần thiết phải sửa đổi Luật Giáo dục hiện hành và cho rằng, Luật Giáo dục đã góp phần quan trọng vào quá trình phát triển GD&ĐT Việt Nam; nhưng qua 12 năm thi hành Luật này cũng đã bộc lộ một số hạn chế, bất cập, trở thành những điểm nghẽn, là nút thắt trong quá trình thực hiện đổi mới căn bản, toàn diện GD&ĐT.

Phát biểu mở đầu phiên thảo luận, Đại biểu Đinh Thị Bình (Phú Thọ) đề nghị mở rộng phạm vi điều chỉnh của Luật và đổi tên là “Luật Giáo dục 2018”. Theo Đại biểu Bình, đây là việc làm cần thiết bởi dự án Luật này cần thể chế hoá tinh thần đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục, đáp ứng yêu cầu phát triển của đất nước cũng như kỳ vọng của nhân dân.

Nhiều Đại biểu có cùng ý kiến này. Theo Đại biểu Nguyễn Hồng Hải (Bình Thuận), GD&ĐT có tác động lớn đến đời sống, đến chuẩn bị nguồn nhân lực cho đất nước, hình thành giá trị nền tảng con người Việt Nam; do đó, những vấn đề của nền giáo dục như chất lượng đào tạo, chất lượng người dạy, chất lượng người học, quản trị đại học,… đòi hỏi phải được xem xét một cách nghiêm túc, toàn diện.

Đại biểu Nguyễn Thị Mai Hoa (Đồng Tháp) đề xuất đổi tên Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục thành “Luật Giáo dục sửa đổi năm 2018”. Về lý do mở rộng phạm vi sửa đổi, Đại biểu này cho biết:

Dự thảo ban đầu chỉ đề xuất sửa đổi, bổ sung 8 điều và chỉ đề xuất 2 chính sách là hệ thống giáo dục mở, liên thông và phân luồng; nhưng đến dự thảo hiện tại đã mở rộng ra 36 điều, bổ sung 03 điều mới; bãi bỏ 10 điều, liên quan đến rất nhiều chính sách về người học, nhà giáo, vấn đề quản lý nhà nước về giáo dục, vấn đề quản trị… Phạm vi mở rộng, có thể đổi tên Luật và hy vọng Ban soạn thảo sẽ đánh giá một cách toàn diện các tác động của chính sách để có thể thông qua tại Kỳ họp thứ 6 tới.

Trước đó, báo cáo thẩm tra Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục của Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội cũng tán thành đề xuất của Chính phủ về việc nghiên cứu sửa đổi toàn diện Luật Giáo dục nhằm thực hiện mục tiêu tạo cơ sở pháp lý đầy đủ để phát triển giáo dục phù hợp với các Nghị quyết của Đảng, Hiến pháp 2013 và yêu cầu của thực tiễn; khắc phục những hạn chế, tồn tại nêu trong Tờ trình; bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ với hệ thống pháp luật có liên quan.

Về tên Luật, Ủy ban tán thành tên gọi là “Luật Giáo dục sửa đổi” để phù hợp với phạm vi sửa đổi. Một số đại biểu đề nghị đổi tên Luật là “Luật Giáo dục 2018” để thể hiện quan điểm và tinh thần đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ