Nghề giáo trong tâm trí nhạc sĩ
Những ngày này, nhạc sĩ Nguyễn Sỹ Hùng (trú phường Trần Phú, TP Quảng Ngãi, tỉnh Quảng Ngãi) vẫn còn vui và xúc động khi anh được thông báo tác phẩm “Điệp khúc Đại ngàn” do anh phổ nhạc theo thơ của tác giả Lê Hoài, là một trong 1 trong số 30 tác phẩm đoạt giải tại cuộc thi “Sáng tác ca khúc về thầy cô và mái trường”.
Trò chuyện với PV Báo GD&TĐ, nhạc sĩ Sỹ Hùng cho biết, anh sinh ra ở đất Bắc, cha là người Quảng Trị. Sau năm 1975, anh theo gia đình vào tỉnh Đắk Lắk nơi cha anh công tác. Còn mẹ anh là một giáo viên.
Đến với âm nhạc từ rất sớm, tuổi thơ đã anh đã học nhạc tại Hội văn hóa nghệ thuật Đắk Lắk, sau đó trở thành nhạc công của Đoàn ca múa Đắk Lắk. Thời gian sau anh làm việc tại Đoàn ca múa nhạc Sao Biển (tỉnh Phú Yên). Từ năm 1996 đến nay về Quảng Ngãi và công tác tại Trung tâm Văn hóa thông tin TP Quảng Ngãi.
“Những ngày đi cùng mẹ về dạy tại một điểm trường cho con em các dân tộc ít người ở đây là một dấu ấn sâu đậm nhất trong cuộc đời tôi. Hình ảnh mẹ tôi, một cô giáo vùng cao, một giáo viên cắm bản đã để lại cho tôi sự nhớ nhung, sự trân quý về thầy cô đang dạy ở vùng núi, vùng dân tộc ít người.
Những hình ảnh của mẹ tôi lúc đó là cảm xúc thiêng liêng nhất và chính từ hình ảnh mẹ tôi là cơ sở để khi tôi tiếp nhận những bài thơ “Điệp khúc Đại ngàn” của nhà giáo Lê Hoài (tức Lê Hoài Thạnh) – bài thơ viết cho một Trường Dân tộc Nội trú sáng tác năm 2020 đã chạm vào cảm xúc nghệ thuật của tôi, từ đó tôi bắt đầu phổ nhạc cho bài thơ này”, nhạc sĩ Sỹ Hùng nhớ lại.
Theo lời nhạc sĩ Hùng, thầy giáo Lê Hoài Thạnh – Nguyên Trưởng phòng GD&ĐT Sơn Tây hiện là Hiệu trưởng trường Phổ thông Dân tộc nội trú THCS Sơn Tây (tỉnh Quảng Ngãi) là một người anh em thân thiết của anh trong cuộc sống.
“Chính vì thân thiết với nhau như người trong gia đình, nên tôi đã vinh dự được đồng hành cùng thầy với giáo dục vùng cao Sơn Tây, Quảng Ngãi hơn một thập kỷ.
Thầy Lê Hoài Thạnh luôn xem tôi như một người bạn để chia sẻ và đồng cảm trong hoạt động nghệ thuật. Chính mảnh đất vùng cao đầy khắc nghiệt nhưng cũng đầy chan chứa tình người này đã giúp tôi có được tác phẩm “Điệp khúc Đại ngàn”, nhạc sĩ Hùng chia sẻ.
Kể về việc phổ nhạc cho bài thơ Điệp khúc Đại ngàn, nhạc sĩ Hùng cho hay, nhân kỷ niệm 25 năm – Ngày thành lập trường Phổ thông Dân tộc nội trú THCS Sơn Tây (1995-2020), thầy Lê Hoài Thạnh giao cho anh bài thơ “Điệp khúc Đại ngàn” của thầy để phổ nhạc cho ca khúc chào mừng Lễ kỷ niệm.
“Đọc bài thơ, tôi đã nghe đầy tiếng nhạc, đặc biệt là âm hưởng đại ngàn nên tôi có cảm xúc ngay để sáng tác ca khúc Điệp khúc Đại ngàn. Đặc biệt là bước chân các em học sinh vùng cao vượt núi và sông suối đến trường. Những bước chân như được “Nữ thần mặt trời” thắp lửa về với ngôi trường vùng cao để được học cái chữ và học làm người.
Bài thơ đã khái quát được niềm hân hoan khi mỗi ngày được đến trường là niềm vui của những cậu bé, cô bé còn đen nhẻm trong vòng tay của thầy cô. Tôi như thấy vòng tay của thầy cô vừa yêu thương vừa chăm sóc, giáo dục để chăm từng bữa cơm, giấc ngủ ngon cho học sinh của mình”, nhạc sĩ Hùng bộc bạch.
Đặc biệt, bài thơ đã gợi nhớ cho anh về hình ảnh của mẹ mình đã từ miền Bắc sau năm 1975 được chuyển về Đắk Lắk dạy học. “Mẹ tôi cũng đã từng là “giáo viên cắm bản” của vùng núi này. Tôi đã chứng kiến những năm tháng của mẹ sau năm 1975 tại Đắk Lắk và luôn nhớ về hình ảnh một cô giáo vùng cao là thế. Từ sự gợi nhớ như thế đã làm cho tôi say sưa và trân quý với giáo dục vùng núi và dân tộc để mãi cảm xúc trong những sáng tác của mình”, nhạc sĩ Hùng tâm sự.
“Lời bài hát như là máu thịt”
Nói về tác giả của bài thơ Điệp khúc Đại ngàn do anh phổ nhạc, nhạc sĩ Sỹ Hùng cho rằng, thầy Lê Hoài Thạnh đã gắn cả cuộc đời mình cho giáo dục miền núi Quảng Ngãi. Thầy Lê Hoài Thạnh đã bước qua năm thứ 38 gắn với miền núi và đồng bào dân tộc nơi đây. Bấy nhiêu thời gian cống hiến đó đã làm nhạc sĩ Hùng ngưỡng mộ về chân dung sống của một người thầy giáo tuyệt vời này.
“Do vậy, lời của ca khúc như máu thịt từ trái tim của một người thầy suốt đời yêu con trẻ vùng cao”, nhạc sĩ Hùng nhấn mạnh.
Theo nhạc sĩ Hùng, lời bài thơ đầy chất nhạc đã giúp cho nhạc sĩ có cảm hứng dâng trào.
Giải thích về đoạn tiếng anh trong đoạn mở đầu: “Every mountain Every school”, nhạc sĩ Hùng cho rằng, theo thầy giáo Lê Hoài Thạnh thì đầu những năm 2000, huyện vùng cao Sơn Tây tỉnh Quảng Ngãi còn đầy khắc nghiệt và chưa có đường giao thông, chưa có điện thắp sáng và người dân mới thoát được mù chữ.
“Năm 2000, Tổ chức Tầm nhìn thế giới (World Vision) đã tiến hành khảo sát thực trạng giáo dục Sơn Tây. Ngày đó, có Giáo sư Niel – người Úc (Chuyên gia giáo dục quốc tế) hơn 60 tuổi đã tham gia chuyến khảo sát. Sau khi đi bộ một ngày để khảo sát, Giáo sư Niel đã khái quát ngành giáo dục Sơn Tây như là: “Every mountain Every school”. Vì lúc đó để giúp học sinh có thể đi học thì phải mở lớp đến địa bàn dân cư. Dân thì sống trên các lưng chừng đồi nên mỗi ngọn núi, nên đều được dựng tạm một ngôi trường ở đó.
Do vậy câu nói: “Every mountain Every school” được hiểu là: Mỗi ngọn núi, một ngôi trường (cứ mỗi ngọn núi có một ngôi trường). Thú vị là thế, chính những ngôi trường tranh tre nứa lá bên lưng chừng núi ấy đã thắp lửa và phát triển cho giáo dục Sơn Tây ngày nay”, nhạc sĩ Hùng kể.
Theo lời nhạc sĩ Hùng, trong cuộc đời hoạt động nghệ thuật, giây phút xúc động nhất của anh chính lúc ca khúc “Điệp khúc Đại ngàn” được trao giải của cuộc thi, với đặc biệt nội dung về mái trường và thầy cô giáo.
“Tôi vinh dự khi góp tiếng nói với ngành giáo dục về nghề giáo vốn là nghề cao quý trong dấu ấn tuổi thơ của tôi. Qua tác phẩm này, tôi xin gởi lời biết ơn đến quý thầy cô trên mọi miền đất nước đang ngày đêm làm thiên chức của nghề dạy học. Dân tộc chúng ta luôn có tinh thần “Tôn sư trọng đạo” nên các thầy cô giáo luôn được tôn vinh. Đồng thời thầy giáo Lê Hoài Thạnh tác giả bài thơ. Tôi luôn ngưỡng mộ các thầy cô giáo vùng cao đang ngày đêm “gieo chữ” cho đại ngàn.
Tôi luôn hẹn với các thầy cô giáo, đặc biệt là những người đã gieo chữ vùng núi sẽ có những tác phẩm âm nhạc để kịp thời động viên thầy cô giáo vẫn còn nhiều khó khăn, thậm chí nguy hiểm. Hy vọng một chút đóng góp của mình, các ca khúc của chúng tôi sẽ mang lại cho thầy cô giáo miền núi và các em học sinh được hạnh phúc trong những ngôi tường thân yêu”, nhạc sĩ Hùng tâm sự.
Nhạc sĩ Nguyễn Sỹ Hùng (trú phường Trần Phú, TP Quảng Ngãi, tỉnh Quảng Ngãi). Nguyên cán bộ Trung tâm văn hóa thành phố Quảng Ngãi Hiện là Hội viên Hội Nhạc sĩ Việt Nam chuyên ngành sáng tác. Nhạc sĩ Hùng đã sáng tác trên 50 ca khúc. |