Điệp khúc buồn

GD&TĐ - Trận mưa lớn đầu tiên của hè năm 2016 bắt đầu từ trưa 24/5, rải rác và tăng cường độ trên diện rộng từ tối 24 rạng sáng 25/5 đã khiến hầu hết các quận, huyện vùng ven của Hà Nội ngập úng nặng nề, trong đó nặng nhất là Cầu Giấy, Bắc Từ Liêm, Nam Từ Liêm, Hà Đông, Thanh Xuân, Hoàng Mai…

Điệp khúc buồn

Nhiều con đường biến thành sông khiến giao thông tắc nghẽn đầu buổi sáng 25/5. Rất nhiều hộ gia đình, khu chung cư bị nước tràn vào, làm hư hỏng tài sản, phương tiện. Đây có thể nói là hình ảnh vô cùng quen thuộc của Hà Nội trong rất nhiều năm qua, với điệp khúc hễ mưa là ngập lụt.

Theo lý giải của Công ty TNHH một thành viên Thoát nước Hà Nội, cơn mưa lớn trên diện rộng vượt quá khả năng của hệ thống thoát nước, cùng với ảnh hưởng của các công trình hạ tầng kỹ thuật đang thi công như mương Vĩnh Tuy, mương Thụy Khuê, mương Nghĩa Đô, mương Tây Sơn... khiến nhiều khu vực của thành phố bị ngập úng.

Sáng 25/5, hầu hết các tuyến đường đổ vào trung tâm thành phố đều tắc nghẽn vì nước ngập. Đâu đâu cũng thấy xuất hiện những màu áo vàng của công nhân thoát nước đang miệt mài cùng với các thiết bị, máy móc khơi thông các cống rãnh, bơm hút nước.

Công ty TNHH một thành viên Thoát nước Hà Nội cũng cho biết, các cửa hồ Thành Công, Giảng Võ, Bảy Mẫu, Đống Đa… đều được mở để điều hoà nước. Trạm bơm Yên Sở, trạm bơm Đồng Bông I, Đồng Bông II và các trạm bơm cục bộ khác liên tục vận hành để hạ mực nước trên hệ thống. Kết quả rất rõ: Đến trưa cùng ngày, nước đã rút ở hầu hết các điểm ngập…

Không thể phủ nhận những nỗ lực ấy, tuy nhiên, đó hoàn toàn là các giải pháp tình thế. Đồng ý rằng trận mưa đầu hè này khá lớn. Lượng mưa đo được cao nhất khoảng 250mm, trong khi lượng mưa ghi nhận tại đợt mưa kỷ lục năm 2008 trong 2 ngày là hơn 580mm. Thế nhưng, điều đó cũng không làm người ta quên đi thực tế rằng, đã thành điệp khúc, Hà Nội cứ mưa là ngập.

Lỗi không nằm ở Công ty TNHH một thành viên Thoát nước Hà Nội. Các điểm ngập lụt thường xuyên (dù mưa không lớn) cũng không có lỗi. “Lỗi” ở đây là ngay từ khi quy hoạch xây dựng, chúng ta đã thiếu một hệ thống thoát nước khoa học. Thiếu chứ không phải không có. Nhưng những gì đã có vốn đã không đủ lại còn bị phá huỷ hay làm hạn chế chức năng bởi việc thi công các công trình hạ ngầm hệ thống điện, lắp đặt ống nước và nhiều hạng mục khác. Nước không có lối thoát, đường thành sông là lẽ đương nhiên.

Bên cạnh đó, trong quy hoạch xây dựng, để đảm bảo việc thoát nước, bất kỳ đô thị nào cũng phải có một cao độ chuẩn cho cả đô thị hoặc cho riêng từng khu vực. Cao độ chuẩn này đặc biệt quan trọng vì khi xây dựng hệ thống giao thông, thoát nước, bao giờ cũng phải dẫn từ cao độ chuẩn với độ dốc từ 5 - 7% hoặc thấp hơn tuỳ theo địa hình từng đô thị để có thể đảm bảo nguồn nước thoát, nước mặt nước mưa tự chảy.

Trong các khu phố ở Hà Nội do người Pháp quy hoạch từ thời thuộc địa, nhất là các khu phố cổ gần Hồ Gươm, vấn đề này đã được giải quyết rất tốt, do vậy dù đây là nơi có mật độ tập trung dân cư lớn nhất thành phố, nhưng ngập úng ít xảy ra và nếu có thì nước cũng rút rất nhanh.

Đáng tiếc, trong kiểm tra quy hoạch những năm gần đây, rõ ràng Hà Nội không xác định được một cao độ chuẩn để từ đó xác định ra hướng thoát nước tự nhiên, đồng thời cùng chuyển giao cho một số cơ quan Nhà nước quản lý và dời cốt xây dựng khi có yêu cầu của chủ đầu tư.

Hệ quả tất yếu là, khi trời mưa, các đô thị vẫn ngập hơn so với khu phố cổ quanh Hồ Gươm. Được biết thành phố cũng đã có văn bản yêu cầu các ngành liên quan nghiên cứu khắc phục tình trạng này. Nhưng tới nay, sự chuyển động hầu như không có. Thế nên, điệp khúc buồn “hễ mưa là ngập” vẫn tồn tại dài dài…

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Đây là lần thứ hai NHNN hủy đấu thầu vàng miếng.

Tiếp tục huỷ phiên đấu thầu vàng

GD&TĐ - Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) vừa gửi đi thông báo hủy bỏ cuộc đấu thầu vàng miếng ngày 25/4 đến các tổ chức tín dụng và doanh nghiệp.