“Mỗi lần hai bố con mâu thuẫn, tôi chỉ lớn giọng lên hoặc bỏ đi chỗ khác”, nam diễn viên trò chuyện thẳng thắn với PV Báo GĐ&XH khi bày tỏ quan điểm dạy con.
Con trai được “lên sóng” khi mới ba tuổi rưỡi
Được biết bé Híp đã tham gia casting chương trình “Bố ơi! Mình đi đâu thế?” từ lúc 3,5 tuổi. Vì sao bây giờ bố con anh mới nhập cuộc chính thức?
- Thời điểm các đạo diễn mời Híp casting thì cháu mới bập bẹ tập nói vì so với trẻ cùng trang lứa con trai tôi chậm nói. Sự tương tác chưa nhiều nên thời điểm đó cháu chưa phù hợp tham gia cả một chương trình truyền hình thực tế. Bẵng đi đến mấy năm, năm nay, bố con tôi lại nhận được lời mời và quyết tham gia vì thấy thích thú.
Bận rộn kinh doanh, con trai lại ít tiếp xúc với môi trường ăn ở, sinh hoạt kiểu dã ngoại... Anh có gặp áp lực khi tham gia cuộc chơi này?
- Ban đầu tôi rất lo lắng. Cháu giống tôi là hay bị viêm họng, ốm sốt nên tôi sợ chẳng may con mệt mỏi, không có vợ ở bên chưa biết sẽ thế nào. Trước đó tôi chưa từng trải nghiệm điều này. Mỗi lần con ốm đều có vợ, người giúp việc chăm sóc cùng. Còn về mặt công việc, tôi được đạo diễn thuyết phục là sẽ không mất quá nhiều thời gian, mỗi đợt quay chỉ mất ít ngày nên tôi tạm thời yên tâm. Điều khó khăn với tôi là thuyết phục vợ.
Cô ấy khá hoang mang vì lo lắng sức khỏe của bố con tôi. Nhà tôi mỗi lần đi du lịch đều phải chuẩn bị đến “nửa va-li” thuốc các loại. Những ngày đầu tiên, điều kiện ăn ở, sinh hoạt khác lạ nên cháu khá sốc, có lúc còn đôi chút hoảng loạn.
Đến bản thân tôi cũng bất ngờ vì không được biết kịch bản, địa điểm. Có lần mới 5h sáng, ê-kíp chương trình đã “khua” các cặp bố con dậy chuẩn bị hành lý về Hà Nội. Nhưng đi đến nửa đường thì ra là quay tiếp chương trình ở địa điểm khác.
Qua những tập đã phát sóng, khán giả khá bất ngờ khi thấy bé Híp trưởng thành hẳn, không mè nheo ăn vạ như tưởng tượng ban đầu. Anh đã thay đổi nhận thức của con, vốn được sinh ra trong gia đình khá giả bằng cách nào?
- Bình thường, cháu không phải đứa trẻ hay ăn vạ. Trước đây, khi cháu còn nhỏ tôi thường nói: Nhà mình nghèo, mình phải phấn đấu. Nhưng giờ cháu lớn hơn, tự nhận thức được, hoặc có những người nói ngược lại lời tôi ngày trước, nên tôi nghĩ không thể và không nên nói với con theo cách cũ khiến con mất lòng tin ở bố mẹ.
Tôi nói với con: Nhà mình có điều kiện nhưng những gì con thấy là mồ hôi nước mắt của bố mẹ và sau này nếu con muốn được như vậy, thì phải học tập tốt, lao động chăm chỉ hơn bố mẹ bây giờ. Mọi người xem chương trình theo lịch tuần nên cảm giác lâu, chứ 2 tập chỉ quay 2 ngày mà trong 2 ngày này, thấy con trai cứng cáp hơn tôi cũng mừng.
Kết thúc tập 1, tôi suy nghĩ đến ám ảnh khi nhận ra cách mình đang gần gũi, chia sẻ với con thực sự có vấn đề. Lâu nay, tôi nghĩ đơn giản cả ngày mình làm việc, không la cà đàn đúm, tối đến chỉ cần ngồi bên con là đủ, dù đầu óc vẫn nghĩ đến công việc, facebook… Tham gia chương trình, tôi nhận thấy cần thiết phải gác hết mọi thứ khi ở bên con, cần giao lưu về cảm xúc với con.
Trở lại kí ức đôi chút, việc anh dạy dỗ con bây giờ khác gì với bố mẹ dạy dỗ anh ngày xưa?
- Ngày xưa điều kiện kinh tế khó khăn nên chúng tôi không được chăm lo về vật chất như trẻ con bây giờ. Bố tôi là giáo viên dạy tiếng Nga. Ông từng mong muốn các con nối nghiệp mình. Tôi và anh trai đều có thời gian dài học tập, làm việc bên Nga.
Rốt cuộc, chỉ có chị gái tôi làm giáo viên như ý bố ngày nào. 37 tuổi tôi mới có con. Nếu trước đây, tôi quen giành lợi thế về mình thì con trai mang đến cho tôi cảm giác hoàn toàn có thể hi sinh. Tuy vậy, tôi thấy nhìn chung thì những định hướng của bố mẹ cho anh em tôi và tôi dành cho con đều giống nhau cả. Đó là mong con mình thành người tử tế.
Trong quá trình nuôi dạy con, anh hay vợ anh là người nghiêm khắc?
- Vợ tôi nghiêm khắc, còn tôi chưa một lần đánh con. Cháu cũng xem tôi như người bạn lớn, đôi khi hơi… nhờn! Tôi cũng nhận thấy mình còn nhiều “nhu nhược” khi dạy con. Mỗi lần hai bố con mâu thuẫn, tôi chỉ lớn giọng lên hoặc bỏ đi chỗ khác.
Sẽ sinh thêm con vào năm 2018
Theo anh, ngoài tình yêu thương, điều gì cần nhất trong việc dạy dỗ, chăm sóc một đứa trẻ?
- Đối với tôi, quan trọng là phải biết nhìn ra điểm yếu của con và đồng hành, hướng dẫn con khắc phục. Từ khi tham gia chương trình “Bố ơi! Mình đi đâu thế?” tôi mới nhận thấy tính con trai mình hơi ích kỉ vì quen được đáp ứng, chiều chuộng từ mọi phía.
Điều này khi bố con ở với nhau thì tôi không phát hiện được, bởi con chưa đòi mình đã nhường, nhưng trước đám đông nó thể hiện rất rõ. Tất nhiên, tôi nghĩ điều này cũng không có gì ghê gớm và lấy làm lo lắng. Cháu còn nhỏ nên còn điều chỉnh được. Cũng may cháu biết tiếp thu nên khi bố mẹ dạy bảo, cháu rất nghe lời.
Có bao giờ anh và “bà xã” mâu thuẫn nhau về quan điểm dạy con?
- Hiện giờ thì chưa, nhưng tôi cũng xác định trước rằng trong tương lai có thể xảy ra những tình huống kiểu này. Nếu tự chúng tôi không cân bằng được, nhiều khả năng tôi sẽ tham khảo ý kiến từ các chuyên gia tâm lý, xã hội.
Người ta thường nói về mâu thuẫn vợ chồng xung quanh đứa con, nhưng con cái cũng là mối liên kết vô cùng thiêng liêng, nhất là với người đàn ông lập gia đình muộn như tôi. Vợ tôi bây giờ vẫn ghi nhận một kỷ niệm đẹp là sau khi cô ấy sinh con, bị ốm thì luôn có bàn tay chồng chăm sóc ngày đêm.
Anh kì vọng gì ở con trai mình và vợ chồng anh có dự kiến sinh thêm con?
- Chúng tôi dự kiến sinh cháu thứ hai vào năm 2018. Riêng sự kỳ vọng, tôi không đặt nặng. Hiện tại cháu cũng chưa bộc lộ năng khiếu gì đặc biệt ngoài khả năng bắt chước tiếng chó sủa, mèo kêu hoặc giọng nói của người khác. Sau này thế nào còn có cuộc đời “nhào nặn”. Như gia đình tôi, bố mẹ chẳng bao giờ nghĩ các con lại làm kinh doanh.
Cảm ơn anh về cuộc trò chuyện!