Nhưng không hề vô căn cứ, bởi hiện giờ, nó đã được tích hợp vào các thiết bị đeo như đồng hồ, kính, vòng đeo tay,… Thế nên, rất có thể trong tương lai, điện thoại thông minh sẽ “chui” vào chiếc tại nghe, thậm chí được cấy dưới da để người dùng khỏi phải cầm, nắm và bỏ quên.
"Ảo diệu" như trên phim
Những dự đoán vô cùng táo bạo, có vẻ “viễn tưởng” này đã được đưa ra ở Diễn đàn kinh tế thế giới 2016 tại Davos, Thụy Sĩ, với việc khảo sát khoảng 800 lãnh đạo CNTT trên toàn thế giới. Hiện, chúng ta đã tích hợp công nghệ vào trong đồng hồ, kính đeo mắt, vòng đeo tay, áo sơ mi, giầy, thậm chí áo ngực. Nhưng cấy hẳn một chiếc điện thoại vào đầu (hay vành tai), bàn tay hay cánh tay lại là câu chuyện hoàn toàn khác.
Điều này hoàn toàn có thể xảy ra trong tương lai – nhiều người đồng ý với nhận định này. Theo đó, smartphone sẽ được “nhúng” trực tiếp vào trong cơ thể con người, để ta thực sự có thể kết nối mạng 24/7. "Chúng ta đang tiến vào kỷ nguyên Máy thứ hai", ông Erik Brynjolfsson, Giám đốc Sáng kiến Nền kinh tế số của MIT nhận định.
Chúng ta có thể hình dung như sau: Trong bộ phim hành động viễn tưởng "Total Recall", nữ diễn viên Kate Beckinsale đã chat video với sếp của mình thông qua “một chiếc điện thoại” được “nhúng” trong lòng bàn tay. Đó chính là tương lai của chiếc điện thoại, kể cả điện thoại thông minh.
Các chuyên gia tin rằng, điện thoại hoặc “thiết bị nhúng” - sử dụng công nghệ kết nối không dây, có thể được cấy vào cơ thể người và dự đoán sẽ được thương mại hóa vào năm 2023. Với cuộc thăm dò này, đã hé lộ nhiều “tầm nhìn và dự đoán” dành cho tương lai của công nghệ, cũng như xã hội loài người. Đây cũng sẽ là “nguồn ý tưởng” để các hãng công nghệ bắt tay hiện thực hóa, đưa ra những sản phẩm công nghệ mới hữu ích cho người dùng trong những năm sắp tới. Số đông tin rằng con người đang bước vào một “kỷ nguyên lột xác” và thay đổi toàn bộ diện mạo nhờ những tiến bộ về phần mềm, như trí tuệ nhân tạo, Internet của vạn vật, in 3D và nhất là điện thoại nhúng trong đầu.
Những "kịch bản" khác cho điện thoại
Điện thoại thông minh chắc chắn sẽ bị đào thải trong tương lai không xa. Đành rằng với sự phát triển của công nghệ, điện thoại ngày càng thông minh hơn, cung cấp cho người dùng đủ loại thông tin họ cần. Vi xử lý ngày càng mạnh khiến chiếc điện thoại lấn lướt khả năng của máy tính cá nhân. Tuy nhiên, có 2 nhu cầu đối lập nhau khiến người dùng rơi vào thế tiến thoái lưỡng nan: tất cả đều muốn chiếc điện thoại thật nhỏ gọn để dễ dàng bỏ túi và mang đi khắp mọi nơi, và tất cả đều muốn màn hình chiếc điện thoại phải lớn để hiển thị thông tin được nhiều như họ mong đợi.
Kích thước màn hình chính là vật cản khiến điện thoại di động không thể nhỏ như người ta mong muốn. Hay nói chính xác hơn, công nghệ hiển thị chưa đủ mạnh để đưa điện thoại di động lên một tầm cao mới mang tính đột phá. Vậy thì, hãy tưởng tượng một bước phát triển mới của màn hình điện thoại, bạn sẽ nhìn thấy tương lai của thiết bị cá nhân này trong tương lai.
* Màn hình gấp lại được: Với sự phát triển của OLED, màn hình gấp hoặc cuộn lại được là chuyện sắp xảy ra, mà thậm chí đã xảy ra rồi. Bạn đeo một chiếc đồng hồ, chỉ vài động tác đơn giản, bạn gỡ mặt đồng hồ và nó bung ra thành chiếc điện thoại to như máy tính bảng. "Kịch bản" này nghe khá hấp dẫn.
* Màn hình vô hình: Với công nghệ laser, người ta đã nghĩ đến những màn hình hiện lên từ không khí. Một vài phiên bản thử nghiệm đã được triển khai. Cũng là chiếc đồng hồ, bạn kích hoạt bằng nút bấm và màn hình hologram dựng lên, thể hiện tất cả thông tin bạn cần.
* Màn hình trên kính mắt: Hãy quên những màn hình vài inch trên điện thoại hiện tại. Sao không phải là màn hình 100 inch? Google Glass là thiết bị đã có phiên bản thương mại. Việc biến nó thành chiếc điện thoại thông minh chẳng có gì là khó khăn. Vấn đề cần phải giải quyết chỉ là nó còn khá vướng víu.