Diện mạo mới ở Cao Sơn

GD&TĐ - Cao Sơn, xã Lũng Cao, huyện Bá Thước (Thanh Hóa) là tên gọi chung của 3 bản Son, Bá, Mười, nằm trên đỉnh của dãy núi Phà Hé, thuộc vùng lõi của Khu Bảo tồn thiên nhiên Pù Luông. Những năm gần đây, nhờ sự quan tâm của Nhà nước và nỗ lực của người dân, vùng đất nghèo trước đây đã chuyển mình “thay da đổi thịt”.

Hiện tại con đường mòn lên Son Bá Mười đã được thay thế bằng con đường 521B, xe ô tô đã có thể vào tận bản.
Hiện tại con đường mòn lên Son Bá Mười đã được thay thế bằng con đường 521B, xe ô tô đã có thể vào tận bản.

Cao Sơn là nơi sinh sống của đồng bào dân tộc Thái, có độ cao trung bình hơn 1.100m so với mực nước biển, khí hậu ôn hòa, quanh năm sương mù bao phủ, nhiệt độ luôn duy trì quanh mức 18-22o. Vì thế, nơi đây còn có tên gọi khác là Cao Sơn.

Giữa mùa thu tháng 9, Cao Sơn hiện ra giữa bốn bề núi rừng vời vợi với vẻ xanh trong mát lành và dịu ngọt. Những ngôi nhà sàn nép mình bên sườn núi, ẩn hiện dưới những làn sương sớm, những triền ngô, những nương rau xanh ngút ngàn làm cho vùng đất trở nên thật hữu tình và bình yên nơi rẻo cao.

Giờ đây, con đường tỉnh lộ 521B trải dài tít tắp đã dẫn lên đến đỉnh Cao Sơn thay thế cho con đường cheo leo, dốc đá dựng đứng mà trước đây phải đi bộ mất hơn nửa ngày trời mới đến nơi.

Những nương rau xanh tại Son Bá Mười
Những nương rau xanh tại Son Bá Mười 

Nhờ có con đường mới, việc lưu thông thuận tiện, giao thương phát triển đã từng bước đổi thay cuộc sống của đồng bào. Người Cao Sơn giờ đây không còn bị cô lập giữa bốn bề vách núi mà họ đang từng bước hòa nhập và sánh vai với các dân tộc anh em khác.

Anh Ngân Mạnh Hùng, Trưởng thôn Mười hồi tưởng lại: Trước năm 2014, đường xá đi lại hết sức khó khăn nên dân bản sống biệt lập. Tất cả chỉ tự cung, tự cấp nên đời sống thiếu thốn, khó khăn trăm bề, không điện, không đường, không trạm. Vì thế tỷ lệ nghèo đói lên tới trên 90%.

“Từ khi có con đường lên bản, việc buôn bán thuận lợi, người dân tự nâng cao ý thức phát triển kinh tế, chú trọng thay đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi nhằm tăng năng suất và thu nhập. Những năm qua, được Nhà nước đầu tư giống cây trồng như cây chuối, cây ngô, mướp đắng, su su, ...hay giống vật nuôi như bò, trâu, lợn nên bà con dần có thể tự lo cuộc sống, không phụ thuộc vào trợ cấp nữa”, anh Hùng hồ hởi nói.

Ngoài thu nhập từ cây ngô, cây luồng, bà con còn tập trung trồng các loại rau củ quả, thậm chí là trồng trái vụ để nâng cao thu nhập. Điển hình ở bản Son, ngoài 70 ha trồng ngô, còn có 50 hộ trồng cây mướp đắng, với tổng diện tích là 5ha cho hiệu quả 30 triệu đồng/sào, bà con không phải lo đầu ra vì có công ty cung ứng toàn bộ vật tư và bao tiêu sản phẩm.

Tận dụng kiểu khí hậu đặc trưng để tạo ra thế mạnh, gần đây Cao Sơn có hướng đi mới là trồng cây dược liệu như atiso, nhân sâm, hà thủ ô... Hiện đã có doanh nghiệp xung phong lên để phát triển vùng nguyên liệu.

Đồng bào nơi đây hy vọng sớm có ánh sáng điện lưới thì Cao Sơn mới bứt phá, vươn lên phát triển được.
Đồng bào nơi đây hy vọng sớm có ánh sáng điện lưới thì Cao Sơn mới bứt phá, vươn lên phát triển được. 

Ngày nay, đồng bào ở Cao Sơn không còn đói, rét khi các gia đình đã có điều kiện nâng cao đời sống vật chất. Đa số các hộ đều có xe máy để đi, điện thoại để liên lạc. Trong số 189 hộ dân, chỉ còn 34 hộ nghèo, chiếm 17,9%.

Ông Ngân Văn Đức, trưởng thôn Son giãi bày: “Hiện tại khó khăn lớn nhất của dân bản là chưa có điện lưới. Dù con đường đã mở ra nhiều cơ hội để thoát nghèo, nhưng vẫn chưa phải là tất cả. Thời đại khoa học công nghệ phát triển rồi, mà không có điện lưới thì không làm được gì. Muốn xem cái tivi để biết tin tức bên ngoài ra sao, để học hỏi kĩ thuật trồng trọt, chăn nuôi, kiến thức pháp luật thế nào cũng khó tiếp cận thông tin. Muốn dùng máy móc vào sản xuất cũng không được, thành ra “ trong cái khó ló cái khôn”. Mong muốn lớn nhất của chúng tôi hiện tại là mong điện lưới quốc gia sớm đến với bản nghèo này. Có như vậy thì công cuộc thoát nghèo mới thật sự bền vững”.

Phấn khởi trước những đổi thay của Cao Sơn, nhưng vẫn còn đó nhiều nỗi niềm trăn trở. Ông Hà Văn Tuất, Phó Chủ tịch UBND xã Lũng Cao, huyện Bá Thước cho hay: Nhận thấy những tiềm năng lớn về du lịch sinh thái ở Cao Sơn, chính quyền địa phương đã có chủ trương hỗ trợ, động viên người dân làm dịch vụ du lịch cộng đồng.

Tuy vậy, vẫn còn manh mún, hiện mới chỉ có 2 hộ người miền xuôi lên đây để làm mô hình du lịch cộng đồng. Còn người dân bản địa vẫn còn chưa có điều kiện để đầu tư và tiếp cận với mô hình mới này. Mỗi tháng có từ 6-7 đoàn du khách, cả khách nước ngoài đển khám phá Cao Sơn là nhờ có con đường lên bản.

"Tuy nhiên, việc không có điện lưới cũng khiến cho du khách gặp nhiều bất cập, trở ngại trong sinh hoạt và thăm quan ở Son, Bá, Mười; thu nhập bình quân đầu người vẫn thấp hơn bình quân của xã. Chúng tôi đã nhiều lần đề xuất lên cơ quan chức năng cấp trên nhưng vẫn chưa có kết quả. Tôi tin rằng, khi có ánh sáng điện lưới thì Cao Sơn mới bứt phá, vươn lên phát triển được”, ông Tuất bày tỏ.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ