Diễn đàn nâng cao chất lượng đào tạo Việt Nam - Lào

Thứ trưởng Bộ GD&ĐT  Nguyễn Văn Phúc phát biểu tại diễn đàn.
Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Văn Phúc phát biểu tại diễn đàn.

Tham dự Diễn đàn có Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Việt Nam Nguyễn Văn Phúc, Thứ trưởng Bộ GD&TT Lào Khathaly Siliphongphan, ông Nguyễn Bá Hùng, Đại sứ Đặc mệnh toàn quyền Việt Nam tại Lào, cùng 250 đại biểu đại diện cho 50 cơ sở giáo dục đại học của Việt Nam và hơn 20 cơ quan quản lý giáo dục, doanh nghiệp của Lào.

Trong nhiều năm qua, công tác đào tạo nguồn nhân lực cho CHDCND Lào luôn nhận được sự quan tâm đặc biệt của hai Đảng, hai Nhà nước và ngày càng được tăng cường về số lượng và chất lượng.

Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Văn Phúc phát biểu tại diễn đàn.
Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Văn Phúc phát biểu tại diễn đàn. 

Năm 2011, Chính phủ Việt Nam đã phê duyệt Đề án “Nâng cao chất lượng và hiệu quả hợp tác Việt Nam - Lào trong lĩnh vực giáo dục và phát triển nguồn nhân lực giai đoạn 2011-2020”.

Đề án tập trung chủ yếu vào các giải pháp nhằm tăng cường số lượng, nâng cao chất lượng đào tạo để có một đội ngũ cán bộ quản lý, cán bộ khoa học kĩ thuật đáp ứng được nhu cầu phục vụ đất nước Lào, thích ứng được với quá trình phát triển của khu vực cũng như hội nhập với thế giới trong tương lai.

Nếu như năm 2011 cả nước chỉ có hơn 6000 lưu học sinh Lào học tập tại khoảng 70 cơ sở giáo dục của Việt Nam trong đó có gần 4000 lưu học sinh diện ngoài hiệp định, thì từ năm 2015 đến nay số lượng lưu học sinh Lào học tập tại Việt Nam luôn duy trì trên 12.000 người.

Tại thời điểm tháng 3/2019 có tổng số trên 16.000 lưu học sinh Lào tại Việt Nam (chiếm gần 80% tổng số lưu học sinh quốc tế đang học tập tại Việt Nam).

Để hỗ trợ nâng cao đào tạo tiếng Việt, Bộ GD&ĐT Việt Nam đã hoàn thành Biên soạn Chương trình dạy tiếng Việt và bộ sách giáo khoa tiếng Việt (thực nghiệm) từ lớp 1 đến lớp 12 cho học sinh Lào. Thực hiện thí điểm dạy học song ngữ Việt - Lào tại trường Nguyễn Du, Viêng Chăn, Lào. Hiệu chỉnh và hoàn thiện 02 bộ từ điển Lào - Việt, Việt - Lào. Hàng năm cử từ 30 đến 40 giáo viên sang dạy tiếng Việt và các môn khoa học tự nhiên tại Lào.

Tuy nhiên, do số lượng lưu học sinh ngoài Hiệp định và số cơ sở tham gia đào tạo lưu học sinh tăng nhanh, dẫn tới chất lượng đào tạo lưu học sinh diện ngoài Hiệp định chưa đáp ứng yêu cầu.

Bên cạnh đó, ý thức và kết quả học tập của nhiều lưu học sinh chưa cao, trình độ tiếng Việt còn hạn chế, một số cơ sở giáo dục Việt Nam chưa thực sự quan tâm tới công tác đào tạo lưu học sinh Lào.

Trao đổi tại Diễn đàn, ông Nguyễn Hải Thanh - Phó Cục trưởng Cục Hợp tác quốc tế, Bộ GD&ĐT cho biết, Bộ GD&ĐT Việt Nam đã đưa ra một số giải pháp nhằm nâng cao chất lượng đào tạo Việt Nam - Lào. Cụ thể, hàng năm sẽ cung cấp cho phía Lào danh sách các cơ sở giáo dục đã được kiểm định để phục vụ cho việc định hướng lựa chọn ngành/nghề và cơ sở đào tạo cho lưu học sinh Lào.

Xây dựng cổng thông tin điện tử về giáo dục Việt Nam để giúp lưu học sinh Lào có thêm thông tin để lựa chọn ngành học và cơ sở giáo dục tin cậy, phù hợp, đồng thời hỗ trợ công tác tiếp nhận trực tuyến. Bên cạnh đó, tăng cường công tác kiểm tra, khảo sát các cơ sở giáo dục có tiếp nhận nhiều lưu học sinh Lào nhằm tìm giải pháp khắc phục khó khăn trong công tác tiếp nhận, đào tạo và quản lý lưu học sinh Lào đang học tập tại Việt Nam.

Ông Thanh cũng đề nghị, Bộ GD&TT Lào chỉ công nhận văn bằng đối với các lưu học sinh có Quyết định của Bộ GD&TT Lào cử đi học tập tại Việt Nam. Đồng thời, tạo điều kiện để lưu học sinh diện ngoài Hiệp định cũng được học tiếng Việt ít nhất 03 tháng tại Lào trước khi sang Việt Nam học giống như những lưu học sinh diện Hiệp định.

Về phía Lào, Thứ trưởng Bộ GD&TT Lào Khathaly Siliphongphan cho biết, sẽ tăng cường dạy tiếng Việt cho sinh viên Lào trước khi sang Việt Nam học tập, ngoài việc học dự bị tiếng Việt 2 tháng, khoa tiếng Việt của Đại học Quốc gia Lào cũng sẽ có chương trình dạy 4 tháng tiếng Việt cho các sinh viên Lào. Phía Lào cũng sẽ phối hợp chặt chẽ hơn nữa với Việt Nam để tăng cường các giải pháp quản lý sinh viên Lào tại Việt Nam.

Ký kết thỏa thuận hợp tác giữa các cơ sở giáo dục đại học của Việt Nam với cơ quan quản lý giáo dục, cơ sở giáo dục và doanh nghiệp của Lào
 Ký kết thỏa thuận hợp tác giữa các cơ sở giáo dục đại học của Việt Nam với cơ quan quản lý giáo dục, cơ sở giáo dục và doanh nghiệp của Lào

Giới thiệu về giáo dục đại học Việt Nam tại Diễn đàn, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Việt Nam Nguyễn Văn Phúc cho biết, giáo dục đại học Việt Nam ngày càng chú trọng đến kiểm định chất lượng theo chuẩn quốc tế và liên kết đào tạo với các trường đại học nước ngoài.

Hiện Việt Nam đã có 121 cơ sở giáo dục đại học được công nhận bởi các tổ chức kiểm định trong nước và 06 cơ sở đào tạo được kiểm định và công nhận bởi tổ chức kiểm định nước ngoài, 142 chương trình đại học được đánh giá và công nhận trong đó 16 chương trình được đánh giá theo tiêu chuẩn trong nước và 126 chương trình theo tiêu chuẩn của khu vực và quốc tế.

Thứ trưởng hy vọng, Diễn đàn nâng cao chất lượng đào tạo Việt Nam - Lào sẽ góp phần thúc đẩy và phát triển quan hệ hợp tác giáo dục và đào tạo giữa Việt Nam và Lào, mang lại những lợi ích to lớn trong việc phát triển kinh tế, thương mại, dịch vụ và khoa học kỹ thuật cho hai bên trong thời gian tới.

Trong khuôn khổ Diễn đàn nâng cao chất lượng đào tạo Việt Nam - Lào đã diễn ra Triển làm giáo dục đại học Việt Nam - Lào 2019. Đây là lần thứ hai Triển lãm được tổ chức sự tham gia của 40 trường đại học Việt Nam.

Triển lãm là cơ hội để học sinh, sinh viên, nghiên cứu sinh, giảng viên, nghiên cứu viên, cán bộ quản lý giáo dục và đào tạo quốc tế Lào tiếp xúc, trao đổi thông tin, tìm kiếm cơ hội học bổng cũng như cơ hội hợp tác với các trường đại học của Việt Nam.

Cũng tại Diễn đàn đã có 15 thỏa thuận hợp tác được ký kết giữa các cơ sở giáo dục đại học của Việt Nam với cơ quan quản lý giáo dục, cơ sở giáo dục và doanh nghiệp của Lào.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Đối tượng Nguyễn Minh Trường thời điểm bị bắt giữ và tang vật.

Triệt phá 'lô cốt' ma túy

GD&TĐ - “Bà trùm” chia nhỏ ma túy, giao cho “chân rết” là những “quái xế” vận chuyển bằng xe máy với tốc độ cao nhằm hạn chế giám sát của lực lượng chức năng.