Điện có đè di sản?

GD&TĐ -Năm 2017, có hai doanh nghiệp xin đầu tư dự án điện mặt trời trên đầm An Khê thuộc phường Phổ Thạnh và xã Phổ Khánh (thị xã Đức Phổ, Quảng Ngãi).

Ảnh minh họa/INT
Ảnh minh họa/INT

Với số vốn đầu tư mỗi dự án lên đến gần 1 nghìn tỉ đồng nên tỉnh Quảng Ngãi “thống nhất nhanh” chủ trương đầu tư, cho phép hai doanh nghiệp nghiên cứu hoàn thành thủ tục để triển khai dự án.

Hay tin có hai dự án điện mặt trời chuẩn bị triển khai trên đầm An Khê, ảnh hưởng trực tiếp đến các di chỉ khảo cổ học thuộc nền Văn hóa Sa Huỳnh được xếp hạng di tích quốc gia từ lâu, các nhà nghiên cứu văn hóa đã phản đối kịch liệt. Tỉnh Quảng Ngãi đã rút lui ý định cho phép triển khai hai dự án nói trên.

Thế nhưng, hôm 15/4, một lần nữa, tỉnh Quảng Ngãi lại xới lên hai dự án này bằng một cuộc họp giữa chủ đầu tư với các sở, ngành để xin ý kiến thống nhất chủ trương.

Ý kiến từ các sở, ngành là không đồng ý với việc triển khai dự án điện mặt trời trên đầm An Khê vì nhiều lý do, trong đó có lý do là Bộ Công Thương không đưa vào quy hoạch để làm điện mặt trời tại đây.

Ngoài lý do là sẽ phá vỡ di tích quốc gia đặc biệt này, dự án còn ảnh hưởng trực tiếp đến sinh kế của 300 hộ dân sống nhờ vào nguồn thủy sản trong đầm. Một lần nữa, tỉnh Quảng Ngãi đã gác dự án sang một bên.

Thế nhưng, chỉ 4 ngày sau, tỉnh này lại có văn bản gửi Bộ Công Thương đề nghị bổ sung dự án điện mặt trời ở đầm An Khê vào quy hoạch phát triển điện mặt trời quốc gia!

Trước việc “cố đấm” này của tỉnh Quảng Ngãi, các nhà khoa học lại lên tiếng tại cuộc hội thảo hôm 1/7 ngay bên đầm An Khê. Một lần nữa, ý kiến của các nhà khảo cổ, các nhà nghiên cứu về văn hóa và hệ sinh thái đều không đồng tình với kiến nghị của tỉnh Quảng Ngãi xin Bộ Công Thương bổ sung dự án điện mặt trời tại đầm An Khê.

Vì sao các nhà khoa học thì phản đối dự án điện mặt trời trên đầm An Khê mà tỉnh Quảng Ngãi lại không từ bỏ ý định sẽ triển khai dự án này? Lấy lý do là dự án điện mặt trời tại đầm này sẽ mang lại hiệu quả kinh tế cao với tổng công suất 100 MWp, tỉnh sẽ thu hàng chục tỉ tiền thuế mỗi năm (?) trong khi đầm chỉ là mặt nước chứ không chiếm đất!

Còn chủ đầu tư thì quyết bám đến cùng để mong triển khai dự án vì theo họ, cả hai dự án chỉ chiếm 66 hecta trên tổng diện tích của đầm là trên 347 hecta thì không đáng kể.

Dự án nằm trên mặt đầm, không đền bù giải phóng mặt bằng gì, lợi thế đó khiến các chủ đầu tư không từ bỏ ý định là vậy. Nhưng họ đâu biết, đầm An Khê đã trầm tích trong lòng nó biết bao bí ẩn về một nền văn hóa từ 3.000 năm trước.

Đầm này còn là nơi hội tụ của các loài thủy sinh, nuôi sống 300 hộ dân quanh vùng từ bao đời nay. Nơi đây còn lưu giữ nhiều di tích liên quan đến người tiền sử cho đến nền văn hóa Champa cổ xưa. Các lễ hội như hát sắc bùa, hát bả trạo, đua thuyền, hội lỗ lườn… đậm đặc văn hóa miền biển được người dân quanh đầm gìn giữ và lưu truyền qua nhiều thế hệ.

Dự án điện mặt trời có thể mang lại hàng chục tỉ tiền thu ngân sách của Quảng Ngãi mỗi năm nhưng có những thứ không thể mua bằng tiền được nếu như tỉnh bỏ ngoài tai ý kiến từ các nhà khoa học.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Bom lượn FAB-3000 của Nga.

Chật vật đối phó bom lượn

GD&TĐ - Bom lượn Nga đang là ám ảnh với hệ thống phòng thủ Ukraine dù lực lượng này đang được trang bị những vũ khí đánh chặn tối tân của phương Tây.