Bộ Công Thương yêu cầu rà soát dự án điện mặt trời cả nước

Bộ Công Thương đề nghị các địa phương và EVN rà soát dự án điện mặt trời, đề xuất giải pháp vận hành có hiệu quả nhằm hạn chế cắt giảm nguồn điện đã vận hành.

Dự án điện mặt trời Dầu Tiếng (Tây Ninh) tháng 5/2019. Ảnh: Quỳnh Trần.
Dự án điện mặt trời Dầu Tiếng (Tây Ninh) tháng 5/2019. Ảnh: Quỳnh Trần.

EVN được giao chỉ đạo các đơn vị con lập danh sách với các hệ thống điện mặt trời mái nhà có công suất từ 100 kWp trở lên đã đi vào vận hành, được áp dụng giá FIT tại Quyết định số 13. Đồng thời, xác nhận lại các hệ thống điện này đảm bảo quy định về phát triển, đấu nối, công nhận ngày vận hành, hợp đồng mua bán điện và các quy định khác gửi về Sở Công Thương địa phương trước ngày 11/3.

Bộ cũng yêu cầu EVN đề xuất giải pháp nhằm hạn chế việc cắt giảm nguồn điện mặt trời đã đưa vào vận hành. Tập đoàn cũng được yêu cầu cử đại diện tham gia Đoàn kiểm tra của Bộ Công Thương về vấn đề này. Các thông tin được gửi về trước ngày 12/3.

Các địa phương cũng phải phối hợp với các sở, ngành liên quan để rà soát, đánh giá các dự án điện mặt trời mái nhà. Hôm 5/3, Bộ Công Thương đã thành lập đoàn kiểm tra về phát triển điện mặt trời.

Hồi tháng 2, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã yêu cầu kiểm soát sự phát triển điện mặt trời, không để quá tải lưới điện và gây hậu quả xấu sau này. Ông nhấn mạnh: "Không để điện mặt trời phát triển ồ ạt theo phong trào". Bộ Công Thương được giao chịu trách nhiệm chính, phối hợp với các bên liên quan rà soát tổng thể các dự án điện mặt trời mặt đất, điện mặt trời mái nhà.

Cuối năm ngoái, số liệu của EVN cho biết, tổng công suất nguồn điện trong hệ thống điện quốc gia chưa tính đến điện mặt trời mái nhà đạt trên 62.000 MW, trong đó điện mặt trời trên mặt đất đạt 8.838 MW; điện mặt trời trên mái nhà tham gia cung ứng khoảng 8.000 MW.

Việc phát triển nguồn điện mặt trời mái nhà không được kiểm soát phù hợp với nhu cầu sử dụng, gây khó khăn trong việc vận hành hệ thống điện quốc gia. Nhu cầu sử dụng điện trong năm ngoái cũng bị tác động do ảnh hưởng của Covid-19.

Do đó, từ đầu năm 2021, EVN đã phải xây dựng và thực hiện phương án cắt giảm nguồn điện mặt trời, cũng như nguồn điện năng lượng tái tạo khác trong hệ thống điện quốc gia, có thể gây lãng phí nguồn lực xã hội và tâm lý lo lắng, bức xúc của nhiều nhà đầu tư.

Theo Vnexpress.net

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

TIN BUỒN

TIN BUỒN

GD&TĐ - Gia đình chúng tôi vô cùng thương tiếc báo tin: