Dừng đề xuất các dự án điện mặt trời

Dừng đề xuất các dự án điện mặt trời

Tại thông báo ngày 16/12 của Bộ Công Thương, Thứ trưởng Hoàng Quốc Vượng, cho biết, yêu cầu này để bảo đảm lợi ích nhà đầu tư, chủ đầu tư dự án điện mặt trời theo cơ chế giá cố định (giá FIT) trong bối cảnh chưa có chính sách giá mới cho loại hình năng lượng này sau ngày 30/6 - mốc thời gian quyết định 11 về giá khuyến khích 9,35 cent một kWh hết hiệu lực.

Thứ trưởng Bộ Công Thương cho biết, kết luận của Thủ tướng tại cuộc họp thường trực Chính phủ hồi cuối tháng 11 đã thống nhất biểu giá FIT khuyến khích cho các dự án đã ký PPA (hợp đồng mua bán điện) với Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), đã và đang triển khai thi công và đưa vào vận hành trong năm 2020.

Hiện, Bộ này cùng các bộ, ngành hoàn thiện dự thảo cơ chế mới cho điện mặt trời. Cũng tại kết luận này, Thủ tướng yêu cầu Bộ Công Thương nghiên cứu cơ chế giá đấu thầu cho dự án điện mặt trời. Bộ Tư pháp thẩm định tính pháp lý cơ chế trên. Theo kế hoạch, chiều 18/12, Bộ Tư pháp sẽ họp Hội đồng thẩm định dự thảo Quyết định của Thủ tướng về cơ chế khuyến khích phát triển điện mặt trời tại Việt Nam.

Theo Bộ Công Thương, đã có 135 dự án với tổng công suất 8.935 MW điện mặt trời được bổ sung vào quy hoạch điện lực sau Quyết định 11/2017. Trong số này gần 4.500 MW đã vận hành thương mại, góp phần đảm bảo cung ứng điện cho phát triển kinh tế, xã hội và nhu cầu sinh hoạt người dân.

Trong báo cáo gửi Quốc hội cách đây một tháng, Bộ này cho biết vẫn còn 260 dự án, tổng công suất 28.300 MW chờ được phê duyệt vào quy hoạch. Còn số liệu của EVN, chỉ có 2 dự án được đấu nối, vận hành thương mại sau ngày 30/6. Hiện có 39 dự án đã ký PPA nhưng chưa được vận hành thương mại.

Nói về cơ chế đấu thầu dự án điện mặt trời, ông Nguyễn Hữu Vinh, Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Hà Đô Ninh Thuận cho hay, đấu thầu để đảm bảo mục tiêu minh bạch, công khai là tốt, nhưng mục tiêu trước mắt là phải có điện để sử dụng. Hơn nữa, Luật Đấu thầu quy định, muốn thực hiện đấu thầu, phải có mặt bằng sạch, mà muốn có đất sạch thì phải có quy hoạch.

Bà Hyunjung Lee, chuyên gia kinh tế năng lượng, Ban Năng lượng, Vụ Đông Nam Á, Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) nhận định, việc lựa chọn phương án đấu thầu không phải “cây đũa thần” mang tới phép màu.

Thay vào đó, chuẩn bị mới là công đoạn quan trọng nhất để đảm bảo tính minh bạch của quy trình, cũng như chất lượng các dự án, giúp điện mặt trời và ngành năng lượng tái tạo có bước phát triển bền vững. Kinh nghiệm quốc tế cho thấy, việc áp dụng hình thức đấu thầu giúp nâng cao sức cạnh tranh, từ đó đưa giá điện mặt trời giảm đáng kể so với mức giá mua ưu đãi.

Để có thể có kết quả đấu thầu là giá bán điện thấp thì Nhà nước cần chia sẻ các rủi ro cho nhà đầu tư về hạ tầng sạch, hợp đồng mua bán điện có bảo lãnh Chính phủ về bao tiêu, chuyển đổi ngoại tệ...

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ