Điện Biên: Mô hình trường PTDTNT cần đổi mới để “bắt kịp” xu thế

GD&TĐ - Mô hình trường PTDTNT đã phát huy hiệu quả tích cực ở Điện Biên. Song, hiện nay nhiều trường phải đối mặt với không ít khó khăn, bất cập trong tổ chức, hoạt động, đòi hỏi cần có sự đổi mới để “bắt kịp” xu thế.

Các trường PTDTNT cần sự đổi mới để hoạt động có hiệu quả hơn.
Các trường PTDTNT cần sự đổi mới để hoạt động có hiệu quả hơn.

“6 hơn, 3 đủ” khi đến trường

Bản Chan 1, chỉ cách trung tâm xã Mường Đăng (huyện Mường Ảng) hơn 10km. Song giao thông đi lại hết sức khó khăn. Nơi đây chưa có sóng điện thoại, điện lưới quốc gia.

Trong ngôi nhà le lói ánh đèn pin cuối bản của vợ chồng ông Lý A Dia, gương mặt mừng vui, rạng rỡ của cả gia đình như thắp sáng cả triền núi. Nói vậy bởi cô con gái đầu Lý Thị Vi là nữ sinh viên đầu tiên của bản vùng cao này “bước chân” vào giảng đường đại học, ngành Sư phạm Mầm non, Đại học Sư phạm Thái Nguyên.

Ông Lý A Dia tâm sự: “Khi cháu học hết cấp 2, nhiều người trong bản bảo con gái thì nên để ở nhà lấy chồng, cho đi học cao làm gì. Nhưng tôi vẫn quyết tâm cho con học tiếp lên trường nội trú huyện. Trước mắt thì đến trường, cháu được thầy cô chăm sóc, cuộc sống, điều kiện ăn nghỉ còn tốt hơn ở nhà. Giờ thì gia đình càng tự hào hơn khi cháu đỗ Đại học”.

Ngày nhập trường, Vi một mình lên xe khách xuống Thái Nguyên. Lần đầu xuống thành phố lớn, mọi thứ đều lạ lẫm, Vi có chút choáng ngợp. Nhưng cô bé người Mông nhanh chóng hòa nhập với cuộc sống trong ký túc.

“Từ nhỏ em đã đi học bán trú, rồi nội trú, được thầy cô hướng dẫn nề nếp ăn ở, sinh hoạt tự lập nên khi xuống trường đại học em không bị bỡ ngỡ và bắt nhịp được ngay. Sau khi ổn định, quen môi trường mới em đã tìm được việc làm thêm ngoài giờ lên lớp nên cũng bớt phần nào gánh nặng kinh tế cho bố mẹ mà vẫn đảm bảo việc học”, Vi chia sẻ.

Không chỉ Vi, nhiều năm qua, nhiều cô, cậu bé đồng bào dân tộc thiểu số ở Điện Biên đã “hiện thực hóa” được ước mơ hoặc thay đổi tương lai nhờ “cái nôi” là những ngôi trường nội trú.

Theo đánh giá từ Sở GD&ĐT địa phương, nhiều năm qua, nhờ duy trì và phát huy tốt hoạt động của Trường PTDTNT ở các địa phương mà con em đồng bào các dân tộc thiểu số có thêm cơ hội “tiến xa” hơn trên con đường học tập.

Các trường đã thực hiện hiệu quả phương châm “3 tập trung” (nhà ở tập trung, ăn tập trung và quản lý tập trung), “6 hơn ở nhà” (ăn ngon hơn, vui hơn, an toàn hơn, lao động tốt hơn, ở tốt hơn, học tập tốt hơn) và “3 đủ” (đủ ăn, đủ mặc, đủ sách vở).

Con em đồng bào các dân tộc thiểu số có điều kiện học tập, sinh hoạt tốt hơn trong các trường nội trú.
Con em đồng bào các dân tộc thiểu số có điều kiện học tập, sinh hoạt tốt hơn trong các trường nội trú.

“Ở trường nội trú, học sinh được trực tiếp hưởng các chế độ đãi ngộ của Nhà nước, như: hỗ trợ học phí, tiền ăn, ở, chi phí học tập… nên cuộc sống tốt hơn. Từ đó các em yên tâm tập trung học tập. Còn trong thực hiện nhiệm vụ của ngành, nếu không có mô hình nội trú thì việc huy động học sinh tiếp tục theo học lên THPT là hết sức khó khăn, do cả nhận thức và điều kiện kinh tế của đồng bào còn hạn chế”, ông Nguyễn Văn Đoạt, Giám đốc Sở GD&ĐT Điện Biên cho hay.

Bất cập trong tổ chức, hoạt động

Những hiệu quả tích cực từ mô hình trường nội trú là thấy rõ, tuy nhiên trên thực tế đã có nhiều thay đổi mà cơ chế, chính sách của thông tư cũ chưa theo kịp khiến nhiều trường DTNT gặp khó trong quá trình tổ chức, hoạt động.

Theo thầy Vũ Xuân Hồng, Phó Hiệu trưởng Trường PTDTNT huyện Điện Biên Đông, đối với các trường PTDTNT bậc THPT, nếu chỉ tuyển sinh từ các xã có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn thì không đủ chỉ tiêu được giao vì số lượng học sinh dự tuyển ít.

Bên cạnh đó, Thông tư số 109/2009/TTLT/BTC-BGDĐT ngày 29/5/2009 của Bộ Tài chính và Bộ GD&ĐT quy định học sinh nội trú được hưởng học bổng chính sách bằng 80% mức lương tối thiểu của Nhà nước và được hưởng 12 tháng trong năm. Tuy nhiên, quy định này đã không còn phù hợp với hiện tại.

“Hiện nay, số tiền này rất khó khăn cho việc phân bổ chế độ ăn uống và chi trả lại cho học sinh sinh hoạt phí hàng ngày do trượt giá. Các mặt hàng, nhất là thực phẩm đều gia tăng. Vì vậy, trường mong muốn Chính phủ và các bộ, ngành xem xét điều chỉnh nâng mức học bổng lên để có thể đảm bảo nhu cầu dinh dưỡng cho học sinh”, thầy Hồng tâm sự.

Việc bố trí nhân viên chăm sóc, nuôi dưỡng học sinh tại các trường nội trú đang gặp khó khăn.
Việc bố trí nhân viên chăm sóc, nuôi dưỡng học sinh tại các trường nội trú đang gặp khó khăn.

Theo thầy Vũ Trung Hoàn, Hiệu trưởng Trường PTDTNT tỉnh Điện Biên, quy định “Mỗi lớp có không quá 35 học sinh” sẽ gây khó khăn cho một số trường nội trú, nhất là ở cấp huyện khi thực hiện.

Nhất là từ năm học 2022-2023, khi thực hiện chương trình phổ thông mới, ngoài các môn và hoạt động giáo dục bắt buộc, học sinh được chọn môn lựa chọn theo nhóm 3 môn học (KHXH, KHTN, Công nghệ - nghệ thuật).

“Mặc dù khi tuyển sinh cần phải căn cứ vào nguyện vọng của học sinh và điều kiện thực tế của trường để xây dựng Kế hoạch, song các nhà trường sẽ rất khó khăn trong việc xếp học sinh vào các lớp học để đảm bảo quy định trên. Thực tế sẽ có những lớp ít hơn 35 học sinh, có lớp lại nhiều hơn, nhưng tỷ lệ trung bình thì vẫn đảm bảo 35 học sinh/lớp”, thầy Hoàn lý giải.

Mặt khác, hằng năm vì nhiều lý do, các trường PTDTNT đều giảm một số lượng học sinh nhất định. Nếu thực hiện theo quy định trên thì khó tăng được số lượng học sinh người dân tộc thiểu số vào học các trường PTDTNT. Chỉ tăng được bằng cách là mở thêm lớp. Do vậy, theo thầy Hoàn chỉ nên quy định tỷ lệ trung bình học sinh/lớp là: 35, đảm bảo tổng số học sinh/trường theo Kế hoạch giao chỉ tiêu hàng năm của cơ quan quản lý trực tiếp.

Cô Vũ Thị Hồng Hà, Trường PTDTNT tỉnh Điện Biên cho biết, giáo viên chủ nhiệm ở trường PTDTNT ngoài nhiệm vụ như ở trường phổ thông thông thường thì còn phải thực hiện rất nhiều nhiệm vụ đặc thù khác. Trong khi, hiện nay số tiết được giảm trừ áp dụng chung là 4 tiết/tuần.

“Tôi cho rằng áp dụng mức giảm trừ chung là chưa phù hợp. Bởi vậy, tôi mong muốn tăng số tiết giảm trừ cho giáo viên chủ nhiệm các trường PTDTNT lên 6 tiết/tuần, để có nhiều thời gian bố trí, sắp xếp cho chăm sóc, quản lý học sinh nội trú”, cô Hà chia sẻ.

Nhiều Trường PTDTNT địa phương này cũng cho rằng, hiện nay việc bố trí nhân viên chăm sóc, nuôi dưỡng học sinh đang gặp khó khăn vì không giao biên chế, không có quy định định mức cụ thể trong công tác nuôi dưỡng học sinh. Từ đó ảnh hưởng đến nguồn kinh phí chi thường xuyên của đơn vị.

Bởi vậy, các trường đề xuất bỏ “quy định nhân viên nuôi dưỡng trong trường PTDTNT”. Sửa đổi, bổ sung thành “Trường PTDTNT tổ chức bữa ăn cho học sinh bằng hình thức hợp đồng hoặc thuê khoán để tổ chức bữa ăn cho học sinh nội trú”.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ