Đóng cửa trường nhưng không thể dừng chi tiêu
Dịch bệnh khiến hàng loạt đơn vị sản xuất, kinh doanh phải điêu đứng. Kinh doanh trong lĩnh vực giáo dục không ngoại lệ.
Tại tỉnh Điện Biên hiện có 3 trường và hơn 10 nhóm trẻ mầm non ngoài công lập đăng ký hoạt động. Năm 2021, các đợt dịch bùng phát khiến các cơ sở này liên tục phải đóng cửa trường. Không đón nhận học sinh, tức là không có nguồn thu, song theo nhiều cơ sở thì họ không thể dừng chi tiêu.
Nhóm trẻ Mầm non Việt - Mỹ Montessori (phường Mường Thanh) bình quân tiếp nhận trên dưới 70 trẻ theo học, với 18 giáo viên, nhân viên. Theo bà Bùi Thị Ngân, Chủ cơ sở cho biết: Từ đầu năm 2021 đến nay, do ảnh hưởng của dịch bệnh, đơn vị đã phải đóng cửa hơn nửa thời gian giảng dạy.
“Thời gian này buộc chúng tôi phải cho giáo viên tạm nghỉ. Để đảm bảo cuộc sống, họ phải chuyển sang làm shiper (giao hàng), về nhà làm nông nghiệp… chờ dịch bệnh qua để quay trở lại làm việc. Nhưng với tình hình này thì không biết bao giờ chúng tôi mới mở cửa ổn định trở lại”, bà Ngân cho hay.
Cũng theo bà Ngân, giáo viên gặp khó khăn, còn cơ sở thì “điêu đứng” bởi các khoản chi tiêu phát sinh, như: lãi ngân hàng, địa điểm, bảo hiểm nhân viên...
“Chúng tôi phải vay vốn để đầu tư cơ sở vật chất, địa điểm cũng đi thuê. Giờ dừng hoạt động ngày nào là không có nguồn thu ngày đó, nhưng các khoản tiền phát sinh thì vẫn phải trả. Chưa tính khoản lãi ngân hàng, chỉ tính riêng tiền thuê địa điểm 1 năm đã 400 triệu đồng rồi. Năm trước chủ địa điểm giảm cho được 1,5 tháng, năm nay thì chưa thấy gì nhưng chúng tôi cố gắng lắm cũng mới trả được đến tháng 9”, bà Ngân than thở.
Nhóm trẻ Ban Mai Xanh (phường Tân Thanh) hiện có quy mô nhỏ hơn, chỉ duy trì từ 1 – 2 lớp, với 3 giáo viên/lớp. Tuy nhiên, việc nghỉ dịch kéo dài cũng khiến chủ cơ sở và giáo viên gặp nhiều khó khăn.
“Để đảm bảo các yêu cầu của một điểm nuôi dạy trẻ, phải đầu tư rất nhiều. Trong khi đó, chúng tôi mới đầu tư đã liên tiếp phải đóng cửa vì dịch bệnh nên gặp nhiều khó khăn về kinh tế. Còn về giáo viên thì mất việc làm, không biết xoay sở như thế nào”, bà Trần Thị Thơm, chủ cơ sở chia sẻ.
Cần nguồn “Quỹ phúc lợi”
Bà Bùi Thu Huyền, Chủ tịch Công ty TNHH Leading cho biết: “Trong những tháng dịch bệnh bùng phát, phải tạm dừng hoạt động, hàng chục lao động của Công ty phải ngừng việc. Thời gian đầu, chúng tôi vẫn hỗ trợ người lao động phần nào nhưng dịch bệnh liên tiếp diễn ra khiến chính công ty cũng gặp khó khăn”.
Năm 2020, Leading là cơ sở mầm non tư thục duy nhất tại Điện Biên tiếp cận gói vay 7.500 tỷ đồng, theo Nghị quyết số 42/NQ-CP của Chính phủ, với tổng số tiền gần 90 triệu đồng, qua 2 lần giải ngân cùng với mục đích là trả lương ngừng việc cho người lao động.
Tuy nhiên, theo bà Huyền, số tiền vay chỉ giải quyết được khó khăn trước mắt, trả lương cho người lao động tại thời điểm đó. Khi hoạt động công ty liên tục đình trệ, nợ mới lại phát sinh trong khi nợ cũ chưa trả được, nên không thể vay thêm.
Còn theo bà Trần Thị Thơn, trường ngoài công lập quy mô lớn mới có thể vay. Đối với những nhóm trẻ quy mô nhỏ, lẻ như Ban Mai Xanh thì khó tiếp cận. Hơn thế, số tiền vay được không đáng kể, không đủ giải quyết các khó khăn trước mắt.
Theo bà Ngân, Chủ Nhóm trẻ Mầm non Việt - Mỹ Montessori, thì điều họ cần hơn cả không phải là vay vốn, hay giãn nợ thuế, bảo hiểm, mà là những chính sách hỗ trợ, đồng hành mang tính dài hơi.
“Mặc dù chúng tôi là đơn vị kinh doanh, song là kinh doanh đặc thù. Vì thế, chúng tôi rất mong muốn Chính phủ, Bộ GD&ĐT xem xét có chính sách hỗ trợ đối với cơ sở và cả học sinh phần nào so với trường công. Trên cơ sở đó, chúng tôi tạo dựng và duy trì nguồn “Quỹ phúc lợi”. Đây là tiềm lực để cơ sở cùng người lao động có thể vượt qua khó khăn trong các trường hợp xảy ra dịch bệnh, thiên tai”, bà Ngân nói.
“Bài tuyên truyền thực hiện Nghị quyết 84/NQ-CP ngày 29/5/2020 của Chính phủ"