Diễn biến của bão số 6 còn phức tạp

Diễn biến của bão số 6 còn phức tạp

(GD&TD)-Chiều 2/10, Ban chỉ đạo Phòng chống lụt bão Trung ương, Ủy ban Quốc gia Tìm kiếm cứu nạn đã có Công điện số 36/CĐ-VPTW đề nghị Ban Chỉ huy phòng chống lụt bão và Tìm kiếm cứu nạn các tỉnh, thành phố ven biển từ Thanh Hóa đến Phú Yên; các Bộ Công an, Giao thông Vận tải, Công thương, Ngoại giao triển khai công tác đối phó với cơn bão số 6.

Tu bổ đê điều phòng chống lũ, bão (ảnh MH)
Tu bổ đê điều phòng chống lũ, bão (ảnh MH)

Công điện viết: Bão số 6 (tên quốc tế là Nalgae) với sức gió vùng gần tâm bão mạnh cấp 12, giật cấp 13, cấp 14 đang di chuyển về phía bờ biển Việt Nam. Trong một vài ngày tới, bão sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến vùng ven biển; bão có thể gây gió mạnh, mưa to đến rất to. Diễn biến của bão còn phức tạp.

Để chủ động đối phó với diễn biến của bão, Ban Chỉ đạo phòng chống lụt bão Trung ương – Ủy ban Quốc gia tìm kiếm cứu nạn yêu cầu Ban Chỉ huy PCLB và TKCN các tỉnh, thành phố, các Bộ, ngành:

1. Thông báo cho chủ các phương tiện, tàu thuyền hoạt động trên biển biết vị trí, hướng di chuyển và diễn biến của bão để chủ động phòng tránh; kiểm đếm, nắm chắc số lượng tàu thuyền đang hoạt động trên biển (nhất là các tàu thuyền hoạt động xa bờ); hướng dẫn phương tiện, tàu thuyền để không đi vào, thoát ra khỏi vùng nguy hiểm hoặc về nơi tránh, trú bão an toàn (vùng nguy hiểm trong 24 giờ tới được xác định là vùng biển phía bắc vĩ tuyến 14); kiểm soát tàu thuyền ra khơi, tổ chức neo đậu cho tàu thuyền trong các khu tránh trú bão đảm bảo an toàn.

2. Chủ động kiểm tra đê điều, hồ đập (nhất là các hồ đập vừa và nhỏ, các hồ đã bị sự cố), công trình đang thi công để có biện pháp đảm bảo an toàn; rà soát phương án, chuẩn bị lực lượng, phương tiện sẵn sàng sơ tán dân cư ở các khu vực nguy hiểm (vùng thấp trũng ven biển, cửa sông, vùng có nguy cơ cao xảy ra ngập lụt, sạt lở đất, lũ quét). Thực hiện phương châm “4 tại chỗ” để chủ động xử lý tình huống khi bão mạnh đổ bộ vào bờ.

3. Duy trì lực lượng, phương tiện cứu hộ, cứu nạn để sẵn sàng ứng cứu khi có yêu cầu.

4. Tổ chức trực ban nghiêm túc, thường xuyên theo dõi diễn biến của bão, lũ và báo cáo về Ban Chỉ đạo phòng chống lụt bão Trung ương và Uỷ ban Quốc gia Tìm kiếm cứu nạn.

Theo Trung tâm dự báo khí tượng thủy văn Trung ương: Trong khi đó, lũ vùng đầu nguồn sông Cửu Long, Đồng Tháp Mười (ĐTM) và Tứ Giác Long Xuyên (TGLX) đang dao động ở mức đỉnh và ở mức lũ đặc biệt lớn, một số nơi đã vượt đỉnh lũ lịch sử. Dự báo, trong 1-2 ngày tới, lũ vùng đầu nguồn nguồn sông Cửu Long, Đồng Tháp Mười và Tứ Giác Long Xuyên tiếp tục dao động ở mức đỉnh sau đó xuống dần nhưng vẫn ở mức rất cao. Đến ngày 6/10, mực nước cao nhất ngày tại Tân Châu xuống mức 4,8m (trên BĐ3: 0,3m), tại Châu Đốc xuống mức 4,2m (trên BĐ3: 0,2m), các trạm chính vùng ĐTM&TGLX ở mức BĐ2-BĐ3, trên sông Vàm Cỏ Tây tại Mộc Hóa ở mức 2,4m (BĐ3). Cần chủ động phòng chống lũ đặc biệt lớn, ngập sâu ở vùng đầu nguồn và Đồng Tháp Mười, Tứ Giác Long Xuyên.

Tại An Giang, đến sáng ngày 2/10, lũ làm ngập 200 km lộ giao thông và 20.183 m2 đất bờ sông, cụm tuyến dân cư bị sạt lở cùng với các tuyến đê bị vỡ đã phát sinh nâng mức thiệt hại lên 13.656 căn nhà bị ngập, siêu vẹo do nước lũ, bị sạt lở và nằm trong khu vực đồng trống; cần phải di dời khẩn trương 708 hộ ra khỏi vùng nguy hiểm và 94 căn nhà cần được kê kích. Lũ còn làm ngập 404 ao cá (trên 101 ha) gây mất trắng 10 tấn cá thịt và 3,347 triệu con cá giống; đồng thời, đến thời điểm này còn có trên 4.039 ha lúa và màu bị mất trắng. Theo thống kê chưa đầy đủ, hiện nay tỉnh An Giang có 6.041 hộ có nhu cầu được hỗ trợ về lương thực và phương tiện mưu sinh. An Giang tập trung mở rộng phạm vi 9/11 huyện, thị xã, thành phố tổ chức 44 điểm giữ trẻ cho nhân dân yên tâm mưu sinh trong mùa lũ. Hiện đang huy động lực lượng gia cố, tôn cao 396 km đê bao ở các xã Đa Phước (huyện An Phú), Ô Long Vĩ, Bình Mỹ, Bình Long, Bình Phú, Mỹ Đức (Châu Phú), Vĩnh Hanh, Bình Hòa, Vĩnh Nhuận (Châu Thành). Tuyến đê Bắc Đồng Tân tại xã Mỹ Hội Đông (Chợ Mới) vỡ ngày 27/9 đã được khắc phục an toàn đang tiếp tục gia cố và bơm nước tại tiểu vùng Vĩnh Lợi 1, K30/4 - Kênh Trà Sư (Tịnh Biên) bị vỡ ngày 28/9 để cứu 200 ha lúa bị ngập nước .

Tại tỉnh Đồng Tháp, nước lũ hiện đang tiếp tục lên tại khu vực phía Bắc và vùng Đồng Tháp Mười của tỉnh với mức độ từ 2-8 cm/ngày; trong khi đó, khu vực các huyện phía nam lũ xuống chậm. Nhận định trong 5 ngày tới, mực nước khu vực đầu nguồn sông Tiền sẽ biến đổi chậm, sau đó xuống dần. Tại vùng Đồng Tháp Mười, nước tiếp tục lên từ 2 - 6 cm/ngày trong vài ngày tới. Toàn tỉnh có gần 7000 km đường giao thông nước tràn qua gây sạt lở mái, hư mặt đường; trong đó, tuyến quốc lộ 0,6 km, tỉnh lộ 3,3 km, 24 cầu cống bị hư hỏng. Có 5.565 nhà dân bị ngập nước, di dời được 375 hộ, 54 nhà bị sập, cuốn trôi. Tin từ PCLB&TKCN tỉnh, đã phát hiện 1 xác chết trôi sông tại thủy phận ấp Long Tả, xã Long Khánh A, huyện Hồng Ngự; nạn nhân là nam giới, khoảng 35 tuổi, chưa xác định danh tính. Như vậy, tại các huyện đầu nguồn, đã có ít nhất 2 trường hợp tử vong trong mùa lũ năm nay. Do nước lũ dâng cao đã gây sạt lỡ nhiều đoạn bờ bao bảo vệ lúa thu đông; các đê bao bảo vệ lúa chỉ còn cao hơn mặt nước lũ từ 0,1 – 0,3 m, nhiều đoạn đê đang bị sạt lở mái và nước rò rỉ qua thân đê, cống. Nhiều diện tích nông nghiệp bị mất trắng như lúa thu đông 720 ha; hoa màu 18 ha ; thủy sản bị thiệt hại 370 ha. Vườn cây ăn trái bị ngập trên 1000 ha (91 ha thiệt hại 100%); nuôi trồng thủy sản bị thiệt hại 169,5 ha... Chính phủ vừa hỗ trợ tỉnh Đồng Tháp 25 tỷ đồng để khắc phục mưa lũ; đồng thời, tỉnh cũng chủ động sử dụng ngân sách dự phòng của địa phương và huy động các nguồn tài chính hợp pháp khác để hỗ trợ, tập trung khắc phục thiên tai.

Đức Nguyên

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Hình ảnh minh họa về Hạng A Cháng do AI tạo ra. Ảnh minh họa: TG

Hai mặt của trí tuệ nhân tạo

GD&TĐ - Trí tuệ nhân tạo (AI) đang dần trở thành một công cụ hỗ trợ mạnh mẽ trong nhiều lĩnh vực, đặc biệt là giáo dục.