Trao đổi bên lề Hội nghị trực tuyến Tổng kết năm học 2020 - 2021, triển khai nhiệm vụ năm học 2021 - 2022 diễn ra ngày 28/8, ông Vừ A Bằng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Điện Biên cho rằng địa phương gặp nhiều trở ngại trong tổ chức hoạt động giáo dục.
Theo ông Vừ A Bằng, với đặc thù là tỉnh miền núi, điều kiện tổ chức và triển khai các hoạt động kinh tế xã hội, đảm bảo quốc phòng an ninh hạn chế đã khiến công tác tổ chức hoạt động giáo dục gặp nhiều trở ngại.
Điện Biên đang phải đối mặt mới thực trạng mặc dù tỉ lệ huy động dân số trong độ tuổi ra lớp (đặc biệt là cấp học mầm non) tăng hằng năm, nhưng số lượng người làm việc được giao lại giảm, trung bình 1,7%/năm.
Năm học 2021-2022, theo định mức số lượng người làm việc toàn ngành còn thiếu trên 1.600 giáo viên, trong đó giáo viên mầm non thiếu gần 1.200 (chiếm gần 72%). Vẫn còn 12,3% học sinh khối lớp 3, 4, 5 chưa được học tiếng Anh tự chọn và Đề án ngoại ngữ 2020. Trong khi địa phương gặp khó về nguồn tuyển giáo viên tiếng Anh.
”Mặc dù theo một số ý kiến tại hội nghị thì thấy đây là thực trạng chung của nhiều địa phương, song với tiềm lực của Điện Biên thì rất khó để tự giải quyết. Chúng tôi cũng đã lên nhiều giải pháp, phương án để khắc phục hạn chế này. Nhưng đi cùng với đó thì cơ sở vật chất, thiết bị dạy học... phải đáp ứng” – ông Bằng cho hay.
Do nguồn lực đầu tư còn hạn chế nên cơ sở vật chất, thiết bị trường học chưa đáp ứng được nhu cầu phát triển về quy mô, yêu cầu đổi mới Sách giáo khoa và thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông 2018; số phòng học tạm tại các cơ sở giáo dục mầm non còn cao (Mường Ảng 18,3%; Mường Chà 13,5%...).
Một số trường học có nhiều điểm lẻ, nằm rải rác, giao thông cách trở. Ở các trường này vẫn còn thiếu các điều kiện cơ sở vật chất, điện, nước sinh hoạt... Thực trạng trên đã dẫn đến khó khăn trong huy động trẻ ra lớp và tạo nhiều áp lực cho giáo viên, nhất là bậc học mầm non, những lớp chỉ bố trí được 1 giáo viên/lớp.
Năm học 2021 - 2022, Điện Biên đã đề ra 9 nhiệm vụ trọng tâm và 5 nhóm giải pháp cụ thể. Bên cạnh sự chủ động, linh hoạt của địa phương, ông Vừ A Bằng cũng cho rằng rất cần sự quan tâm của Chính phủ, cũng như các Bộ, ngành cả về nguồn lực và cơ chế chính sách.
Đặc biệt là các giải pháp gỡ khó về đội ngũ giáo viên, chính sách hỗ trợ cán bộ, giáo viên, nhân viên công tác tại trường phổ thông có học sinh bán trú và tại các điểm trường lẻ. Địa phương này cũng mong muốn Bộ GD&ĐT xem xét, đề xuất Chính phủ tháo gỡ vướng mắc trong triển khai thực hiện Nghị định 120/2020/NĐ-CP của Chính phủ.