Diễn biến bão số 3 (Yagi): Tan hoang trước hung thần đến từ biển

GD&TĐ - Các tỉnh: Phú Thọ, Yên Bái, Lào Cai, Sơn La, Thái Nguyên… vẫn đang hứng chịu những trận mưa lớn không ngớt, ngập lụt, sạt lở, sập cầu, người chết…

Lực lượng chức năng Hà Nội khắc phục cây đổ, gãy sau bão.
Lực lượng chức năng Hà Nội khắc phục cây đổ, gãy sau bão.

Bão số 3 (Yagi) sau khi gây thiệt hại nặng nề cho Quảng Ninh, Hải Phòng, Hà Nội, nó tiếp tục dìm các tỉnh miền núi, trung du Bắc Bộ, gây thiệt hại nặng nề về người và tài sản.

Các tỉnh như: Phú Thọ, Yên Bái, Lào Cai, Sơn La, Thái Nguyên… vẫn đang hứng chịu những trận mưa lớn không ngớt, ngập lụt, sạt lở, sập cầu, người chết… Sự kinh hoàng từ cơn bão mang tên loài vật hiền lành vẫn đang tiếp diễn.

Yên Bái chìm trong biển nước, người dân trắng đêm canh lũ

9/9 huyện của tỉnh Yên Bái chịu ảnh hưởng do cơn bão số 3 tác động. Những cơn mưa trắng trời liên tục đổ xuống, nước tại các con sông dâng cao nhanh chóng, có nhiều nơi tại TP Yên Bái ngập sâu đến 4 mét.

Nhiều con đường bỗng chốc hóa thành sông, cánh đồng của người dân hóa thành biển nước mênh mông. Rất nhiều thiệt hại cả về người lẫn tài sản đã được ghi nhận tại địa phương này.

Theo báo cáo nhanh của Ban Chỉ huy PCTT&TKCN tỉnh Yên Bái đến sáng 9/9 bão số 3 làm 3 người chết do sạt lở đất và 4 người bị thương. Nạn nhân tử vong gồm: Cháu Sùng Thị T., 10 tuổi, thôn Suối Lót, xã Suối Giàng, huyện Văn Chấn; ông Nguyễn Văn Kim, 69 tuổi, thôn 10, xã Động Quan, huyện Lục Yên; cháu Năng Văn An, 7 tuổi, thôn Nà Nọi, xã Liễu Đô, huyện Lục Yên, tỉnh Yên Bái.

Mưa bão gây thiệt hại 3.103 ngôi nhà. Đặc biệt, từ 18 giờ 30 phút ngày 8/9 tại thành phố Yên Bái, nước sông Hồng dâng cao trên báo động 3 đã gây ngập úng lớn, chia cắt nhiều thôn, tổ, hộ gia đình.

Trong đó 2.400 hộ bị ảnh hưởng đã phải di dời tạm thời để bảo đảm an toàn. Tổng diện tích cây trồng bị thiệt hại, ảnh hưởng là 1.022,86 ha. Toàn tỉnh đã có 325 gia cầm và 4 gia súc bị chết. Ước thiệt hại do mưa bão gây ra khoảng 19 tỷ đồng.

Đêm 8/9 rạng sáng 9/9, hơn 500 cán bộ, chiến sĩ lực lượng vũ trang (công an, quân đội, dân quân tự vệ) túc trực 24/24 giờ cùng với xuồng máy, cano, các phương tiện chuyên dụng nỗ lực hỗ trợ người dân chuyển đồ đạc đến nơi cao và di dời người già, trẻ nhỏ đến nơi an toàn.

Ở những vùng bị chia cắt, lực lượng công an đều bố trí cán bộ 24/24 giờ làm nhiệm vụ cảnh giới, không cho người dân đi qua để đảm bảo an toàn. Tại các điểm bị ngập, lực lượng công an cùng với nhân dân đã có một “đêm trắng” chạy đua với lũ dữ nhằm giảm thiệt hại về tính mạng, tài sản cho nhân dân ở mức thấp nhất.

Nhiều người già yếu, neo đơn được lực lượng công an phối hợp với cấp ủy, chính quyền địa phương đưa đến trụ sở UBND phường để chăm sóc, hỗ trợ nhu yếu phẩm và y tế khi cần thiết. Tại các huyện như Văn Yên, Lục Yên, lực lượng chức năng cũng xuyên đêm giúp người dân sơ tán khẩn cấp khỏi nơi nguy hiểm.

Công bố tình huống khẩn cấp về thiên tai

Do chịu ảnh hưởng hoàn lưu bão số 3, từ đêm 7/9 - 9/9 trên địa bàn tỉnh Lào Cai có mưa, mưa vừa, có nơi mưa to đến rất to trên diện rộng gây ngập úng, sạt lở đất ở nhiều địa phương trong tỉnh.

Theo thống kê, tại Lào Cai đã có 7 người chết, 8 người mất tích, 9 người bị thương (do sạt lở); 65 nhà ở bị ảnh hưởng, thiệt hại (Sa Pa 19 nhà, Bảo Thắng 13 nhà, Văn Bàn 18 nhà, Bắc Hà 15 nhà); hơn 248 ha sản xuất nông nghiệp bị ảnh hưởng, thiệt hại thuộc các huyện Văn Bàn, Bảo Thắng, Bảo Yên. Ngoài ra, nhiều vị trí thuộc các tuyến quốc lộ, tỉnh lộ, huyện lộ bị sạt lở; một số công trình thủy lợi tại huyện Văn Bàn bị hư hỏng…

Trước tình hình trên, ngày 9/9, ông Trịnh Xuân Trường - Chủ tịch UBND tỉnh Lào Cai ra quyết định công bố tình huống khẩn cấp về thiên tai. Chủ tịch UBND tỉnh Lào Cai yêu cầu, các địa phương rà soát những hộ dân đang sinh sống trong vùng nguy cơ bị ảnh hưởng do sạt lở đất, lũ ống, lũ quét để có phương án di chuyển kịp thời.

Đồng thời chỉ đạo quyết liệt phương án sơ tán, di dời những hộ, cá nhân đang sinh sống tại khu vực nguy hiểm, khu vực có nguy cơ trượt sạt lở đất, lũ ống, lũ quét đến nơi an toàn.

Bão số 3 cũng mang đến sự kinh hoàng cho người dân tại tỉnh Sơn La; khiến gần 400 ngôi nhà bị ảnh hưởng; 1 người chết. Tại các huyện: Mường La, Mộc Châu, Vân Hồ, Phù Yên và Bắc Yên mưa lũ đã gây ảnh hưởng tới 380 ngôi nhà.

Trong đó, phải di dời khẩn cấp 62 nhà; 18 nhà tốc mái, 106 nhà bị ngập, 1 nhà có nguy cơ sập; 45 hộ bị ảnh hưởng có nguy cơ mất an toàn và 46 nhà có nguy cơ sạt lở; gây sụt lún 11 nhà.

Mưa lớn còn gây ngập úng đến nhiều diện tích hoa màu của bà con. Mưa bão gây ngập lụt 14 vị trí và sạt lở, tắc đường 55 điểm trên các tuyến quốc lộ, tỉnh lộ, đã thông xe tạm thời 25 vị trí; sạt lở taluy dương, sa bồi mặt đường, cống, rãnh với tổng khối lượng 66.402 m3 đất đá tại 434 vị trí và làm 1 thuyền máy bị chìm…

Ông Hoàng Quốc Khánh - Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Sơn La cho biết: Ngay sau khi mưa lũ xảy ra, tỉnh đã chỉ đạo các địa phương huy động lực lượng quân đội, công an, dân quân và nhân dân, với phương châm “4 tại chỗ”, hỗ trợ hộ gia đình có người chết và hỗ trợ các hộ dân bị thiệt hại khắc phục hậu quả. Đồng thời, tỉnh cũng chỉ đạo UBND các huyện bị ảnh hưởng mưa lũ di dời người, tài sản các hộ bị sạt lở, có nguy cơ sạt lở đến nơi ở an toàn.

Trước tình hình mưa bão diễn biến phức tạp, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Sơn La yêu cầu các địa phương cần chủ động xây dựng kế hoạch và phương án cụ thể, chi tiết để chủ động ứng phó với các tình huống có thể xảy ra.

Cùng với đó tổ chức kiểm tra, xây dựng phương án đề phòng, xử lý sạt lở đất đá ở các khu vực dân cư, các vị trí ngập gây ách tắc giao thông. Xây dựng phương án huy động phương tiện đáp ứng yêu cầu ứng phó thiên tai và sơ tán nhân dân khi có yêu cầu...

Theo thông tin từ Đài Khí tượng Thủy văn tỉnh Thái Nguyên, ảnh hưởng của mưa lớn do hoàn lưu bão số 3, vào hồi 10 giờ ngày 9/9 lũ trên sông Cầu tiếp tục lên, tại trạm thủy văn Gia Bẩy mực nước lũ đã cao hơn 12cm so với cơn lũ lịch sử năm 1959. Địa phương huy động lực lượng hỗ trợ di dời khoảng 50 hộ dân, với khoảng 200 nhân khẩu ra khỏi tòa nhà A3 của chung cư Tiến Bộ sang tòa nhà đối diện.

Trận lũ lịch sử đã gây ngập úng cục bộ, chia cắt một số khu vực trên địa bàn thành phố Thái Nguyên, thành phố Phổ Yên… Về nhà ở: 2.233 hộ phải di dời khẩn cấp, 206 nhà bị tốc mái; 21 điểm trường bị ảnh hưởng; 1 nhà văn hóa bị hư hỏng.

Về nông nghiệp: 3.512,7 ha lúa và hoa màu; 70,5 ha cây lâm nghiệp; 4 ha cây ăn quả bị ảnh hưởng. Về chăn nuôi phải di dời nhiều vật nuôi, chuồng trại bị tốc mái, hư hỏng. Về giao thông 31 điểm sạt lở…

Ông Trịnh Việt Hùng - Bí thư Tỉnh ủy Thái Nguyên chỉ đạo UBND tỉnh tiếp tục tăng cường phối hợp với các địa phương ở thượng nguồn sông Cầu để công tác dự báo được sớm và sát với thực tế, trường hợp cần thiết khẩn trương liên hệ với Ban Chỉ đạo Phòng, chống thiên tai quốc gia để cử chuyên gia có kinh nghiệm về hỗ trợ tỉnh ứng phó và khắc phục hậu quả lũ lụt. Ông Nguyễn Huy Dũng, Chủ tịch UBND tỉnh Thái Nguyên yêu cầu các cơ quan chức năng tích cực, chủ động triển khai nhiệm vụ theo kế hoạch.

Các địa phương, đơn vị xác định rõ nguyên tắc “tính mạng con người là trên hết” trong lãnh đạo chỉ đạo các biện pháp ứng phó với mưa lớn, lũ và ngập lụt, đảm bảo an toàn hệ thống đê điều trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên.

dien bien bao so 3 Yagi tan hoang truoc hung than den tu bien (2).jpg
Nhà ông Đặng Văn Sơn, xã Nậm Lúc (Bảo Hà, Lào Cai) bị sập hoàn toàn.
dien bien bao so 3 Yagi tan hoang truoc hung than den tu bien (5).jpg
Lực lượng chức năng Yên Bái trắng đêm cùng người dân sơ tán người và tài sản trong mưa lũ.

Đứng dậy sau cú tấn công của bão dữ

Quảng Ninh là địa phương hứng chịu cú tấn công đầu tiên của bão dữ. Hàng nghìn ngôi nhà tại tỉnh này bị tốc mái, cửa kính tại các khu chung cư bị gió lốc thổi bay, đổ vỡ, tàu chìm, tài sản người dân bị cuốn trôi ra biển… Tất cả tạo nên khung cảnh tan hoang.

Sự kinh hoàng hằn rõ trên khuôn mặt của người dân nơi đây. Ngay sau khi bão đi qua, tỉnh Quảng Ninh đã huy động cả hệ thống chính trị vào cuộc để khắc phục hậu quả. Ngày 9/9, dọc các tuyến đường, khu dân cư, trường học, trụ sở cơ quan… vẫn đang được dọn dẹp.

Dọc tuyến Quốc lộ 18A từ TP Cẩm Phả đến TP Hạ Long, cây xanh được xếp thành từng đống chờ vận chuyển đi. Đang kéo cành cây xếp gọn ra ngoài, anh Phạm Văn Nam, chủ một nhà hàng ở khu du lịch Bãi Cháy, TP Hạ Long nói, chưa bao giờ chứng kiến cơn bão nào khủng khiếp như bão số 3.

“Trưa 7/9, gió giật rất mạnh trong nhiều giờ kèm mưa lớn, cửa hàng của gia đình bị gió quật đổ toàn bộ phía trước. Hệ thống cửa kính, bể cá, bàn pha chế, các tấm biển quảng cáo bị hư hỏng”, anh Nam nhớ lại. Anh Nam cho biết, lúc đó sợ quá cả nhà liền chạy vào một góc nhà ngồi. Khi bão tan mới dám ra ngoài thì nhìn thấy khung cảnh tan hoang mà ứa nước mắt. Cả dãy phố như đống đổ nát.

2 người chết, 40 người bị thương; các công trình công cộng, hạ tầng giao thông, cây xanh… tan hoang, xác xơ là bức tranh sơ lược sau khi bão số 3 tấn công thành phố Hoa phượng đỏ. Ám ảnh, kinh hoàng, nhưng không gục ngã, sau bão tan người dân Hải Phòng đứng dậy, cùng các lực lượng chức năng dốc sức khắc phục hậu quả.

Sáng 9/9, theo thông tin của Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn TP Hải Phòng, tình hình thiệt hại ở mức rất lớn, hiện, các đơn vị chức năng vẫn khẩn trương tổng hợp, thống kê, đánh giá chi tiết thiệt hại. Bước đầu có 7.358 nhà dân và các công trình; 303 trường học; 76 công trình công cộng; 24 cơ sở y tế; 137 trụ sở làm việc; 230 trang trại; 3 trạm điện; 15.761 cây xanh; 20.780 ha lúa… bị thiệt hại.

Ghi nhận tại các tuyến đường trên địa bàn thành phố Hải Phòng, các lực lượng chức năng đang huy động tổng lực thực hiện thu gom rác thải; phục hồi cây xanh bị gãy đổ tại các tuyến đường giao thông để đảm bảo giao thông thông suốt.

Nhằmđảm bảo an toàn cho người và phương tiện lưu thông trên Quốc lộ 5 và Quốc lộ 10 đoạn qua địa bàn thành phố Hải Phòng,ngày 9/9, Phó Chủ tịch UBND thành phố, Nguyễn Đức Thọ có ý kiến chỉ đạo tại Văn bản 6358/VP-GT đề nghị Công ty TNHH MTV Tasco Hải Phòng và VIDIFI khẩn trương thực hiện các biện pháp khắc phục hậu quả bão số 3 đối với kết cấu hạ tầng đường bộ; đảm bảo hệ thống báo hiệu đường bộ, hệ thống điện chiếu sáng trên các tuyến quốc lộ này.

dien bien bao so 3 Yagi tan hoang truoc hung than den tu bien (1).jpg
Hỗ trợ những người dân gặp chấn thương do mưa bão tại huyện Lục Yên, tỉnh Yên Bái.

Sau Hải Phòng, Quảng Ninh, Thủ đô Hà Nội hứng trọn cú tấn công tiếp theo của hung thần đến từ biển. Mái tôn công trình bị lật, cây đổ đè chết người, kính cửa rung bần bật, hơn 25.000 cây xanh bật gốc, bị xé toạc… Sáng 9/9, trên nhiều tuyến phố Thủ đô phương tiện giao thông ùn tắc vì cây đổ chưa được dọn dẹp hết.

Sở GD&ĐT Hà Nội cho biết, cơ sở vật chất của nhiều trường học bị thiệt hại khá nhiều. Toàn thành phố có 28 trường bị ngập nước, gần 3.100 mét tường bị đổ, gần 400 mái nhà, phòng học bị lật.

Bên cạnh đó gần 800 cửa chính, cửa sổ bị hư hỏng, gần 190 nhà xe bị hỏng; gần 1.900 biển bảng bị hỏng. Có 175 trường bị mất điện, trong đó có nhiều trường ở các huyện (Chương Mỹ, Thường Tín, Quốc Oai...).

Các trường học của toàn thành phố có gần 7.500 cây xanh bị đổ, bật gốc, chủ yếu tại các trường ở quận, huyện Thanh Trì, Phú Xuyên, Quốc Oai, Gia Lâm, Chương Mỹ, Long Biên, Hà Đông và các Trường THPT Chu Văn An, THPT chuyên Hà Nội - Amsterdam, THPT Minh Phú.

Theo Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn TP Hà Nội, dự báo đến chiều tối 10/9, Hà Nội có mưa vừa, mưa to, có nơi mưa rất to và dông, trong mưa dông có khả năng xảy ra lốc, sét và gió giật mạnh; lượng mưa phổ biến từ 50 - 100mm, có nơi trên 150mm. Hà Nội dự báo, nguy cơ ngập lụt và sạt lở đất tại nhiều huyện ngoại thành.

Trước diễn biến còn phức tạp, khó lường của thiên tai, ông Trần Sỹ Thanh - Chủ tịch UBND TP Hà Nội yêu cầu giám đốc, thủ trưởng các sở, ban, ngành, chủ tịch UBND các quận, huyện, thị xã tập trung cao độ công tác khắc phục hậu quả cơn bão số 3.

Đồng thời nâng cao cảnh giác, tổ chức theo dõi chặt chẽ diễn biến thời tiết, thiên tai, chủ động chỉ đạo, triển khai công tác ứng phó theo thẩm quyền, bảo đảm kịp thời, hiệu quả, sát với tình hình thực tế trên địa bàn.

Bí thư Thành ủy Hà Nội Bùi Thị Minh Hoài yêu cầu các cấp, ngành, nhất là người đứng đầu cấp ủy, chính quyền địa phương tiếp tục nêu cao tinh thần trách nhiệm, tập trung khắc phục hậu quả, khôi phục sản xuất sau bão.

Cuối giờ chiều 9/9, tỉnh Yên Bái vẫn đang hứng những đợt mưa lớn đổ xuống trắng trời. Theo Đài KTTV tỉnh Yên Bái hiện trên sông Hồng tại Yên Bái lũ đang tiếp tục lên nhanh, mực nước là 33,68m, trên báo động 3 là 1,69m. Dự báo, trong 12 - 24 giờ tới, lũ trên sông Hồng sẽ đạt đỉnh ở mức 34,10 mét (trên báo động 3: 2,1 mét), sau xuống chậm. Cấp độ rủi ro thiên tai do lũ là cấp 3.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Người bệnh nhập viện trong tình trạng đau tức ngực dữ dội, khó thở. Ảnh: BVCC

Nhồi máu cơ tim sau tập thể hình

GD&TĐ - Các bác sĩ Trung tâm Tim mạch, Bệnh viện E đã cứu sống một nam thanh niên (32 tuổi) nhập viện do nhồi máu cơ tim cấp.

Nhà giáo Nhân dân Nguyễn Thị Thu Vân - Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn, TP Điện Biên Phủ (Điện Biên). Ảnh: NVCC

'Trái ngọt' từ tình yêu nghề

GD&TĐ - Hơn 20 năm công tác, cô Nguyễn Thị Thu Vân - giáo viên Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn (Điện Biên) có nhiều đóng góp cho sự nghiệp “trồng người”.