Điện ảnh góp phần quảng bá văn hóa đất nước, con người Việt Nam ra thế giới

GD&TĐ - Thảo luận về dự án Luật Điện ảnh (sửa đổi) chiều 28/10, đa số đại biểu đề cao vai trò của điện ảnh đối phát triển kinh tế xã hội của đất nước, từ đó đồng tình với việc cần thiết phải ban hành Luật này.

Đại biểu Tô Văn Tám - Đoàn đại biểu quốc hội tỉnh Kon Tum, thảo luận tại hội trường Diên Hồng.
Đại biểu Tô Văn Tám - Đoàn đại biểu quốc hội tỉnh Kon Tum, thảo luận tại hội trường Diên Hồng.

Nền tảng tinh thần của xã hội

Theo đại biểu Tô Văn Tám (đoàn Kon Tum), văn hóa là nền tảng tinh thần của xã hội. Trong đó, điện ảnh là loại hình, phương tiện trực quan sinh động, có ý nghĩa trong việc định hướng giá trị, tư tưởng, góp phần quảng bá văn hóa đất nước, con người Việt Nam ra thế giới.

Phát triển điện ảnh là một nội dung trong chỉ đạo phát triển văn hóa của Đảng. Việc sửa đổi bổ sung Luật Điện ảnh nhằm thể chế hóa đường lối của Đảng đề nền điện ảnh nước nhà phát triển là hết sức cần thiết. Theo đó, dự thảo Luật Điện ảnh lần này đã tiếp cận tư duy điện ảnh không chỉ là một ngành nghệ thuật mà còn là một ngành kinh tế.

Nói về chính sách phát triển điện ảnh Nhà nước, đại biểu Tô Văn Tám cho rằng, cần tập trung vào vấn đề trọng tâm, trọng điểm, bao trùm cả phát triển điện ảnh và công nghiệp điện ảnh.

Trong điều kiện ngân sách còn hạn hẹp, cần quan tâm chính sách xã hội hóa trong hoạt động điện ảnh để các thành phần kinh tế, tổ chức, cá nhân tham gia tích cực hơn nữa vào hoạt động điện ảnh. Khoản 3, điều 5 của dự thảo luật có nêu việc khuyến khích tổ chức, cá nhân tham gia hoạt động điện ảnh thuộc lĩnh vực Nhà nước đầu tư, hỗ trợ bằng ngân sách.

Đại biểu Tô Văn Tám đề nghị, cần có quy định cụ thể về chính sách khuyến khích này, cơ chế để tổ chức, cá nhân tham gia để chính sách này khi đi vào cuộc sống dễ thực hiện.

Đại biểu Trịnh Thị Tú Anh.

Đại biểu Trịnh Thị Tú Anh.

Cần thay đổi cơ chế quản lý

Cùng quan điểm, đại biểu Trịnh Thị Tú Anh (đoàn Lâm Đồng) cho rằng, trong chính sách của Nhà nước về quản lý, phát triển điện ảnh, cần nghiên cứu chính sách tài trợ cho các hoạt động điện ảnh; trong đó, chú trọng đến đối tượng là người hưởng thụ.

“Tham khảo kinh nghiệm của Hàn Quốc, một quốc gia rất thành công trong việc phát triển công nghiệp điện ảnh để quảng bá đất nước, con người ra thế giới. Một trong những thay đổi cơ bản nhất trong chính sách tài chính của Chính phủ Hàn Quốc đó là: hướng từ tài trợ cho bên cung, sang bên cầu.

Tức là quan tâm, tập trung nhiều hơn đến khán giả, những người hưởng thụ văn hóa” – đại biểu Tú Anh nói về đề nghị: “Cần thay đổi cơ chế quản lý, từ việc Chính phủ ra quyết định và quản lý thay vì hợp tác giữa Chính phủ và khu vực tư nhân”.

Nhấn mạnh về vấn đề đào tạo nguồn nhân lực, đại biểu Đinh Phương Lan (đoàn Quảng Ngãi) cho rằng, đây là nội dung đặc biệt quan trọng đối với chiến lược phát triển điện ảnh quốc gia. Theo đó, vấn đề này cần căn cứ định hướng chiến lược, quy hoạch phát triển nhân lực ngành văn hóa nghệ thuật.

“Nhà nước đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực chất lượng cao nhằm góp phần định hình rõ hơn các giá trị văn hóa quốc gia, dân tộc thông qua các tác phẩm điện ảnh” – đại biểu Phương Lan nêu quan điểm.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ