Tiền ngân sách...
Dự án đầu tư xây dựng công trình Điểm vui chơi trẻ em thị trấn Tam Đường (giai đoạn I) được UBND tỉnh Lai Châu phê duyệt ngày 30/10/2013 tại thị trấn Tam Đường, huyện Tam Đường. UBND huyện Tam Đường là chủ đầu tư của dự án này. Đây là công trình dân dụng, nhóm C, cấp III.
Mục tiêu tốt đẹp của công trình này là đầu tư cơ sở vật chất nhằm đáp ứng nhu cầu vui chơi, giải trí cho trẻ em các dân tộc trong vùng; đồng thời từng bước góp phần hoàn thiện cơ sở hạ tầng cho thị trấn Tam Đường, huyện Tam Đường. Công trình có tổng diện tích 14.873m2 với các hạng mục như: Nhà quản lý và bán vé; Cổng, nhà bảo vệ; Các hạng mục ngoại thất; San nền; Điện chiếu sáng sân, vườn và thiết bị vui chơi. Riêng phần thiết bị vui chơi được đầu tư bao gồm: 1 bộ đồ chơi nhà hơi, nhà phao; 1 bộ đu quay trực thăng thủy lực; 1 bộ đu quay ngựa loại 10 con thú; 1 bộ đu quay quả bí (6 lồng); 10 bộ thú nhún điện và 1 bộ cầu trượt thiếu nhi. Sau các lần điều chỉnh, bổ sung nội dung đầu tư, tổng dự toán của dự án Điểm vui chơi trẻ em thị trấn Tam Đường vẫn không thay đổi và giữ nguyên là 8 tỷ đồng.
Đáng chú ý, nguồn vốn dùng để đầu tư cho công trình trên được lấy từ nguồn hỗ trợ có mục tiêu từ ngân sách Trung ương – Hỗ trợ đầu tư tỉnh, huyện mới chia tách.
|
Đất “vàng”, giá “bèo”?
Sau thời gian thi công, công trình Điểm vui chơi trẻ em thị trấn Tam Đường, huyện Tam Đường hoàn thành và đưa vào sử dụng vào năm 2016. Phòng Kinh tế - Hạ tầng (KT-HT) huyện Tam Đường là đơn vị tiếp quản công trình này. Quản lý chưa kịp “ấm tay”, đơn vị này đã ngay lập tức soạn hợp đồng thương thảo cho Doanh nghiệp tư nhân Ngọc Nam LC (Công ty Ngọc Nam) sử dụng và khai thác. Và sau chính Công ty Ngọc Nam lại nhượng quyền cho một người khác tiếp tục khai thác. Có người cho rằng, người đó chính là ông Phong Văn Tiến, Chủ tịch UBND thị trấn Tam Đường. Để xác minh, làm rõ vấn đề trên, phóng viên đã kết nối điện thoại để liên lạc với ông Tiến thì ông một mực phủ nhận điều này. Tuy nhiên, ông Tiến lại “vanh vách” chỉ ra từng điểm của khuôn viên khu vui chơi giải trí của trẻ em thị trấn Tam Đường như “lòng bàn tay”.
“Ban đầu sau khi bàn giao công trình không có người trông coi. Một thời gian sau, Doanh nghiệp Ngọc Nam mới thuê lại để khai thác nhưng không hiệu quả. Họ chỉ tập trung vào khai thác thôi chứ không chú trọng đến đầu tư. Đến năm 2017, tôi cho thằng cháu, không có công ăn việc làm, đến quản lý và trông coi để kiếm thêm thu nhập”, ông Phong Văn Tiến nói.
Theo cách lý giải của ông Tiến, từ năm 2017 đến nay, mỗi năm “cháu” của ông Tiến phải trả cho Kho bạc Nhà nước huyện 15 triệu đồng. Trong đó, 12 triệu/12 tháng và 3 triệu phát sinh trong thủ tục thanh, quyết toán cuối năm của doanh nghiệp mà “cháu” của ông Tiến phải chịu.
Bảng giá dịch vụ được niêm yết tại điểm vui chơi |
Nghĩa là với diện tích 14.873m2 cùng toàn bộ tài sản được đầu tư bằng ngân sách Nhà nước, “cháu” của ông Tiến chỉ việc khai thác và chịu mức giá thuê lại là 1 triệu đồng/1 tháng. Một mức giá hết sức “bèo bọt”, trong khi theo tìm hiểu của phóng viên, cách đó vài bước chân, tại chợ Trung tâm thị trấn Tam Đường, 1 kiot có diện tích chưa đầy 8m2, các hộ kinh doanh ở đây phải thuê với mức giá khoảng 650 nghìn đồng/1 tháng; tương đương 83 nghìn đồng/1m2/tháng.
Lý giải về việc được thuê với mức giá “hời”, ông Tiến cho biết bản thân “cháu” của ông phải bỏ nhiều công sức, chi phí để cải tạo khu vui chơi; đặc biệt là việc đầu tư nhiều kinh phí để sửa chữa và mua mới đồ chơi phục vụ việc kinh doanh, khai thác. Thế nhưng, điều này lại đang mâu thuẫn với Biên bản thương thảo hợp đồng số 22/HĐ-QLKD giữa Phòng KT-HT huyện Tam Đường và Công ty Ngọc Nam. Khoản 1, Điều 8 về quyền và nghĩa vụ của đơn vị quản lý kinh doanh của bản hợp đồng trên nêu rõ: “Không tự ý thay đổi hiện trạng Điểm vui chơi như: Thay đổi các hạng mục công trình trong khuôn viên, cơi nới các công trình tạm làm ảnh hưởng đến mỹ quan chung, vệ sinh môi trường và phòng chống cháy nổ”. Điều này được hiểu rằng đơn vị quản lý, kinh doanh chỉ việc khai thác chứ không có quyền đầu tư các hạng mục mới như ông Tiến cung cấp.
Phó Chủ tịch Hội Nông dân... không có công ăn việc làm?
Người “cháu” của ông Tiến - đang trông coi, quản lý và trực tiếp khai thác, kinh doanh điểm vui chơi cho trẻ em thị trấn Tam Đường - là Hoàng Đình Lâm. Anh Lâm cũng là người đại diện hợp pháp(?) cho Công ty Ngọc Nam với chức danh Phó Giám đốc Công ty đứng ra ký hợp đồng thương thảo với ông Lương Việt Thảo (Trưởng phòng KT-HT thời điểm 9/2016) đại diện Chủ sở hữu tài sản.
Ông Tiến viện dẫn việc cho “cháu” quản lý điểm vui chơi để có thêm thu nhập là cách “tạo điều kiện” bởi Lâm không có công ăn, việc làm ổn định. Thế nhưng khi phóng viên đặt câu hỏi: Vì sao Hoàng Đình Lâm đang giữ chức danh Phó Chủ tịch Hội Nông dân thị trấn mà lại có thể coi là không có công ăn việc làm ổn định thì ông Tiến thừa nhận cháu mình đang công tác ở thị trấn và giữ chức danh nêu trên. Song, ông Tiến cho biết ở vị trí việc làm đó vẫn chưa cho thu nhập tốt nên phải “nhặt nhạnh” thêm.