Điểm vui chơi trẻ em huyện Tam Đường (Lai Châu): Lãnh đạo huyện đã nhận có “sai sót”

GD&TĐ - Sau khi Báo GD&TĐ đăng tải bài viết “Điểm vui chơi trẻ em huyện Tam Đường (Lai Châu): Nhà nước “trồng”, Chủ tịch thị trấn “hái”?”, dư luận băn khoăn, không biết lãnh đạo địa phương này non kém trong cách quản lý hay cố tình làm ngơ, bất chấp quy định của pháp luật? UBND huyện Tam Đường đã nhận có “sai sót”

Điểm vui chơi trẻ em thị trấn Tam Đường
Điểm vui chơi trẻ em thị trấn Tam Đường

“Vượt mặt”?

Biên bản thương thảo hợp đồng số 22/HĐ-QLKD về việc quản lý kinh doanh Điểm vui chơi trẻ em thị trấn Tam Đường giữa Phòng Kinh tế và Hạ tầng (KT-HT) huyện Tam Đường với Doanh nghiệp tư nhân Ngọc Nam LC (Công ty Ngọc Nam) ký ngày 18/9/2016 dựa trên một số căn cứ. Đáng chú ý, đó là Nghị định số 02/2003/NĐ-CP ngày 14/1/2003 của Chính phủ về phát triển và quản lý chợ; Nghị định số 114/2009/NĐ-CP ngày 23/12/2009 của Chính phủ sửa đổi bổ sung một số điều của Nghị định 02/2003. Hai nghị định trên không hề liên quan gì đến dịch vụ vui chơi, giải trí của trẻ em. Điểm vui chơi trẻ em thị trấn Tam Đường lại càng không phải là đối tượng được áp dụng tại hai Nghị định này.

Ngoài ra, bản hợp đồng thương thảo trên cũng dựa trên cơ sở thông báo số 100-TB/HU ngày 15/4/2016, Thông báo chủ trương của Thường trực Huyện ủy, HĐND-UBND huyện Tam Đường tại cuộc họp ngày 11/4/2016; Quyết định số 1864/QĐ-UBND của UBND huyện về việc phê duyệt phương án kinh doanh và Quyết định 1865/QĐ-UBND của UBND huyện về việc chỉ định thầu đơn vị kinh doanh Điểm vui chơi trẻ em thị trấn Tam Đường.

Liên hệ đến một số địa phương có cùng điều kiện với Lai Châu, một đại biểu HĐND, đồng thời là Trưởng ban Kinh tế - Ngân sách HĐND cấp tỉnh cho rằng: Về cơ bản các loại giá, phí được áp dụng đối với một địa bàn cụ thể buộc phải thông qua HĐND. Trong trường hợp HĐND không ban hành Nghị quyết về mức giá, phí đối với mỗi dịch vụ cụ thể thì Tỉnh ủy, UBND tỉnh cũng không thể ban hành được mức giá.

Một đại biểu khác khẳng định, đối với một công trình được đầu tư bằng nguồn vốn có mục tiêu của Nhà nước thì công trình đó là phi lợi nhuận và không thể biến tướng sang mục đích khác để kinh doanh nhằm trục lợi. Bởi mục tiêu đầu tư của loại công trình này nhằm phục vụ nhu cầu cần thiết của nhân dân tại những vùng sâu, vùng xa, biên giới còn nhiều khó khăn. Xem bản hợp đồng thương thảo số 22 của huyện Tam Đường, vị đại biểu này cho rằng, các căn cứ của hợp đồng cũng hết sức “chung chiêng”.

Trả lời câu hỏi: Ai đã phê duyệt để huyện Tam Đường ban hành mức giá các dịch vụ tại Điểm vui chơi? ông Lê Huy Chính, Trưởng phòng KT-HT huyện Tam Đường thừa nhận: Chưa hề nghe đến chuyện các mức thu phí dịch vụ ở điểm vui chơi đã được HĐND thông qua mà chỉ biết giá đó được xây dựng trên cơ sở “tham khảo” ở các địa phương khác. Điều này được hiểu rằng, không có cơ quan đủ thẩm quyền nào chấp thuận các mức giá trên. Cơ quan chuyên môn của huyện Tam Đường đã tự đề xuất mức giá và được UBND huyện Tam Đường nhất trí ban hành.

Các mức giá dịch vụ ban hành chưa được cơ quan có thẩm quyền thông qua
  • Các mức giá dịch vụ ban hành chưa được cơ quan có thẩm quyền thông qua

Có “sai sót”...

Ông Lương Việt Thảo, Giám đốc Ban quản lý dự án các công trình huyện Tam Đường (tháng 9/2016 là Trưởng phòng KT-HT huyện Tam Đường), đơn vị đại diện chủ đầu tư của công trình Điểm vui chơi trẻ em thị trấn Tam Đường cho biết, UBND huyện đã “bàn bạc” tìm hướng khắc phục những tồn tại trong quản lý, kinh doanh và khai thác điểm vui chơi này bằng cách chấm dứt hợp đồng. “Bây giờ mới đang làm thủ tục để chấm dứt hợp đồng. Sau đó sẽ mang ra mời thầu để đấu thầu. Người nào trúng thầu thì sẽ lập phương án lâu dài và công khai”, ông Lương Việt Thảo nói.

Ông Thảo cũng cho biết, do là công trình mới, có tính chất đặc thù nên quá trình khai thác còn nhiều “lúng túng”. “Khi bàn giao mình cũng lúng túng, không biết bắt đầu như thế nào. Sau đó có tham khảo một số nơi rồi tham mưu cho huyện áp dụng. Tiền giao khoán không đặt lên hàng đầu vì nó là công trình phúc lợi công cộng, không phải là nơi sinh lời nên mới làm như thế”, ông Thảo phân trần.

Cùng quan điểm với ông Thảo, ông Trần Văn Sứng - Phó Chủ tịch UBND huyện Tam Đường cho biết, cũng bởi tính cấp bách, đồng thời tại thời điểm đó trên địa bàn huyện không có công trình có tính chất tương tự nên mới để xảy ra sai sót (?).

“Tại thời điểm đó trên địa bàn huyện không có công trình có tính chất tương tự, anh em chưa được va chạm. Mặt khác, trong trường hợp này thì mục đích cuối cùng cũng là có đối tượng để trông nom công trình. Mấy ông quản lý Nhà nước làm sao mà ra trông coi mấy cái đấy được? Tính cấp bách là như thế”, ông Sứng cho biết.

Có lẽ cũng bởi tính chất “cấp bách”, nên UBND huyện Tam Đường đã không tổ chức đấu thầu công khai, để những tổ chức, cá nhân khác không có cơ hội được tham gia. Điều thật lạ là “gói thầu” trên lại “rơi” ngay vào tay “cháu” của ông Phong Văn Tiến, Chủ tịch UBND thị trấn Tam Đường bằng một Quyết định “chỉ định” thầu (?). Ông Tiến lại có nhiều người thân đang giữ các chức vụ quan trọng ở huyện.

“Họ kinh doanh đã 3 năm nay rồi. Đến tháng 9 này là hết hạn. Huyện cũng đã thấy bất cập rồi. Qua bài báo phản ánh đã thấy rõ hơn. Thế nên sau tháng 9, chúng tôi sẽ quản lý bài bản hơn, theo đúng quy định của pháp luật”, ông Sứng nói.

Những “sai sót” thì cũng đã được chỉ ra. Vậy, ai sẽ chịu trách nhiệm cho những “sai sót” này? Hay là chỉ “nhận ra” rồi lại bỏ đấy? Vấn đề trên rất cần được làm sáng tỏ.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Cây guitar bí ẩn.

Những cây đàn huyền bí

GD&TĐ - Trong một số trường hợp, nhạc cụ còn được cho là sở hữu sức mạnh huyền bí, mắc lời nguyền.