Điểm tựa từ nhà trường nâng bước trò dân tộc thiểu số khó khăn

GD&TĐ - Trường THPT Quế Phong (Nghệ An) có nhiều giải pháp trong giáo dục toàn diện, tạo điểm tựa cho học sinh dân tộc thiểu số vùng cao biên giới vươn lên.

Trường THPT Quế Phong, huyện Quế Phong, Nghệ An có hơn 1.700 học sinh, đa số là con em đồng bào dân tộc thiểu số có hoàn cảnh khó khăn. Ảnh: NTCC.
Trường THPT Quế Phong, huyện Quế Phong, Nghệ An có hơn 1.700 học sinh, đa số là con em đồng bào dân tộc thiểu số có hoàn cảnh khó khăn. Ảnh: NTCC.

Trường xa - trò thiếu

Trường THPT Quế Phong đóng tại huyện biên giới Quế Phong, Nghệ An. Trên địa bàn chỉ có duy nhất trường THPT công lập, nên học sinh đến từ tất cả xã trong bản.

Cô Từ Thị Vân – Hiệu trưởng nhà trường chia sẻ: Ngoại trừ số ít ở khu vực thị trấn, thì hầu hết các em đều ở vùng biên giới, vùng sâu, vùng xa, con em đồng bào dân tộc thiểu số. Nơi xa nhất cách trường đến 60-70km, trong đó có những bản chưa có đường đi, sóng liên lạc chưa thuận lợi. Học sinh của trường có nhiều khác biệt so với học sinh ở vùng thuận lợi về điều kiện kinh tế (đa phần hộ nghèo và cận nghèo), xã hội, trình độ dân trí… Đặc biệt, trong cộng đồng vẫn còn tồn tại nhiều hủ tục ảnh hưởng nhất định đến học sinh như tục bắt vợ, tảo hôn…

Học sinh Trường THPT Quế Phong (huyện Quế Phong, Nghệ An) đến từ nhiều thành phần dân tộc như: Thái, Mông, Khơ mú... Ảnh: NTCC.

Học sinh Trường THPT Quế Phong (huyện Quế Phong, Nghệ An) đến từ nhiều thành phần dân tộc như: Thái, Mông, Khơ mú... Ảnh: NTCC.

Điều kiện kinh tế xã hội khó khăn tác động không nhỏ đến hiệu quả các hoạt động giáo dục toàn diện cho học sinh. Chất lượng đầu vào các môn văn hóa của các em còn rất thấp, có những hạn chế về kỹ năng giao tiếp, kỹ năng sống, ứng xử với các tình huống trong cuộc sống… Trong khi đó, phần đa học sinh phải xa nhà trọ học, thiếu vắng sự quan tâm chăm sóc trực tiếp từ cha mẹ. Sự quan tâm, phối hợp để giáo dục học sinh của gia đình cũng còn ít so với các trường vùng thuận lợi.

Tính đến học kỳ II năm học 2022-2023, toàn trường THPT Quế Phong có 1.771 học sinh. Tuy nhiên, theo hiệu trưởng nhà trường, đại đa số học sinh là con em đồng bào dân tộc Thái, Mông, Khơ Mú… có hoàn cảnh khó khăn, nằm trong diện được hỗ trợ chính sách khi đến trường. Cụ thể , hàng năm có hơn 1.100 học sinh dân tộc thiểu số diện bán trú được hưởng chế độ trợ cấp Nghị định 116/2016/NĐ-CP ngày 17/8/2016 của Chính phủ. Mức hỗ trợ gồm tiền ăn, ở bằng 50% mức lương cơ bản và 15kg gạo/em/tháng.

Trường THPT lập danh sách phân phối gạo được cấp phát về cho học sinh diện dân tộc bán trú theo Nghị định 116. Ảnh: Ngô Chiến Thắng.

Trường THPT lập danh sách phân phối gạo được cấp phát về cho học sinh diện dân tộc bán trú theo Nghị định 116. Ảnh: Ngô Chiến Thắng.

Về chế độ miễn giảm học phí, hỗ trợ chi phí học tập theo Nghị định 86/2015/NĐ-CP thì có 1.770 học sinh của trường được thụ hưởng. Trong đó 645 em diện hộ nghèo được miễn 100%; có 765 học sinh là người dân tộc thiểu số ở vùng đặc biệt khó khăn được giảm 70% và có 88 em hộ cận nghèo không thuộc đối tượng hưởng cao hơn được giảm 50%.

Những năm qua, nhà trường luôn thực hiện tốt, đầy đủ các chính sách dân tộc của nhà nước đối với học sinh DTTS theo quy định. Quan tâm chăm lo các em học sinh ở vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn.

Nâng đỡ, bù đắp cho trò nghèo

Theo cô Từ Thị Vân, học sinh của nhà trường có thành phần dân tộc đa dạng như: Kinh, Thái, Mông, Khơ Mú,… nhà trường luôn quan tâm đến tất cả các học sinh về các mặt. Đối với công tác dạy học – là nhiệm vụ trọng tâm, nhà trường xây dựng kế hoạch, chương trình nhà trường phù hợp với đặc điểm học sinh, năng lực đầu vào, khả năng tiếp nhận kiến thức… Bên cạnh hỗ trợ các em học sinh trong việc ôn tập theo lịch học chính khóa, nhà trường cũng đã mở lớp học vào buổi tối để các em học sinh đặc biệt là ở các em nhà trọ vào tự học, nhiều giáo viên tình nguyện hỗ trợ, hướng dẫn các em học sinh ôn bài.

Giáo viên Trường THPT Quế Phong phụ đạo, hướng dẫn học sinh tự học vào buổi tối tại trường. Ảnh: NTCC.

Giáo viên Trường THPT Quế Phong phụ đạo, hướng dẫn học sinh tự học vào buổi tối tại trường. Ảnh: NTCC.

Nhà trường được Sở GD&ĐT Nghệ An chọn làm điểm về mô hình phối hợp giữa nhà trường, gia đình và xã hội trong giáo dục học sinh. Do vậy, nhà trường đã thực hiện phối với chính quyền địa phương, cơ quan chức năng để quản lý, giám sát cũng như tuyên truyền, giáo dục pháp luật đến học sinh thông qua việc xây dựng các văn bản phối hợp gồm: Quy chế phối hợp, kế hoạch phối hợp để nắm bắt tình hình, phối hợp tuyên truyền, giáo dục học sinh.

Ngoài dạy học là nhiệm vụ trọng tâm, điều nhà trường quan tâm nhất với học trò dân tộc thiểu số là giáo dục kỹ năng sống cho các em như: giao tiếp, ứng xử, đặc biệt là việc giáo dục pháp luật, kỹ năng phòng chống các tệ nạn xã hội thông qua các hình thức tuyên truyền, tư vấn tâm lý và các hoạt động trải nghiệm…

Học sinh Trường THPT Quế Phong tham gia các hoạt động ngoại khóa, trải nghiệm nhằm tăng cường khối đại đoàn kết dân tộc và nhiều kỹ năng sống khác. Ảnh: NTCC.

Học sinh Trường THPT Quế Phong tham gia các hoạt động ngoại khóa, trải nghiệm nhằm tăng cường khối đại đoàn kết dân tộc và nhiều kỹ năng sống khác. Ảnh: NTCC.

Trong đó, làm tốt công tác tuyên truyền, vận động để học sinh hiểu được mục đích, ý nghĩa của việc xây dựng khối đại đoàn kết của học sinh trong nhà trường. Thường xuyên tổ chức các hoạt động văn hóa văn nghệ, thể dục thể thao, các cuộc thi, các hoạt động trải nghiệm để học sinh được tham gia cùng nhau nhằm tăng cường sự đoàn kết trong lớp học, giữa các lớp và trong toàn trường. Đồng thời cung cấp nhiều kiến thức, hiểu biết xã hội nhiều lĩnh vực, phát triển kỹ năng để học sinh biết ứng dụng xử lý các vấn đề trong trong cuộc sống.

Chi ủy, chi bộ đã chỉ đạo Nhà trường và công đoàn chi các tổ, nhóm phụ trách các cụm nhà trọ để nắm bắt tình hình, hỗ trợ học sinh. Nhà trường cũng đã phối hợp với chính quyền địa phương, Công an, đặc biệt là thị trấn và các xã phụ cận để cùng nắm bắt, quản lý các em học sinh…

Thí điểm mô hình trường dân tộc bán trú kiểu mới

Từ năm 2013, thực hiện Quyết định số 49 và Thông tư 06 của Bộ GD&ĐT, và nay là Thông tư số 01, tỉnh Nghệ An thực hiện xóa bỏ loại hình Trường Dân tộc nội trú THPT (DTNT THPT) ở các huyện miền núi. Việc xóa bỏ loại hình Trường Dân tộc nội trú THPT (DTNT THPT) ở các huyện miền núi trong đó có Trường THPT Quế Phong đã có tác động lớn đến dạy học và các hoạt động giáo dục khác của nhà trường trong 10 năm qua.

Theo lãnh đạo nhà trường, trước hết, thay vì được ở nội trú, học sinh phải ở trọ ngoài, mỗi năm số lượng này là hơn 1200 học sinh thuộc các xã bản vùng sâu, vùng xa. Việc ở trọ, học sinh thiếu đi sự quản lý của gia đình và nhà trường, dẫn đến nhiều nguy cơ từ mặt trái của xã hội tác động.

Học sinh ở bán trú trong trường chăm sóc vườn rau xanh. Ảnh: NTCC.

Học sinh ở bán trú trong trường chăm sóc vườn rau xanh. Ảnh: NTCC.

Chất lượng giáo dục của nhà trường cũng bị ảnh hưởng do thiếu đi sự quản lý của gia đình ngoài giờ học ở nhà trường. Trong khi đó, thầy cô giáo cũng không thể nào bao quát, kiểm tra, chăm lo các em cả về học tập và sinh thường xuyên như khi còn ở nội trú trong trường.

Do ở các dãy trọ tập thể, phải tự lập ăn uống, sinh hoạt, xử lý các tình huống trong cuộc sống mà độ tuổi học sinh chưa thực sự trưởng thành. Các em mới từ môi trường quen thuộc trong làng bản ra thị trấn có nhiều điều mới lạ, cám dỗ. Điều này cũng dẫn đến có nhiều nguy cơ về tệ nạn xã hội xâm nhập trong học sinh.

Thu nhập và mức sống của giáo viên làm công tác giáo dục gặp nhiều khó khăn do mức phụ cấp đặc thù giảm. Bên cạnh đó, các đầu tư công để củng cố cơ sở vật chất, thiết bị dạy học phục vụ cho hoạt động dạy học và giáo dục của trường chậm lại tác động lớn đến chất lượng giáo dục của nhà trường.

Trường THPT Quế Phong mong muốn sớm có cơ chế để triển khai mô hình Trường THPT Dân tộc bán trú kiểu mới, tạo điều kiện thuận lợi cho học sinh cũng như công tác giáo dục toàn diện của nhà trường. Ảnh: NTCC.

Trường THPT Quế Phong mong muốn sớm có cơ chế để triển khai mô hình Trường THPT Dân tộc bán trú kiểu mới, tạo điều kiện thuận lợi cho học sinh cũng như công tác giáo dục toàn diện của nhà trường. Ảnh: NTCC.

Cô Từ Thị Vân cho hay, sau khi không còn mô hình trường THPT Dân tộc nội trú, nhà trường vẫn còn cơ sở vật chất là khu nhà ở học sinh, được chúng tôi duy trì việc tổ chức cho học sinh ăn ở tại trường.

Hàng năm số em này từ 100-150 học sinh thuộc diện bán trú, đăng ký vào trường ở trên tinh thần tự nguyện. Về chế độ ăn được lấy từ nguồn hỗ trợ học sinh dân tộc bán trú của Nghị định 116. Các em được ở trong trường, có giáo viên quản lý, và tham gia lao động tăng gia sản xuất tại khu vườn trường. Việc duy trì này thể hiện hiệu quả tích cực trong chăm sóc, giáo dục học sinh, linh hoạt trong điều kiện không còn mô hình trường dân tộc nội trú.

Tuy nhiên, hiện nay Bộ GD&ĐT chưa có mô hình trường THPT Dân tộc bán trú, trường đã đề xuất và Sở GD&ĐT đang triển khai xây dựng thí điểm mô hình trường PTDTBT kiểu mới để trình HĐND Tỉnh, khi được HĐND Tỉnh thông qua trường sẽ triển khai thực hiện. Nhà trường tin tưởng và mong muốn mô hình này sớm được thực hiện để tạo điều kiện thuận lợi cho học sinh và cả nhà trường trong việc tổ chức hoạt động giáo dục toàn diện.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Tỏa sáng tài năng học sinh Chu Văn An

Tỏa sáng tài năng học sinh Chu Văn An

GD&TĐ - Trong hai tháng thi đua chào mừng ngày Nhà giáo Việt Nam, học sinh Trường THPT Chu Văn An đã tổ chức sự kiện Sparkling Chu Văn An 2024.