Nghệ An bàn giải pháp nâng cao hiệu quả mô hình trường phổ thông bán trú

0:00 / 0:00
0:00

GD&TĐ - Chiều 16/3, tại huyện Kỳ Sơn, UBND tỉnh Nghệ An tổ chức Hội nghị sơ kết tổ chức hoạt động Trường Phổ thông dân tộc bán trú giai đoạn 2010-2022.

Ông Bùi Đình Long - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An chủ trì Hội nghị UBND tỉnh Nghệ An tổ chức Hội nghị Sơ kết tổ chức hoạt động Trường Phổ thông dân tộc bán trú giai đoạn 2010-2022. Ảnh: Hồ Lài.
Ông Bùi Đình Long - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An chủ trì Hội nghị UBND tỉnh Nghệ An tổ chức Hội nghị Sơ kết tổ chức hoạt động Trường Phổ thông dân tộc bán trú giai đoạn 2010-2022. Ảnh: Hồ Lài.

Chủ trì hội nghị có ông Bùi Đình Long – Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An; ông Thái Văn Thành – Giám đốc Sở GD&ĐT. Cùng dự có đại diện các Sở, ban, ngành liên quan và lãnh đạo, Trưởng Phòng GD&ĐT 6 huyện miền núi Quế Phong, Kỳ Sơn, Con Cuông, Quỳ Châu, Quỳ Hợp, Tương Dương.

Hiệu quả tích cực của mô hình trường phổ thông bán trú

Theo báo cáo của Sở GD&ĐT Nghệ An, đến tháng 2/2023, toàn tỉnh có 8 trường Phổ thông Dân tộc nội trú (PTDTNT), 62 trường Phổ thông dân tộc bán trú (PTDTBT), 56 trường phổ thông có học sinh bán trú nhưng chưa được công nhận trường PTDTBT theo Thông tư 24/2010/TT-BGDĐT với 2.893 học sinh nội trú; 17.015 học sinh tiểu học, THCS được hưởng các chế độ theo Nghị định 116/NĐ-CP của Chính phủ. Trong đó 10.417 học sinh ở bán trú trong các trường PTDTBT, 6.598 học sinh trong các trường phổ thông chưa được công nhận trường PTDTBT.

Múa hát tập thể trong giờ ra chơi tại Trường Phổ thông DTBT THCS Mường Lống (xã Mường Lống, huyện Kỳ Sơn, Nghệ An). Ảnh: Hồ Lài.

Múa hát tập thể trong giờ ra chơi tại Trường Phổ thông DTBT THCS Mường Lống (xã Mường Lống, huyện Kỳ Sơn, Nghệ An). Ảnh: Hồ Lài.

Nhờ thực hiện mô hình trường PTDTBT các địa phương đã tích cực sắp xếp sáp nhập, dồn dịch điểm trường. Từ năm học 2010-2011 đến nay, 6 huyện núi cao đã giảm được 11 trường, 283 điểm trường, 523 lớp, trong khi học sinh tăng 14.320. Tăng tỷ lệ học sinh bình quân/lớp tiến dần đến định mức tối đa. Qua đó góp phần thực hiện tinh giản biên chế, tiết kiệm giáo viên cũng như ngân sách trả lương cho nhà nước. Cơ sở vật chất các trường PTDTBT, trường phổ thông có học sinh bán trú được UBND tỉnh quan tâm đầu tư có trọng điểm để ngày càng đồng bộ, đầy đủ, đáp ứng nhu cầu nâng cao chất lượng giáo dục.

Đoàn công tác Sở GD&ĐT và các sở, ngành của tỉnh Nghệ An thăm khu bếp ăn, tìm hiểu thực tế tổ chức bữa ăn cho học sinh bán trú Trường Phổ thông DTBT THCS Mường Lống. Ảnh: Hồ Lài.

Đoàn công tác Sở GD&ĐT và các sở, ngành của tỉnh Nghệ An thăm khu bếp ăn, tìm hiểu thực tế tổ chức bữa ăn cho học sinh bán trú Trường Phổ thông DTBT THCS Mường Lống. Ảnh: Hồ Lài.

Việc tổ chức mô hình bán trú tạo điều kiện để học sinh có điều kiện học tập tốt nhất, giảm bất bình đẳng trong tiếp cận cơ hội giáo dục; các hoạt động trong các trường bán trú tạo ra môi trường giáo dục mang tính tương tác cao, vừa chăm lo sức khỏe, tâm lý, vừa giúp học sinh phát triển toàn diện.

Các hoạt động giáo dục trong môi trường bán trú không chỉ góp phần thay đổi nếp sống cho học sinh, mà còn giúp gìn giữ và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc, tạo sân chơi bổ ích cho học sinh, nâng cao chất lượng giáo dục đạo đức, lối sống, kỹ năng sống, giao tiếp và nếp sống tự lập cho học sinh.

Đoàn công tác đến thăm khu nhà ở bán trú của học sinh Trường Phổ thông DTBT Tiểu học Mường Lống. Ảnh: Hồ Lài.

Đoàn công tác đến thăm khu nhà ở bán trú của học sinh Trường Phổ thông DTBT Tiểu học Mường Lống. Ảnh: Hồ Lài.

Nghệ An là một trong những tỉnh tiên phong trong thực hiện mô hình trường bán trú ở cơ sở. Tuy nhiên, sau hơn 10 năm thực hiện còn gặp nhiều khó khăn, vướng mắc. Hiện, việc đầu tư cơ sở vật chất, thiết bị cho trường PTDTBT chưa đáp ứng yêu cầu; nhiều học sinh phải ở trong các nhà tạm, không đủ mát về mùa hè, ấm về mùa đông, các thiết bị phục vụ ăn ở, sinh hoạt còn nhiều thiếu thốn.

Sau khi tổ chức mô hình bán trú, Trường Phổ thông DTBT Tiểu học Mường Lống 2 đã giảm được từ 17 lớp xuống còn 9 lớp, tiết kiệm 9 giáo viên. Ảnh: Hồ Lài.

Sau khi tổ chức mô hình bán trú, Trường Phổ thông DTBT Tiểu học Mường Lống 2 đã giảm được từ 17 lớp xuống còn 9 lớp, tiết kiệm 9 giáo viên. Ảnh: Hồ Lài.

Về cơ chế chính sách cho giáo viên, học sinh cũng còn những bất cập. Toàn tỉnh có 1.553 giáo viên đang công tác, trong đó 1.527 giáo viên được hưởng phụ cấp trách nhiệm dành cho trường DTBT nhưng đang còn 26 giáo viên chưa được hưởng phụ cấp trách nhiệm dành cho trường DTBT và còn 900 giáo viên chưa được tính định mức giờ dạy dành cho trường PTDTBT.

Theo tính toán, trên 18.000 học sinh, toàn tỉnh đang cần 1.497 phòng ở, nhưng các trường còn thiếu 961 phòng, chưa kể nhiều phòng ở còn tạm, một số phòng ở xuống cấp, đồ dùng, điều kiện sinh hoạt bán trú thiếu thốn.

Ngoài ra còn 1.507 giáo viên công tác tại các trường có học sinh DTBT (chưa được công nhận trường PTDTBT) chưa được hưởng các chế độ trên. Chế độ hỗ trợ đối với nhân viên nấu ăn chưa phù hợp, không tương xứng với khối lượng công việc, cường độ lao động và công sức. Một số chính sách hỗ trợ bán trú cho học sinh là người DTTS chưa phù hợp với độ tuổi, bậc học gây khó khăn cho các nhà trường trong quá trình triển khai.

Giảm điểm trường lẻ, tăng độ phủ trường bán trú

Phát biểu tại hội nghị, các đại biểu đều thống nhất về ý nghĩa và hiệu quả của mô hình trường phổ thông bán trú. Đây cũng là nhu cầu và xu hướng không chỉ của riêng các trường huyện miền núi cao mà ở cả địa phương thuận lợi khác. Tuy nhiên, quá trình thực hiện, do đặc thù của từng địa phương mà số lượng các trường thành lập được cơ sở bán trú, dồn ghép điểm lẻ còn chênh lệch.

Bên cạnh đó, các văn bản quy phạm pháp luật của nhà nước không thể bao quát hết các phát sinh từ thực tiễn. Dẫn đến địa phương, cơ sở giáo dục gặp vướng mắc khi thực hiện bán trú.

Hội nghị Sơ kết tổ chức hoạt động Trường Phổ thông dân tộc bán trú trên địa bàn tỉnh Nghệ An giai đoạn 2010-2022. Ảnh: Hồ Lài.

Hội nghị Sơ kết tổ chức hoạt động Trường Phổ thông dân tộc bán trú trên địa bàn tỉnh Nghệ An giai đoạn 2010-2022. Ảnh: Hồ Lài.

Đơn cử theo Nghị định 116 hỗ trợ 15kg gạo, tiền ăn ở bằng 50% lương cơ sở mỗi tháng cho 1 học sinh nhưng đồng đều từ tiểu học đến THPT. Trong khi sức ăn, thể chất của từng lứa tuổi khác nhau.

Đặc điểm chung của các trường vùng cao đang thực hiện mô hình trường bán trú nhưng học sinh lại ăn ở tại trường từ thứ 2 đến cuối tuần tương đương nội trú. Chưa kể nhiều học sinh bố mẹ đi làm ăn xa, hoặc muốn tập trung ôn thi, học tập thì ở lại trường liên tục từ vài tuần đến cả tháng.Trong khi khả năng huy động xã hội hóa từ phụ huynh để hỗ trợ tổ chức bán trú cho học sinh không đáng kể do điều kiện kinh tế khó khăn.

Vườn rau của giáo viên và học sinh Trường Phổ thông DTBT THCS Mường Lống (huyện Kỳ Sơn, Nghệ An). Ảnh: Hồ Lài.

Vườn rau của giáo viên và học sinh Trường Phổ thông DTBT THCS Mường Lống (huyện Kỳ Sơn, Nghệ An). Ảnh: Hồ Lài.

Ông Phạm Viết Phúc – Phó trưởng Phòng GD&ĐT huyện Kỳ Sơn đề xuất cần sớm có quyết định công nhận các trường PTDTBT khi đã đủ các điều kiện để đảm bảo quyền lợi chính sách cho CBQL, giáo viên, nhân viên. Đây là tiền đề để nhà trường bố trí nhân lực quản lý, chăm sóc, giáo dục học sinh hiệu quả. Đặc biệt bố trí thêm định biên nhân viên y tế để chăm sóc sức khỏe cho học sinh.

Bà Nguyễn Thị Châu – Trưởng Phòng GD&ĐT huyện Quỳ Châu nêu lên bất cập giữa mô hình trường bán trú và nội trú. Theo đó, do thiếu giáo viên nên ở trường bán trú, giáo viên đều dạy quá tiết theo quy định nhưng đều dạy theo tinh thần tự nguyện. Trong khi đó, giáo viên ở trường nội trú lại được chi trả tiền 2 buổi/ngày.

Ông Lô Thanh Nhất - Phó Chủ tịch UBND huyện Tương Dương phát biểu ý kiến tại hội nghị. Ảnh: Hồ Lài.

Ông Lô Thanh Nhất - Phó Chủ tịch UBND huyện Tương Dương phát biểu ý kiến tại hội nghị. Ảnh: Hồ Lài.

Ông Lô Thanh Nhất – Phó Chủ tịch UBND huyện Tương Dương kiến nghị các vấn đề xung quanh việc cấp gạo cho học sinh bán trú theo từng đợt, trong khi các trường học không có kho lưu trữ, bảo quản an toàn.

Bên cạnh đó, có nhiều địa bàn đặc thù bắt buộc phải duy trì điểm lẻ vì bản lẻ ở quá xa, giao thông hiểm trở. Ví dụ như điểm Huồi Măn (Trường Tiểu học Nhôn Mai), Phá Kháo, Phà Nọi (Trường Tiểu học Mai Sơn)… Điều đó khiến cho việc thực hiện dồn dịch điểm lẻ gặp khó khăn.

Phát biểu kết luận hội nghị, ông Bùi Đình Long - Phó Chủ tịch UBND tỉnh khẳng định mô hình trường bán trú hoạt động hiệu quả, phù hợp với sự phát triển giáo dục ở vùng đặc biệt khó khăn. Nhất là với Nghệ An địa phương rộng nhất cả nước, chiếm tới 83% diện tích miền núi, có nhiều xã, thôn, bản đặc biệt khó khăn.

Để tiếp tục thực hiện hiệu quả mô hình này trong thời gian tới, Phó Chủ tịch UBND tỉnh đề nghị Sở GD&ĐT rà soát lại các văn bản của trung ương để vận hành, đảm bảo thực hiện đầy đủ chế độ, chính sách cho học sinh, giáo viên. Tăng cường công tác giám sát, kiểm tra việc thực hiện các chế độ này, nhất là chế độ cho học sinh để đảm bảo các chế độ đầy đủ, kịp thời, không bị lạm dụng, bớt xén.

Lãnh đạo Sở GD&ĐT Nghệ An thăm bếp ăn Trường THPT Kỳ Sơn (huyện Kỳ Sơn, Nghệ An). Đây là 1 trong 2 đơn vị được Nghệ An chọn thí điểm triển khai mô hình Trường Phổ thông DTBT THPT kiểu mới. Ảnh: Hồ Lài.

Lãnh đạo Sở GD&ĐT Nghệ An thăm bếp ăn Trường THPT Kỳ Sơn (huyện Kỳ Sơn, Nghệ An). Đây là 1 trong 2 đơn vị được Nghệ An chọn thí điểm triển khai mô hình Trường Phổ thông DTBT THPT kiểu mới. Ảnh: Hồ Lài.

Sở GD&ĐT cần tăng cường tư vấn, chỉ đạo, phối hợp với các huyện tìm hiểu nguyên nhân đưa ra giải pháp để tiếp tục giảm điểm trường lẻ và tăng độ phủ của trường bán trú. Tin rằng với sự nỗ lực, linh hoạt, sáng tạo của ngành giáo dục cùng chính quyền các địa phương, tỷ lệ trường DTBT sẽ tăng lên.

Đối với các địa phương, ông Bùi Đình Long chỉ đạo cần tích cực hơn nữa, tiếp tục sắp xếp để sáp nhập các trường có quy mô nhỏ, dồn dịch các điểm trường lẻ gắn với mô hình trường PTDTBT.

Khi lập kế hoạch thực hiện, cần gắn với các chương trình mục tiêu quốc gia, kế hoạch xây dựng nông thôn mới, lộ trình thoát nghèo của từng thôn, bản để đảm bảo tính lâu dài, không làm ảnh hưởng chế độ và việc học của học sinh. Các trường miền núi học hỏi kinh nghiệm từ các đơn vị làm tốt, ưu tiên cơ sở vật chất để đáp ứng tối thiểu điều kiện sinh hoạt bán trú cho học sinh.

Các địa phương cũng cần ưu tiên bố trí đội ngũ, tăng định mức giáo viên cho các trường này đảm bảo theo quy định và tập trung nguồn lực, bố trí kinh phí, lồng ghép các chương trình dự án để đầu tư xây dựng cơ sở vật chất, mua sắm trang thiết bị, nhất là các trường thực hiện mô hình trường PTDTBT kiểu mới và tích cực chủ động vận động nguồn lực xã hội, tranh thủ tìm kiếm các nguồn lực từ bên ngoài.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh cũng đề nghị Sở GD&ĐT, các địa phương và các ban, ngành liên quan cần rà soát tổng hợp các vướng mắc, bất cập để tham mưu trình HĐND tỉnh sớm ban hành Nghị quyết. Trong đó lồng ghép vào Nghị quyết ban hành chế độ chính sách cho giáo viên, nhân viên cho trường có học sinh bán trú. Đồng thời xây dựng chính sách địa phương, tham mưu xây dựng mô hình bán trú kiểu mới đối với trường THPT.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ