Điểm tựa để giáo dục vùng khó vươn mình

GD&TĐ - Công nghệ số mang tới sự thay đổi tích cực, nâng cao chất lượng đối với ngành Giáo dục, đặc biệt giáo dục vùng khó.

PGS.TS Lê Hiếu Học - Trưởng khoa Khoa học và Công nghệ Giáo dục (Đại học Bách khoa Hà Nội) cùng sinh viên. Ảnh: NVCC
PGS.TS Lê Hiếu Học - Trưởng khoa Khoa học và Công nghệ Giáo dục (Đại học Bách khoa Hà Nội) cùng sinh viên. Ảnh: NVCC

Tuy nhiên, công nghệ cũng đặt ra nhiều thách thức, đòi hỏi các nhà trường nỗ lực không ngừng khi bước vào kỷ nguyên mới.

Tạo thuận lợi cho thầy và trò

Thầy Hoàng Đức Hòa - Hiệu trưởng Trường Phổ thông DTNT huyện Bố Trạch (Quảng Bình) chia sẻ, từ năm học 2023 - 2024, khi điện lưới về trường đã tạo điều kiện thuận lợi để cán bộ quản lý, giáo viên đẩy mạnh ứng dụng công nghệ, chuyển đổi số vào quản lý và dạy - học.

Nhằm tận dụng hiệu quả ứng dụng công nghệ, nhà trường đã trang bị hệ thống tivi thông minh, màn hình tương tác để thuận lợi cho việc dạy - học. Cùng đó, trường tăng cường các phần mềm trợ lý ảo, thí nghiệm ảo… hỗ trợ giáo viên trong quá trình nghiên cứu bài giảng. Các lớp học được lắp đặt Internet tạo thuận tiện cho thầy và trò dạy học, tìm kiếm tài liệu, lồng ghép video thực tế trên lớp.

“Trước đây, thầy cô muốn sử dụng máy tính hay máy chiếu để giảng dạy phải dùng máy nổ nên đường điện không ổn định. Chưa kể, không có điện lưới đồng nghĩa với không có Internet. Công cụ giảng dạy chủ yếu là phấn, bảng, sách giáo khoa. Nhưng hiện nay, điện lưới đã có cùng với sự trợ giúp của máy tính, máy chiếu, tivi thông minh…, tiết học trở nên phong phú, học sinh dễ tiếp thu bài. Sổ sách, hồ sơ, dữ liệu cũng được đồng bộ trên các phần mềm nên quá trình quản lý thuận lợi hơn rất nhiều”, thầy Hòa cho hay.

Đặc biệt, trong bối cảnh công nghệ AI phát triển, Trường Phổ thông DTNT huyện Bố Trạch đã cử giáo viên đi tập huấn, học tập kinh nghiệm các đơn vị khác để ứng dụng, thiết kế bài giảng, video bằng AI, giúp tiết học thêm hiệu quả, hấp dẫn.

Từ thực tế triển khai của nhà trường, thầy Hòa đánh giá, ứng dụng công nghệ thông tin vào dạy học giúp học sinh hiểu bài hơn, tương tác giữa thầy và trò được tăng cường. Đặc biệt với môn học khó, mang tính trừu tượng không còn nhàm chán, từ đó giảm bớt áp lực học tập cho học sinh. Đối với thiết bị thí nghiệm khó, rườm rà, nguy hiểm giáo viên có thể sử dụng thí nghiệm ảo để mô tả, thay thế mà vẫn đạt hiệu quả mong muốn.

Trường PTDTBT Tiểu học Bản Khoang nằm ở xã Ngũ Chỉ Sơn (Sa Pa, Lào Cai) nên điều kiện đi lại khó khăn. Đầu mỗi năm học khi thiết bị giảng dạy chưa kịp phân bổ về trường để phục vụ giảng dạy, giáo viên cũng phát huy tính năng của công nghệ thông tin để thiết kế bài giảng. Không những thế, tất cả lớp học đều có tivi kết nối mạng Internet để phục vụ cho việc khai thác dữ liệu, giảng dạy trên nền tảng số; phòng tin học cũng được trang bị đầy đủ máy để học sinh thuận tiện thực hành...

Chia sẻ của thầy Hiệu trưởng Hoàng Hồng Giang: “Học sinh chủ yếu người dân tộc thiểu số, ít có cơ hội tiếp cận công nghệ số. Do đó, mỗi tiết học có ứng dụng công nghệ thông tin đã giúp bài giảng hấp dẫn, lôi cuốn học trò; đồng thời tăng cơ hội tiếp cận công nghệ giúp trẻ mạnh dạn, tự tin. Các em đã biết khai thác những nội dung liên quan đến học tập trên môi trường mạng; thành thạo kỹ năng sử dụng thiết bị thông minh. Nhiều tiết học, giáo viên đã kết nối với trường bạn để học sinh được giao lưu trực tuyến thông qua lớp học kết nối, xóa rào cản vùng miền, khoảng cách”.

diem-tua-de-giao-duc-vung-kho-vuon-minh-1.jpg
Giảng viên Đại học Bách khoa Hà Nội hướng dẫn học sinh Trường PTDTBT liên cấp Dế Xu Phình (Mù Cang Chải, Yên Bái) làm thí nghiệm. Ảnh: NVCC

Giải quyết “bài toán” thiếu giáo viên

Một trong những môn học mà nhiều học sinh miền núi chưa tự tin, chịu áp lực khi học tập đó là Tiếng Anh. Tuy nhiên khi công nghệ phát triển, việc học tiếng Anh đối với các em trở nên dễ dàng hơn. Ông Phạm Văn Phúc - Trưởng phòng GD&ĐT huyện Kỳ Sơn (tỉnh Nghệ An) chia sẻ: “Trước đây, học tiếng Anh đối với học sinh vùng cao rất khó khăn, đặc biệt là phần giao tiếp. Giờ đây chỉ cần có máy tính hoặc điện thoại thông minh kết nối Internet, các em có thể học với thầy cô bản địa hoặc thực hành giao tiếp qua phần mềm miễn phí”.

Sự phát triển của công nghệ số đối với ngành Giáo dục nhiều địa phương còn giúp giải quyết “bài toán” khó về thiếu nhân lực giảng dạy môn Tiếng Anh. Ông Phạm Văn Phúc chia sẻ:

“Thiếu giáo viên tiếng Anh trước đây luôn là nỗi lo, vấn đề khó giải quyết đối với chúng tôi. Tuy nhiên, những năm gần đây, ngành đã thực hiện chương trình trường giúp trường, theo đó, Phòng GD&ĐT huyện Kỳ Sơn phối hợp với Phòng GD&ĐT huyện Diễn Châu (Nghệ An) triển khai dạy học trực tuyến tiếng Anh cho các trường chưa có hoặc thiếu giáo viên. Từ mô hình này có thể thấy, nếu không có sự phát triển về công nghệ thì không thể tổ chức được lớp học xuyên biên giới, các tiết học mà thầy - trò cách nhau cả trăm km vẫn có thể tương tác”.

Tương tự, nhiều năm trở lại đây, chất lượng giáo dục huyện Văn Quan (một trong những huyện nghèo nhất cả nước thuộc tỉnh Lạng Sơn) có bước tiến đáng kể. Một phần của thành công đó nhờ ứng dụng công nghệ, chuyển đổi số của ngành Giáo dục vào giảng dạy, quản lý.

Ông Ngô Văn Hiền - Trưởng phòng GD&ĐT huyện Văn Quan cho biết, trước đây nhiều người suy nghĩ các cuộc thi robot, lập trình, khoa học kỹ thuật thường dành cho học sinh thành phố. Nhưng vài năm gần đây, đơn vị đã đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin vào giảng dạy, mời chuyên gia công nghệ về tập huấn cho giáo viên. Cùng đó, ngành tổ chức các tiết học ngoại khóa nghiên cứu về lập trình, robot cho học sinh, giáo viên tham gia nhằm phát huy khả năng, đam mê. Với nỗ lực này, 3 năm gần đây học sinh huyện Văn Quan đều có dự án tham gia các cuộc thi cấp tỉnh, quốc gia và đoạt giải.

Theo đánh giá của ông Hiền, ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý và dạy học thực sự là điểm tựa hữu ích để giáo dục phát triển. Nó không chỉ giúp giáo viên khai thác được nguồn học liệu số trên môi trường mạng; kết nối lớp học xuyên biên giới, tham gia hội thảo, hội nghị dễ dàng… mà từ nền tảng này giáo viên đã không ngừng nâng cao trình độ, chuyên môn nghiệp vụ.

diem-tua-de-giao-duc-vung-kho-vuon-minh5.jpg
Tiết Tin học của học sinh Trường PTDTBT Tiểu học Bản Khoang (Sa Pa, Lào Cai). Ảnh: NT

Cần thêm các điều kiện

Nhiều năm qua, PGS.TS Lê Hiếu Học - Trưởng khoa Khoa học và Công nghệ Giáo dục (Đại học Bách khoa Hà Nội) cùng sinh viên thực hiện dự án hỗ trợ, tập huấn cho giáo viên mầm non, tiểu học và THCS ở các tỉnh miền núi. Các dự án tập trung nâng cao kỹ năng thiết kế bài giảng STEM và E-learning; ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI) và công nghệ thông tin trong dạy học; quản trị nhà trường. PGS Lê Hiếu Học khẳng định, công nghệ đã mang lại nhiều thay đổi tích cực cho thầy và trò vùng khó.

“Ở các huyện vùng sâu, xa, điều kiện cơ sở vật chất còn hạn chế. Tuy nhiên, nhờ ứng dụng công nghệ số, giáo viên có cơ hội tiếp cận hệ thống bài giảng mẫu; tài liệu giảng dạy hiện đại mà không phụ thuộc vào việc in ấn hoặc vận chuyển học liệu truyền thống.

Bên cạnh đó, hệ thống học trực tuyến, các nền tảng dạy học từ xa đã phá vỡ giới hạn địa lý, mang đến cơ hội học tập, cập nhật kiến thức đồng đều cho học sinh và giáo viên vùng khó khăn. Hơn thế, giáo viên có thể tiếp cận các nguồn tài nguyên mở phong phú bao gồm: Bài giảng mẫu, trò chơi, công cụ đánh giá… để thiết kế hoạt động dạy - học sinh động, bổ ích phù hợp với năng lực học sinh. Chưa kể, thầy cô thông qua mạng xã hội có thể kết nối với giáo viên mọi miền để chia sẻ kiến thức, kinh nghiệm”, PGS Lê Hiếu Học chia sẻ.

Trong quá trình triển khai các dự án, PGS Lê Hiếu Học và cộng sự thường tư vấn cho thầy cô các phần mềm, ứng dụng miễn phí và phù hợp với cấu hình, thiết bị hiện có của mỗi cá nhân và nhà trường. Đặc biệt, nhóm dự án của PGS Lê Hiếu Học còn hướng dẫn các nhà trường tận dụng đồ dùng, vật liệu dễ kiếm tại địa phương để tạo ra công cụ dạy học sáng tạo.

Hỗ trợ giáo viên thiết kế bài giảng STEM và E-learning, ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI) trong dạy học, kiểm tra đánh giá và quản trị nhà trường để dễ dàng cá nhân hóa nội dung giảng dạy, xây dựng bài kiểm tra đánh giá hiệu quả, quản lý học sinh hệ thống hơn.

Dù đạt kết quả nhất định, song PGS Lê Hiếu Học cũng thẳng thắn chỉ ra khó khăn mà các trường vùng khó phải đối mặt như: Hạn chế về hạ tầng; năng lực sử dụng công nghệ thông tin của một số giáo viên hạn chế; sự thiếu hụt kinh phí khi triển khai chuyển đổi số trong giáo dục.

Đồng quan điểm với PGS Lê Hiếu Học, ông Ngô Văn Hiền - Trưởng phòng GD&ĐT huyện Văn Quan dẫn chứng thêm những bất cập mà ông và đội ngũ giáo viên đang công tác ở miền núi gặp phải như:

Nguồn nhân lực, trình độ công nghệ thông tin, ngoại ngữ hạn chế chưa đáp ứng được yêu cầu khi khai thác sử dụng các phần mềm của nước ngoài; cơ sở hạ tầng thiết bị máy tính, thiết bị thông minh chưa đáp ứng để giáo viên và học sinh sử dụng; dịch vụ viễn thông đường truyền Internet nhiều điểm trường chưa có, sóng yếu ảnh hưởng đến quá trình sử dụng.

“Để ứng dụng hiệu quả công nghệ vào hoạt động giáo dục, tôi mong muốn các cấp quản lý đầu tư thêm ngân sách mua sắm thiết bị hiện đại cho các trường; phối hợp với đơn vị cung cấp dịch vụ rà soát lắp đặt, nâng cấp hệ thống đường truyền để đảm bảo truy cập cho giáo viên, học sinh”, ông Hiền kiến nghị.

“Công nghệ thông tin và chuyển đổi số là công cụ quan trọng giúp thu hẹp khoảng cách giáo dục, mang đến cơ hội bình đẳng cho học sinh mọi miền đất nước. Những nỗ lực tập trung vào việc đào tạo giáo viên, cung cấp thiết bị và xây dựng học liệu sẽ tiếp tục là chìa khóa giúp giáo dục vùng khó phát triển bền vững”. - PGS.TS Lê Hiếu Học Trưởng khoa Khoa học và Công nghệ Giáo dục (Đại học Bách khoa Hà Nội)

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ