Cái khó khi thoát khỏi… vùng khó khăn
Thời gian qua, nhiều xã vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi của huyện Yên Bình (tỉnh Yên Bái) đã ra khỏi vùng đặc biệt khó khăn. Đồng nghĩa các chính sách hỗ trợ cho học sinh khu vực này không còn, dẫn đến việc học ở những địa phương này cũng gặp không ít trở ngại.
Trường Tiểu học xã Yên Thành mới ra khỏi vùng 135, khi xã đạt chuẩn nông thôn mới vào tháng 12/2022. Trường có 97% học sinh là con em đồng bào dân tộc thiểu số, trong đó 95% là người dân tộc Dao.
Ông Nguyễn Quang Trường - Hiệu trưởng nhà trường cho biết: Những năm học trước, các em học sinh nhà trường được hưởng chính sách hỗ trợ học sinh và trường phổ thông ở các xã, thôn đặc biệt khó khăn theo Nghị định 116/2016/NĐ-CP của Chính phủ.
Năm học 2023 - 2024, Trường chuyển đổi từ mô hình Trường Phổ thông dân tộc bán trú Tiểu học xã Yên Thành sang thành Trường Tiểu học xã Yên Thành. Từ đó giáo viên và học sinh đều không được hưởng chế độ bán trú và không có học sinh bán trú.
Nhà trường hiện có điểm chính tại trung tâm xã và 1 điểm lẻ ở thôn Máy Đựng; năm học 2023 - 2024 Trường có 21 lớp, 610 học sinh, với tổng số 34 cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên.
Xã Yên Thành đã ra khỏi vùng đặc biệt khó khăn, hoàn thành đạt chuẩn nông thôn mới năm 2022, nhưng đời sống của nhiều hộ dân trong xã chủ yếu sinh sống bằng nghề trồng trọt, chăn nuôi, đánh bắt thủy sản nên vẫn còn nhiều khó khăn.
Chính vì thế, một số phụ huynh học sinh còn coi nhẹ, chưa thực sự quan tâm đến việc học tập của con em mình và nguy cơ học sinh bỏ học, đi học không chuyên cần, ảnh hưởng tới việc duy trì sĩ số của nhà trường là rất lớn.
Nỗ lực đưa giáo dục đi lên
Trước thực tế đó, nhà trường đã có những giải pháp linh hoạt để hỗ trợ, giúp đỡ học sinh. Cụ thể như, năm học 2023 - 2024 để tạo điều kiện cho các em học sinh ăn trưa, nghỉ ngơi tại trường, đảm bảo học 2 buổi/ngày, góp phần quan trọng thực hiện các nhiệm vụ giáo dục nói chung và mục tiêu phát triển toàn diện cho học sinh tiểu học nói riêng.
Giáo viên Trường tiểu học Yên Thành luôn nỗ lực tháo gỡ khó khăn, nâng cao chất lượng giáo dục. |
Ban Giám hiệu nhà trường đã kêu gọi, vận động cán bộ, giáo viên, phụ huynh học sinh, các tổ chức chính trị xã hội và các nhà hảo tâm chung tay tài trợ ủng hộ cải tạo cơ sở vật chất, mua thiết bị đồ dùng bán trú và đóng góp, hỗ trợ gạo, mỳ tôm tổ chức nấu ăn trưa cho học sinh tại trường.
Qua đó, có khoảng trên 50% học sinh đóng góp ăn trưa tại trường, ngoài ra cũng có một số học sinh mang theo cơm đi học. Bên cạnh đó, cơ sở vật chất, thiết bị dạy học và học liệu được Nhà nước đầu tư tương đối đầy đủ; nhà trường cũng tạo điều kiện cho các thầy cô giáo trong việc trang cấp đầy đủ các thiết bị dạy học ở điểm trường lẻ.
Trong năm học, nhà trường đã đưa thêm 2 môn học là Tin học và Tiếng Anh vào giảng dạy ở các khối lớp 3, 4, 5, theo Chương trình giáo dục phổ thông 2018, tạo điều kiện cho các em được tiếp cận và hứng thú với môn học mới.
Cô giáo Nguyễn Thị Mai Phương - Tổ trưởng khối 4 - 5, Chủ nhiệm Lớp 5A chia sẻ: Học sinh nhà trường chủ yếu là người dân tộc Dao. Giáo viên nhà trường luôn bám lớp, động viên, khích lệ các em chăm chỉ học tập, khuyến khích học sinh rèn luyện kỹ năng giao tiếp bằng tiếng Việt; thường xuyên tổ chức các hoạt động tập thể như trò chơi, múa hát, thi kể chuyện… để học sinh dễ dàng tiếp thu tiếng Việt.
"Bên cạnh đó, giáo viên nhà trường cũng chủ động học ngôn ngữ dân tộc Dao và có đội ngũ giáo viên chuyên sâu dạy khối lớp 1, biết nói tiếng Dao để thuận lợi trong việc chuyển tải kiến thức và chăm sóc học sinh…" - cô Phương nói
Từ những nỗ lực chung đó, những khó khăn về sự học ở Yên Thành đã được tháo gỡ đáng kể. Những năm học gần đây, không còn tình trạng học sinh bỏ học, giáo viên nhà trường cũng không còn phải đi vận động học sinh ra lớp như trước đây.
Chất lượng giáo dục ngày một nâng lên. Năm học 2023 - 2024, xét hoàn thành chương trình lớp học của nhà trường đạt tỷ lệ 99,31%; trong đó có trên 200 học sinh được nhận giấy khen cấp trường, đạt trên 35%.