Vượt khó nâng cao chất lượng giáo dục vùng giáp ranh

GD&TĐ - Đóng chân ở vùng giáp ranh 3 tỉnh (Đắk Lắk - Đắk Nông - Lâm Đồng), Trường THPT Nguyễn Chí Thanh luôn nỗ lực nâng cao chất lượng giáo dục.

Học sinh Trường THPT Nguyễn Chí Thanh tham gia Hội thao Quốc phòng An ninh tỉnh Đắk Lắk. (Ảnh: TT)
Học sinh Trường THPT Nguyễn Chí Thanh tham gia Hội thao Quốc phòng An ninh tỉnh Đắk Lắk. (Ảnh: TT)

Vị trí địa lý đặc biệt

Trường THPT Nguyễn Chí Thanh, xã Krông Nô, huyện Lắk (tỉnh Đắk Lắk) được thành lập tháng 2/2019, trên cơ sở tách ra từ phân hiệu của Trường THPT Lắk.

a1.jpg
Thầy Trần Hữu Phước, Hiệu trưởng Trường THPT Nguyễn Chí Thanh kiểm tra việc tổ chức ôn tập cho học sinh lớp 12 năm học 2023-2024. (Ảnh: NTCC)

Với vị trí đặc biệt, nằm ở vùng đệm, tiếp giáp giữa 3 tỉnh Đắk Lắk, Đắk Nông và Lâm Đồng, sự ra đời của ngôi trường đã góp phần giải quyết bài toán về quãng đường di chuyển cho học sinh ở các xã, buôn vùng sâu như: xã Krông Nô, Nam Ka, Ea R’Bin (huyện Lắk, tỉnh Đắk Lắk); huyện Krông Nô, Đắk Glong (tỉnh Đắk Nông) và huyện Đam Rông (tỉnh Lâm Đồng).

Theo người dân trên địa bàn các xã này, trước đây, khi chưa có phân hiệu hay trường THPT, học sinh ở đây phải vượt khoảng 40km ra trung tâm huyện để học. Chính vì thế, tỷ lệ học sinh bỏ học rất cao, có một số buôn, chỉ có 1 - 2 em có thể theo học hết bậc THPT. Đây cũng là bài toán nan giải về đào tạo nguồn nhân lực cho các địa phương trong công cuộc tái thiết nền sản xuất lạc hậu và nâng cao chất lượng đời sống ở địa phương hẻo lánh nơi đây.

a5.jpg
Đại diện Báo GD&TĐ trao học bổng tiếp sức đến trường cho em Vừ Thị Sanh, Trường THPT Nguyễn Chí Thanh năm 2022. (Ảnh tư liệu)

Thầy Trần Hữu Phước, Hiệu trưởng Trường THPT Nguyễn Chí Thanh tâm sự, do vị trí địa lí đặc biệt như vậy, nên toàn trường có hơn 90% học sinh là con em đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS). Đặc biệt, một số em nhà ở buôn nằm sâu hun hút trong rừng, không có sóng điện thoại, mỗi khi có việc giáo viên phải chở nhau luồn lách trên những con đường lầy lội, lởm chởm đá để đi tìm hiểu thông tin về hoàn cảnh học sinh.

"Như em Vừ Thị Sanh ở bản làng Mông, xã Ea R'bin (huyện Lắk) hiện là sinh viên năm 1, khoa Giáo dục Tiểu học, Trường Đại học Tây Nguyên, 3 năm học THPT ở đây, đã biết bao lần mẹ bắt em nghỉ học để lấy chồng. Thế nhưng, thầy cô vẫn quyết tâm vận động cùng với sự giúp đỡ của Báo Giáo dục và Thời đại cấp học bổng, em ấy học giỏi và đỗ đại học. Đó là minh chứng sống động cho những đóng góp của ngôi trường THPT Nguyễn Chí Thanh trong việc nâng cao chất lượng giáo dục ở vùng đặc biệt khó khăn này", thầy Phước nói.

a3.jpg
TS Lê Thị Thảo, Trưởng phòng GDTrH-GDTX Sở GD&ĐT tặng sách cho học sinh có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn của Trường THPT Nguyễn Chí Thanh. (Ảnh: TT)

Còn theo lãnh đạo Sở GD&ĐT Đắk Lắk, suốt những năm qua, đội ngũ thầy cô giáo ở Trường THPT Nguyễn Chí Thanh đã không ngại khó, ngại khổ, nhiệt tình hái xung phong thực hiện nhiệm vụ. Họ chọn đến đây để gắn bó và cống hiến vì tương lai tươi sáng của học trò ở ngôi trường đặc biệt này.

Nỗ lực nâng cao chất lượng giáo dục

Theo số liệu từ Trường THPT Nguyễn Chí Thanh, năm học 2024-2025 này có gần 94% học sinh DTTS, trong đó gần 60% thuộc diện hộ nghèo, cận nghèo.

Khó khăn là thế, nhưng chất lượng giáo dục của trường vẫn là điểm sáng của tỉnh Đắk Lắk. Sau 5 năm đi vào hoạt động thì có 3 năm trường có tỷ lệ học sinh đỗ tốt nghiệp THPT đạt 100%.

Nổi bật, năm học 2023 - 2024, khối lớp 12 có gần 79% học sinh đạt học lực loại khá, giỏi; tỷ lệ tốt nghiệp THPT đạt 100%. Trường có 5 học sinh đoạt giải học sinh giỏi cấp tỉnh; 1 sản phẩm đạt giải Tư tại Ngày hội STEM cấp tỉnh năm 2023; 1 dự án tham gia Cuộc thi khoa học kỹ thuật đạt giải Ba; 2 Huy chương Đồng môn Anh văn và Lịch sử trong Cuộc thi Olympic 10/3; 2 giải Khuyến khích Hội thi Rung chuông vàng môn Tiếng Anh cấp tỉnh; 4 thầy cô đạt danh hiệu giáo viên chủ nhiệm lớp giỏi THPT cấp tỉnh…

a2.jpg
Dẫu còn nhiều khó khăn, nhưng đội ngũ nhà giáo Trường THPT Nguyễn Chí Thanh luôn tận tâm với nghề. (Ảnh: NTCC)

Theo thầy Phạm Huy Thành, Phó Hiệu trưởng Nhà trường, để đạt được những thành tích này, ngoài sự quan tâm đầu tư cơ sở vật chất, thiết bị dạy học của chính quyền địa phương, Sở GD&ĐT, còn là sự nỗ lực rất lớn của đội ngũ cán bộ, giáo viên và nhân viên nhà trường.

Trong đó, đổi mới phương pháp dạy học, kiểm tra đánh giá gắn với phát triển phẩm chất, năng lực học sinh là yếu tố then chốt. Cùng với đó, đội ngũ giáo viên còn tập trung động viên, khích lệ để học sinh nỗ lực vượt qua mọi khó khăn.

"Hiện nay trường đánh giá, xếp loại học sinh căn cứ mức độ phát triển năng lực để xác định tỷ lệ các câu hỏi, bài tập theo 4 mức độ yêu cầu trong bài kiểm tra thường xuyên, giữa kỳ và cuối kỳ. Đặc biệt, giáo viên không ngại khó, tâm huyết dạy phụ đạo cho học sinh năng lực yếu vào mỗi buổi tối tại phòng nội trú và bồi dưỡng kiến thức nâng cao cho các em tham gia các kỳ thi cấp trường, cấp tỉnh", thầy Thành cho hay.

Nhằm giúp học sinh thành thạo, quen thuộc với dạng đề của kỳ thi tốt nghiệp THPT, mỗi năm học, trường tổ chức 2 đợt thi thử trên giấy và hàng chục lần thi trắc nghiệm trên máy.

Cùng với thi thử, công chấm thi, phân tích kết quả cũng được triển khai nghiêm túc. Từ đó đề ra các giải pháp để nâng cao chất lượng dạy học.

a6.jpg
Đoàn viên giáo viên Trường THPT Nguyễn Chí Thanh vượt hàng chục km đường rừng đến động viên gia đình cho học sinh ra lớp. (Ảnh tư liệu)

Dù vậy, lãnh đạo Trường THPT Nguyễn Chí Thanh vẫn chỉ ra những khó khăn, hạn chế cần nỗ lực hơn từ thầy cô, học sinh và phụ huynh.

"Nguy cơ bỏ học của học sinh luôn tồn tại, nhất là sau học kỳ I và dịp Tết Nguyên đán. Vì vậy, thầy cô vẫn cần song hành 2 nhiệm vụ, không ngừng đổi mới sáng tạo trong quản lý, giảng dạy và học tập và sẵn sàng lên đường vận động học trò ra lớp", thầy Phước tâm sự.

Có thể nói, bằng sự tận tâm với nghề, yêu trò, đội ngũ thầy cô giáo của Trường THPT Nguyễn Chí Thanh (Đắk Lắk) vẫn bám trường, bám địa bàn. Họ sẵn sàng "gạn đục khơi trong" để học sinh có điều kiện học tập, vui chơi và phát triển tốt nhất phẩm chất của mình.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ