Điểm tựa của học trò nghèo

GD&TĐ - Với tấm lòng thiện nguyện cô giáo Nguyễn Thị Hà, Trường THPT Phan Đình Giót (Điện Biên) đã giúp đỡ nhiều học trò nghèo vững bước tới trường.

Cô Nguyễn Thị Hà luôn quan tâm, chia sẻ cùng học trò từ những điều nhỏ nhất.
Cô Nguyễn Thị Hà luôn quan tâm, chia sẻ cùng học trò từ những điều nhỏ nhất.

"Nghiệp duyên" thiện nguyện

Cô giáo Nguyễn Thị Hà cho biết, Trường THPT Phan Đình Giót nơi cô đang công tác dù nằm ở trung tâm thành phố Điện Biên Phủ (Điện Biên) song có hơn 70% học sinh người dân tộc thiểu số. Các em đến từ vùng sâu xa trong tỉnh như: Tủa Chùa, Mường Nhé, Nậm Pồ, Điện Biên Đông, Mường Chà và đa số có hoàn cảnh khó khăn, con hộ nghèo, mồ côi, thiếu ăn, thiếu mặc…

Quá trình công tác, cô đã chứng kiến những ngày mùa đông nhiều học sinh co ro trong những bộ quần mỏng. Hay dịp đầu năm học, đón tân học sinh đứa nào đứa ấy đen gầy, nhút nhát… cô thấy thương cảm và chạnh lòng. Cô đã chủ động đến gần, tâm sự nhiều hơn với các em để tìm hiểu kỹ từng hoàn cảnh, tâm tư, nguyện vọng. Từ đó cô cố gắng kết nối trong gia đình, người thân, bạn bè để có được nguồn lực vật chất để hỗ trợ các em.

Cho Hà chia sẻ, thời gian đầu ở nhà có quần áo giầy dép, sách vở cũ, cái gì còn sử dụng được cô đều gom góp để mang cho học trò nghèo. Cuối tuần có thời gian rảnh lại kho nồi cá, nấu thức ăn để thêm thắt cho những bữa ăn của các em có đủ dinh dưỡng.

Cô Nguyễn Thị Hà luôn tự mình mang yêu thương đến với hoàn cảnh khó khăn dù xa xôi cách trở.

Cô Nguyễn Thị Hà luôn tự mình mang yêu thương đến với hoàn cảnh khó khăn dù xa xôi cách trở.

Sau đó, số học sinh qua khảo sát cần giúp đỡ của cô tăng lên, cô chuyển sang xin thêm từ bạn bè, người thân và đồng nghiệp. Thế nhưng việc trao đi đối với cô cũng vô cùng khéo léo, tế nhị để các em dù cần được hỗ trợ khi nhận từ cô cũng không cảm thấy ngần ngại, xấu hổ với chính bản thân, và cô giáo, bạn bè.

Bằng tấm lòng thiện nguyện chân thành, nên việc làm của cô không chỉ chạm đến trái tim học trò, mà bạn bè, đồng nghiệp người thân cũng thêm hiểu và từ đó chủ động gợi ý, kết hợp hỗ trợ lâu dài cho các em học sinh cô khảo sát, nắm được hoàn cảnh khó khăn thực sự.

Cô Hà cũng chia sẻ, việc làm thiện nguyện đến mình như một “nghiệp duyên”, ban đầu chỉ là những học trò của trường, dần dần bước chân của cô đã tiến đến nhiều bản vùng sâu, vùng xa khó khăn hơn để trao quà, hỗ trợ và tìm hiểu thêm những hoàn cảnh khó khăn khác.

Học sinh có hoàn cảnh khó khăn được cô Hà quan tâm hỗ trợ thiết thực.

Học sinh có hoàn cảnh khó khăn được cô Hà quan tâm hỗ trợ thiết thực.

Đối với cô, trao quà hỗ trợ dù lớn nhỏ cũng phải chính do mình đưa tới, điều đó không chỉ thỏa mong muốn cá nhân mà khi đã thay mặt những người tin tưởng giao phó thì bản thân phải có trách nhiệm cao nhất với công việc. Làm sao để từng món quà, sự hỗ trợ đến với đúng người, đúng việc. Mỗi lần trao đi là một lần mang đến ý nghĩa thực sự cho học trò và cuộc sống…

Dành nhiều tâm huyết cho hoạt động thiện nguyện, nên sau những giờ lên lớp, ngày nghỉ cuối tuần, lễ tết cô đều tranh thủ đi thực tế. Chồng cô từ chỗ đặt câu hỏi “vì sao đi quá nhiều?” sau khi tham gia cùng cô vài chuyến đã chia sẻ cảm thông những vất vả của vợ và thậm chí đã đồng hành thường xuyên cùng cô trong các hoạt động này.

"Thấy mình như mắc nợ học trò nghèo"

Đến nay cuốn nhật ký ghi lại những “mảnh đời” khó khăn, những hoàn cảnh đã được hỗ trợ của cô Hà ngày càng dày thêm. Càng làm, càng đi thực tế cô càng thấy như mình còn “nợ” học trò nghèo, day dứt vì sức mình có hạn, và nguồn lực từ người thân quen cũng không thể đủ mãi.

Chia sẻ, hỗ trợ cùng học trò vùng khó.

Chia sẻ, hỗ trợ cùng học trò vùng khó.

Chính vì vậy, thời gian gần đây cô Hà quyết định đẩy mạnh chia sẻ thông tin về hoàn cảnh học trò khó khăn cần giúp đỡ trên các trang mạng, nhóm thiện nguyện của xã hội. Để đảm bảo độ chính xác, tin tưởng, niềm tin cho người hỗ trợ, đảm bảo hơn hiệu quả của hoạt động thiện nguyện, cô Hà cất công trực tiếp đến tận nhà, gặp đại diện bản, chính quyền địa phương để xác minh.

“Chưa nói tới chuyên nghiệp, nhưng từng trường hợp trước khi quyết định gửi thư kêu gọi hoặc xin hỗ trợ nếu càng chính xác thông tin, hoàn cảnh cần hỗ trợ bao nhiêu thì hiệu ứng cao bấy nhiêu. Do đó, dù vất vả hơn tôi vẫn cố gắng để có thể mang lại cho những học trò nghèo vùng cao sự hỗ trợ, điểm tựa vật chất nhiều hơn, giúp các em yên tâm vững vàng học tập…”, cô Hà trao đổi.

Kết nối hỗ trợ không mệt mỏi.

Kết nối hỗ trợ không mệt mỏi.

Em Lò Thị Nguyệt Nhi, lớp 10A6 Trường THPT Phan Đình Giót, có hoàn cảnh thương tâm khi bố bị tai nạn giao thông mất từ khi em còn chưa sinh ra. Mẹ vất vả nuôi em ăn học đến năm 11 tuổi thì cũng bệnh nặng qua đời. Nhi được cậu mợ nhận về nuôi dưỡng. Tuy nhiên vì hoàn cảnh khó khăn, cậu mợ sức khỏe yếu, nên con đường học tập của em có nguy cơ dừng lại sau khi kết thúc lớp 9.

Lò Thị Nhi cho biết nếu không gặp cô Hà, có lẽ giờ này em cũng lấy chồng, sinh con như một số người trong bản. Nhờ cô Hà mà em được đi học tiếp. Cô không chỉ hỗ trợ kinh phí học tập, mà sự động viên tinh thần của cô còn tiếp thêm sức mạnh, động lực để em phấn đấu trong học tập. Năm học vừa qua em đã đạt học sinh giỏi. Em biết cô rất mừng và em coi đó như sự đền đáp nhỏ bé của mình tới cô…

Được biết, hiện nay với dự án “Em nuôi”, cô Hà đã kết nối với nhiều tổ chức, cá nhân để hỗ trợ hơn 20 trường hợp ở nhiều địa bàn khó khăn trong tỉnh Điện Biên. Hàng tháng, mỗi em được nhận kinh phí từ 500 nghìn – 1 triệu đồng, cùng nhu yếu phẩm. Em nuôi nhỏ nhất mới 3 tuổi và lớn nhất 17 tuổi, đa phần là trẻ mồ côi, bệnh tật.

Mỗi sự giúp đỡ dù nhỏ đều ấm áp, yêu thương.

Mỗi sự giúp đỡ dù nhỏ đều ấm áp, yêu thương.

Mong và chúc cô có thật nhiều sức khỏe để tiếp tục mang hành trình thiện nguyện ý nghĩa đến được nhiều hơn với học trò nghèo, hoàn cảnh khó khăn trong và ngoài tỉnh Điện Biên. Từ sự kết nối, hỗ trợ giúp đỡ của cô Nguyễn Thị Hà các em sẽ có thêm điểm tựa trong cuộc sống và vững bước tới trường.

"Từ bé đến lớn chưa từng nợ ai thứ gì, vậy mà sau khi làm từ thiện tôi trở thành "con nợ" của nhiều cửa hàng, đại lý cung cấp lương thực, thực phẩm… Tôi luôn phải vay trước đầu tháng để hỗ trợ cho học sinh, và cuối tháng khi các nhà hảo tâm gửi hỗ trợ tôi lại gửi trả. Nhiều chủ nợ thông cảm với công việc của tôi, họ vẫn sẵn lòng cho tôi nợ. Tôi hạnh phúc khi được kết nối và trao tới học trò cả kiến thức, yêu thương và nguồn lực, giúp các em có "điểm tựa" bước vào cuộc sống...", cô Nguyễn Thị Hà tâm sự.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ