Hỗ trợ sóng ưu đãi cho học sinh
Ông Nguyễn Đăng Quang - Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Quảng Trị nhấn mạnh, đây là chương trình có ý nghĩa nhân văn nhằm tạo điều kiện cho con em có điều kiện học tập tốt nhất, cần nhanh chóng triển khai. Bởi nếu để học sinh bị gián đoạn việc học lâu dài sẽ ảnh hưởng rất lớn đến tương lai.
Hiện địa phương còn khó khăn, nên tình trạng học sinh thiếu thiết bị học tập trực tuyến trong năm học 2021 – 2022 rất nhiều. Không chỉ riêng ở khu vực miền núi, vùng sâu vùng xa đang đối diện thực trạng này, mà ngay cả tại đô thị, rất nhiều gia đình cũng không có điều kiện cho cho các em học trực tuyến.
Vì vậy, đề nghị UBND tỉnh sớm chỉ đạo các ngành, địa phương khẩn trương xây dựng phương án hỗ trợ thiết bị cho các đối tượng ưu tiên và có chương trình phát động rộng rãi để triển khai kịp thời chương trình này.
“Ngoài vận động hỗ trợ các thiết bị học tập trực tuyến, thì trước mắt để có thể triển khai chương trình này hiệu quả, tôi cũng đề nghị các đơn vị, doanh nghiệp viễn thông trên địa bàn phải đảm bảo đường truyền tốt nhất cho việc dạy và học.
Đồng thời, có các chương trình hỗ trợ sóng ưu đãi dành cho các em học sinh. Bởi không có sóng là mất sự kết nối, dù mình có trang bị đủ các thiết bị cũng như không. Cùng với đó, phải lập danh sách cụ thể các học sinh ở từng khu vực cần tiếp sóng để thực thi việc đưa sóng đến phục vụ kịp thời”, ông Quang nói.
Cũng theo Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Quảng Trị, trong điều kiện dịch bệnh hiện nay tuy địa phương còn khó khăn, nhưng cũng sẽ vận động cán bộ, công chức ủng hộ một đến hai ngày lương để có thể cùng với các tổ chức, đơn vị, nhà hảo tâm góp một phần giúp các em có điều kiện được học tập.
Ưu tiên cho những học sinh khó khăn nhất
Theo báo cáo của Sở GD&ĐT Quảng Trị, năm học 2021 – 2022, toàn tỉnh có 134.752 học sinh (cụ thể ở bậc Tiểu học 65.171 học sinh, THCS 43.575 học sinh và THPT 26.006 học sinh). Hiện chỉ có khoảng 68,74% học sinh có thiết bị học để trực tuyến (gồm máy tính, máy tính bảng, điện thoại thông minh), trong đó học sinh Tiểu học có 37.572 em (chiếm tỷ lệ 57,65%), học sinh THCS có 32.094 em (chiếm tỷ lệ 73.65%) và học sinh THPT có 22.963 em (chiếm tỷ lệ 88.30%).
Trước những ý kiến chỉ đạo của Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị Võ Văn Hưng đã giao sở GD&ĐT chủ trì, phối hợp với Sở TT&TT, Văn phòng UBND tỉnh thống nhất kế hoạch, phương án tổ chức chương trình “Sóng và máy tính cho em” trong thời gian sớm nhất.
“Trước mắt, tỉnh sẽ nỗ lực huy động tất cả mọi nguồn lực để hỗ trợ 1.000 máy tính bảng cho học sinh nghèo tại địa phương được học trực tuyến. Thứ tự đối tượng con em nhận hỗ trơ sẽ ưu tiên những hoàn cảnh khó khăn nhất, sau đó là những học sinh thuộc diện ít khó khăn hơn”, ông Hưng cho hay.
Riêng ở hai huyện miền núi Hướng Hoá và Đakrông có tỷ lệ học sinh được học trực tuyến rất thấp với tỷ lệ lần lượt chỉ đạt 33,25% và 14,55%. Bởi các khu vực này học sinh phần lớn là con em người đồng bào thiểu số Vân Kiều, Pa Cô, điều kiện kinh tế của bà con còn rất khó khăn. Hơn nữa, mạng Internet còn chưa phủ sóng được đến các bản làng tại đây.
“Nếu tình hình dịch Covid-19 còn phức tạp, không dạy học trực tiếp được thì việc dạy và học của giáo viên, học sinh trên địa bàn sẽ rất khó khăn, vì không có đủ phương tiện để phục vụ cho việc học trực tuyến”, bà Lê Thị Hương – Giám đốc Sở GD&ĐT Quảng Trị thông tin.