Điểm tựa cho học trò vùng khó

GD&TĐ - Nhiều thầy cô tâm niệm, làm giáo dục ở miền núi, phải bắt đầu từ những điều nhỏ nhất. Không chỉ dạy kiến thức, mà còn chăm lo từ cái bút, quyển vở đến việc ăn ở, sinh hoạt của học sinh.

Đoàn Thanh niên huyện Tương Dương phối hợp với nhiều đơn vị, huy động nguồn kinh phí nấu cơm, tặng nước uống miễn phí tới thí sinh tham gia các kỳ thi. Ảnh: NVCC
Đoàn Thanh niên huyện Tương Dương phối hợp với nhiều đơn vị, huy động nguồn kinh phí nấu cơm, tặng nước uống miễn phí tới thí sinh tham gia các kỳ thi. Ảnh: NVCC

Lo chỗ ăn ở cho thí sinh đường xa

Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm nay, 127 học sinh lớp 12 của Trường THPT Mường Quạ (đóng tại xã biên giới Môn Sơn) sẽ phải di chuyển gần 20km ra Trường THPT Con Cuông (ở trung tâm huyện Con Cuông, Nghệ An) dự thi. Tuy nhiên, mọi phương án đưa đón, bố trí chỗ ăn ở cho các em đều được nhà trường lên kế hoạch, sắp xếp, tạo điều kiện thuận lợi nhất.

Cụ thể, nhà trường khảo sát, lập danh sách nhu cầu chỗ ở của học sinh khi tham gia kỳ thi. Những em nào có người thân, họ hàng gần khu vực thi, không cần chỗ trọ thì báo lại với giáo viên. Những em còn lại, thầy cô có nhà ở thị trấn, gần điểm thi sẽ chịu trách nhiệm chăm lo, quản lý ăn ở, đưa đón.

Thầy Đặng Văn Bằng – Hiệu trưởng Trường THPT Mường Quạ, huyện Con Cuông, Nghệ An cho hay: Chúng tôi cũng tính đến phương án giáo viên của trường tham gia coi thi ở địa phương khác. Khi ấy, việc quản lý, chăm sóc, đưa đón học sinh sẽ được gửi gắm cho người tin cậy, trách nhiệm. Hoặc phụ huynh các em cũng có thể đến ở cùng con cái tại nhà của thầy cô.

Gia đình thầy Đậu Xuân Dương, GV Toán, Trường THPT Mường Quạ ở thị trấn Con Cuông nhiều năm đón học sinh, phụ huynh về nhà ở trong Kỳ thi tốt nghiệp THPT. Sinh hoạt của gia đình sẽ bị xáo trộn trong mấy ngày, nhưng quan trọng nhất là học sinh có chỗ ăn ở an toàn, yên tâm để dự thi. Nhiều em bố mẹ chỉ đưa ra thị trấn, gửi thầy cô chủ nhiệm, rồi khi các con thi xong mới quay ra đón. Khi đó, thầy cô thay cha mẹ  chăm sóc các em. “Năm nay, tình hình phức tạp hơn do dịch Covid, dự kiến tôi đi làm nhiệm vụ coi thi ở địa phương khác. Tuy nhiên, nhà trường và giáo viên sẽ phối hợp với chính quyền địa phương sắp xếp, bố trí để các em có đủ chỗ ăn ở và phòng dịch”, thầy Đậu Xuân Dương nói.

Trường THPT Mường Quạ có khoảng 90% học sinh dân tộc thiểu số, chủ yếu là người Thái và một nhóm học sinh tộc người Đan Lai đến từ các xã Môn Sơn, Lục Dạ, Yên Khê... Đầu năm học, Ban Chấp hành Đảng bộ nhà trường đã giao nhiệm vụ mỗi đảng viên nhận chăm lo, hỗ trợ 2 học sinh. Không chỉ học tập, ôn thi, mà giáo viên nhận đỡ đầu còn nắm rõ hoàn cảnh gia đình, kịp thời động viên, hỗ trợ các em khi gặp khó khăn trong cuộc sống.

Hiệu trưởng Trường THPT Mường Quạ cũng chia sẻ, học sinh được thầy cô quan tâm, giúp đỡ từ cái bút, quyển sách, đến bỏ tiền túi nuôi trò ăn sáng lấy sức đi học. Giáo dục miền núi phải bắt đầu từ những điều rất nhỏ như vậy, mới giữ được các em ở lại trường, theo học đến hết lớp 12 rồi mới tính đến việc thi cử. “Mỗi giáo viên nhà trường đều xác định theo sát học sinh đến cùng”, thầy Bằng nói. 

Nhiều mùa thi, đội xe ôm miễn phí của Đoàn Thanh niên huyện Tương Dương (Nghệ An) tiếp sức đưa đón thí sinh. Ảnh: NVCC
Nhiều mùa thi, đội xe ôm miễn phí của Đoàn Thanh niên huyện Tương Dương (Nghệ An) tiếp sức đưa đón thí sinh. Ảnh: NVCC

Tiếp sức chu đáo để thí sinh yên tâm dự thi

Gần 200 học sinh lớp 12 của Trường THPT Dân tộc Nội trú tỉnh Nghệ An đang ở lại trường tự ôn tập cho đến ngày thi. Để bảo đảm an toàn phòng dịch, nhà trường thực hiện yêu cầu nội bất xuất – ngoại bất nhập.

Em Lô Thị Quỳnh Hương (lớp 12C1) nhà ở xã biên giới Mỹ Lý, huyện Kỳ Sơn, cách trường hơn 300km. “Nghe tin TP Vinh có dịch bệnh, bố mẹ gọi điện nói em tiếp tục ở lại trường ôn thi. Không bắt xe khách về nhà vì đi lại xa xôi, tiếp xúc nhiều người lạ sẽ nguy hiểm hơn. Ở trường, em thực hiện 5K, lên lớp tự học luôn đeo khẩu trang. Mọi sinh hoạt của em bình thường, an toàn vì được thầy cô, nhà trường quan tâm”, Quỳnh Hương nói.

Kỳ thi năm nay, gần 250 học sinh Trường THPT Tương Dương 2 (huyện Tương Dương, Nghệ An) cũng được thi ngay tại “trường nhà”. Những năm trước, địa phương chỉ có 1 điểm thi tại Trường THPT Tương Dương 1 (thị trấn Hòa Bình). Năm nay, thực hiện giãn cách, nên sẽ bố trí 2 điểm thi ở cả hai trường.

Thầy Trần Đình Mạnh – Hiệu trưởng Trường THPT Tương Dương 2 phấn khởi nói: Được thi ngay tại trường các em theo học 3 năm là một thuận lợi lớn. Thí sinh không phải đi xa, vất vả tìm nơi ở vì đã có phòng trọ của mình. Nhà trường cũng cử cán bộ quản lý, giáo viên lại trực quản lý học sinh trong thời gian thi, kịp thời hỗ trợ xử lý tình huống phát sinh.

Chuẩn bị cho kỳ thi, hai trường THPT cũng phối hợp với các tổ chức, Huyện đoàn Tương Dương để tiếp sức cho thí sinh. Chị Xeo Thị Phon (cán bộ huyện đoàn) thông tin: Kế hoạch hỗ trợ thí sinh được lập từ sớm và triển khai đợt 1 tại kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10. Với Kỳ thi tốt nghiệp THPT, học sinh lớp 12 đã có nhà trọ gần trường từ trước, quen thuộc sinh hoạt, đi lại. Vì vậy, có rất ít phụ huynh ra thị trấn, mà để con tự đi thi. Chúng tôi liên lạc với các chủ trọ để giảm tiền nhà cho thí sinh. Đồng thời, huy động nguồn nấu cơm miễn phí cho các em trong mấy ngày thi.

Theo chị Xeo Thị Phon, huyện đoàn đã tổng hợp được 300 thí sinh đăng ký nhận phiếu ăn miễn phí của cả hai Trường THPT Tương Dương 1 và 2. "Chúng tôi sẽ tặng nước đóng chai, suất ăn cho cả bữa sáng, tối các ngày thi để các em kịp ăn uống, nghỉ ngơi. Đặc biệt, nhiều chủ nhà hàng ăn trên địa bàn cũng đứng ra nhận nấu cơm cho thí sinh. Đội lái xe miễn phí cũng sẵn sàng đưa đón hoặc ship cơm cho thí sinh đến tận trường, nhà trọ trong trường hợp cần thiết", chị Phon cho biết.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ