Bám sát đề thi tham khảo
Tại Trường THPT số 1 huyện Bắc Hà (Lào Cai), 240 HS lớp 12 đang tăng tốc ôn luyện. Thầy Nguyễn Xuân Toàn - Hiệu trưởng nhà trường cho biết: Từ đầu năm học, BGH đã triển khai kế hoạch ôn luyện cụ thể, tổ chức ôn tập cho HS theo hướng học đến đâu ôn tập kiến thức đến đó.
Trường phân lớp ôn tập theo nhóm môn thi tự chọn, cho HS ôn tập theo 2 giai đoạn cụ thể, chi tiết với từng môn thi. Nội dung ôn tập bám sát kiến thức, kĩ năng cơ bản và theo chủ đề, rèn luyện kĩ năng làm bài tập, trả lời nhanh các bài trắc nghiệm. Trường cũng quan tâm đến vấn đề định hướng cho HS lựa chọn môn thi.
Năm học này, trên địa bàn tỉnh Lào Cai có 6.155 HS lớp 12 đăng ký ôn thi THPT quốc gia. Xác định việc chuẩn bị tốt về kiến thức, tâm lý cho các em HS luôn là nhân tố cơ bản, quyết định thành công của kỳ thi, ngay từ những ngày đầu năm học, ngành GD-ĐT Lào Cai đã chỉ đạo các nhà trường quan tâm thực hiện việc vừa dạy kiến thức, vừa gắn với việc ôn thi cho các em.
Ông Nguyễn Anh Ninh - Giám đốc Sở GD&ĐT Lào Cai cho biết: Ngay từ đầu năm học, công tác chuẩn bị cho kỳ thi THPT quốc gia đã được các trường quan tâm thực hiện. Các môn Toán, Ngữ văn, Ngoại ngữ, trung bình từ 80 - 100 tiết, các môn còn lại từ 60 - 80 tiết. Đa số các đơn vị đã tổ chức thi thử ít nhất 1 lần, phân tích cấu trúc đề thi tham khảo, biên soạn ngân hàng câu hỏi trắc nghiệm.
Sở đã tổ chức nhiều hội nghị để bàn về việc tổ chức kỳ thi, kế hoạch ôn thi cho HS, nghe các hiệu trưởng và lãnh đạo các nhà trường báo cáo công tác chỉ đạo ôn tập thi THPT quốc gia năm 2018, từ đó rút ra những bài học kinh nghiệm và định hướng cho kỳ thi 2019. GV được chia sẻ các sáng kiến nhằm rút kinh nghiệm trong công tác kiểm tra, đánh giá, xây dựng kho đề thi để hướng dẫn HS ôn tập.
Ngoài ra, Sở còn thực hiện kế hoạch “Trường giúp trường”, khuyến khích giáo viên giỏi tại các trường trong thành phố Lào Cai đến giúp đỡ GV và HS các vùng miền núi nâng cao chất lượng dạy và học, nâng cao công tác ôn thi THPT quốc gia.
Ảnh minh họa |
Tăng cường rèn kỹ năng
Trường THPT Nguyễn Lương Bằng (Yên Bái) năm nay có 222 HS tham dự kỳ thi THPT quốc gia. Thầy Nguyễn Mạnh Hà - Hiệu trưởng nhà trường cho biết: Để thực hiện tốt kế hoạch dạy học, ôn tập cho HS lớp 12 theo từng giai đoạn, nhà trường đã xây dựng thời khóa biểu, chương trình phù hợp với từng nhóm đối tượng HS.
Nhà trường đã lựa chọn, cắt cử GV có khả năng, kinh nghiệm, nhiệt tình để hướng dẫn HS ôn tập, nắm bắt khả năng của từng HS để đáp ứng nhu cầu ôn tập của các em theo học lực. Ngoài chú trọng đến nội dung kiến thức, các thầy cô giáo còn tăng cường rèn kỹ năng, thao tác làm bài cho HS.
Cùng với các trường khác trên địa bàn tỉnh, Trường THPT Nguyễn Lương Bằng đã lên kế hoạch cụ thể về nội dung ôn tập. Kế hoạch này được chia làm 2 đợt. Đợt 1 bắt đầu từ tháng 9/2018 khi HS đăng ký xong môn thi, khối thi, đặc điểm của đợt 1 là học đến đâu ôn đến đó. Đợt 2 từ ngày 2/5/2019 đến trước khi kỳ thi diễn ra khoảng 10 ngày. Đặc điểm của đợt 2 là ôn tập hệ thống hóa toàn bộ chương trình và tập trung chủ yếu vào luyện giải các đề thi.
Để giúp GV và HS có thể tham khảo, làm quen với dạng đề thi trước khi chính thức bước vào kỳ thi THPT quốc gia, bên cạnh các kỳ thi thử do nhà trường tự tổ chức, Sở GD&ĐT tỉnh tổ chức 2 kỳ thi thử trên quy mô toàn tỉnh theo đúng quy trình của kỳ thi THPT quốc gia, qua đó để nắm bắt thực trạng chất lượng học tập của từng đơn vị trường học.
Kể từ năm học 2018 - 2019, Trường ĐH Bách khoa triển khai xây dựng, cải tiến toàn bộ 16 CTĐT chất lượng cao định hướng tiêu chuẩn kiểm định ABET, với quan điểm thiết kế CTĐT theo mô hình đào tạo dựa trên CĐR và phương pháp tiếp cận CDIO. Đây có thể nói là một cuộc cách mạng lớn của nhà trường trong việc đổi mới và nâng cao chất lượng dạy và học. Thay vì chỉ tích luỹ kiến thức thông qua các giờ giảng lý thuyết theo các mô hình đào tạo truyền thống như hiện nay, người học sẽ được trang bị và tích luỹ các kiến thức, phát triển các kỹ năng cần thiết thông qua các dự án thực tế theo hướng liên môn trải dài trong nhiều học kỳ. PGS.TS Đoàn Quang Vinh
Ông Vương Văn Bằng - Giám đốc Sở GD&ĐT Yên Bái trao đổi: Qua 2 đợt thi thử, HS sẽ được trải nghiệm để tích lũy kỹ năng cho kỳ thi thật sẽ diễn ra vào tháng 6/2019. Kết quả kỳ thi cũng giúp các trường học điều chỉnh nội dung, cách thức ôn luyện trong thời gian tiếp theo, đồng thời giúp các em HS tự đánh giá khả năng của mình để điều chỉnh cách học tập.
Để tăng cường chất lượng cho kỳ thi THPT quốc gia 2019, Sở GD&ĐT Yên Bái đã triển khai các hoạt động trọng điểm như: Tổ chức hội nghị chuẩn bị Kỳ thi THPT quốc gia 2019; kết hợp với Trường Đại học Sư phạm Hà Nội tổ chức tập huấn công tác ôn luyện thi THPT quốc gia cho 100% giáo viên dạy lớp 12.
Cùng với đó, Sở GD&ĐT Yên Bái đã thành lập các tổ giáo viên cốt cán của tỉnh để tổ chức biên tập tài liệu ôn tập chung cho toàn tỉnh ở các môn thi; thành lập các đoàn đến các trường học để dự giờ, kiểm tra công tác tổ chức ôn luyện và giúp các cơ sở tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc về phương pháp tổ chức ôn tập.